25/01/2013 - 14:57

Mỡ trong máu cao

Bạn đồng hành của bệnh tim mạch

Hiện nay, nhiều bệnh viện tuyến huyện đã trang bị máy xét nghiệm có chức năng kiểm tra dư lượng mỡ trong máu - Nhân viên BVĐK Cái Răng đang xét nghiệm kiểm tra lượng đường và mỡ trong máu của một bệnh nhân.

Trong nhịp sống công nghiệp hiện nay, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch như: cao huyết áp, hút thuốc lá, bệnh đái tháo đường, béo phì do ít vận động, người lớn tuổi, phụ nữ mãn kinh... Trong các căn bệnh này, nếu đi kèm với bệnh lý rối loạn lipid máu (hay còn gọi mỡ máu cao) thì bệnh tim mạch sẽ diễn tiến nhanh, dẫn đến xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, huyết khối… nguy cơ tử vong rất cao. Mức nguy hại của bệnh mỡ trong máu là không gây đau đớn, nên người dân còn rất chủ quan, lơ là…

* Biểu hiện âm thầm, khó phát hiện!

Chị Nguyễn Thị Tâm, (45 tuổi), ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ đang thường xuyên đến Bệnh viện Y học dân tộc thành phố tập vật lý trị liệu, vì di chứng liệt cánh tay trái sau cơn tai biến mạch máu não. Trong lúc tập luyện, chị Nguyễn Thị Tâm thường chịu khó hướng dẫn, động viên những bệnh nhân xung quanh nên kiên trì luyện tập thể dục để giảm mỡ trong máu. Chị Nguyễn Thị Tâm, bộc bạch: "Hai năm trước, tôi bị mệt, đến Trung tâm Chẩn đoán y khoa thành phố khám bệnh theo diện bảo hiểm y tế. Bác sĩ khám bệnh, cho biết: Nhịp tim của tôi bình thường, nhưng tôi bị cao huyết áp và mỡ trong máu cao. Trung tâm Chẩn đoán y khoa thành phố cho tôi chuyển viện lên tuyến trên (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ), để tiếp tục điều trị. Tôi ngại phiền phức nên tự mua thuốc uống. Sau đó, do bận việc làm ăn nên quên khám bệnh. Mới đây, khi gắng dọn dẹp nhà cửa tôi đã đột quỵ. May mắn người nhà kịp đưa đến bệnh viện cấp cứu, bác sĩ cho biết tôi còn có thêm bệnh tiểu đường. Tôi thật hối hận, vì thiếu hiểu biết nên đã coi thường sức khỏe của mình".

Anh Đỗ Văn Nam, ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, vừa đặt stent nong mạch vành tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, bị đột qụy khi mới 41 tuổi. Vợ của anh Đỗ Văn Nam cho biết: Mấy năm trước chồng tôi được cơ quan cho đi khám sức khỏe, kết quả xét nghiệm máu cho biết chỉ số mỡ trong máu mức bình thường là 165mg/dl, của chồng tôi nhiều gấp 3 lần. Bác sĩ cảnh báo anh ấy có nguy cơ xơ vữa động mạch. Do công việc làm ăn nên chồng tôi thường xuyên uống rượu bia, khi ở nhà, chồng tôi lại thích ăn thịt mỡ, nội tạng... Phần tôi không thấy chồng mình có biểu hiện gì về sức khỏe nên quên, không nhắc nhở! Lần này, để nong mạch vành, giữ được tính mạng cho chồng, gia đình tôi đã phải tốn gần 150 triệu đồng…".

Bác sĩ Trần Minh Hậu, - Trưởng Đơn vị Tim mạch can thiệp của BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long (người phụ trách điều khiển máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) động mạch vành cho anh Đỗ Văn Nam, nói: Những người bị bệnh nhiễm mỡ trong máu thường có triệu trứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, chân tay tê, đau ngực, thở gấp, tim đập mạnh. Tuy nhiên, với người còn trong độ tuổi khỏe mạnh, thể lực tốt thì các biểu hiện này không rõ ràng. Nếu người bệnh tự dùng các thuốc giảm đau thì nguy cơ bệnh tim mạch là không thể tránh khỏi và bệnh đến sớm hơn so với tuổi tác.

* Nhiều biện pháp phòng bệnh

Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, các loại đậu và các chế phẩm từ đậu.

Không ăn mỡ động vật và nội tạng mà thay bằng dầu thực vật. Thay đổi cách chế biến các món ăn như tăng cường hấp, luộc, hầm, hạn chế chiên, xào, quay, nướng.

Với người có nồng độ mỡ cao trong máu (khoảng 400mg/dL) thì nên tránh xa rượu bia, thuốc lá.

Bác sĩ Trần Minh Hậu, Trưởng Đơn vị Tim mạch can thiệp
(BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long)

Để phát hiện lượng lipid dư thừa trong máu, chỉ cần xét nghiệm máu. Hiện nay, tại các bệnh viện lớn của thành phố đều có dịch vụ khám sức khỏe để tầm soát bệnh. Qua quan sát, đối với những người độ tuổi từ 40 trở lên, các bệnh viện luôn tư vấn để người đó xét nghiệm tìm chỉ số LDL - C, Triglycerides (thể hiện dư lượng mỡ trong máu). Riêng tại Trung tâm Chẩn đoán y khoa TP Cần Thơ, trong năm 2012 có khoảng 30% người (ở độ tuổi trên 40), khám sức khỏe tầm soát bệnh, phát hiện có dư lượng mỡ trong máu vượt hơn mức cho phép.

Bác sĩ Phan Thị Thu Lan, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Những trường hợp này, bệnh viện tư vấn cho bệnh nhân tiếp tục theo dõi để phòng bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nếu người bị mỡ máu cao bị nghiện thuốc lá, rượu bia, thường có tâm lý sợ cho vợ con biết, sẽ bị người thân buộc ăn uống kiêng khem, bỏ thuốc lá, rượu bia.

Bác sĩ Phan Hữu Hên, chuyên ngành Nội tiết, Khoa Nội tiết của Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh, nói: "Để điều trị bệnh mỡ máu cao cần có biện pháp toàn diện, gồm: thay đổi lối sống siêng năng tập thể dục - thể thao, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, thay đổi chế độ dinh dưỡng hợp lý, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, định kỳ 3 tháng/lần xét nghiệm máu để kiểm tra, vì thuốc hạ mỡ máu thường gây tác dụng phụ trên gan".

Tiến sĩ bác sĩ Tôn Chi Nhân, chuyên điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền cho bệnh nhân phục hồi di chứng liệt vận động cho bệnh nhân sau tai biến mạch máu não, cho biết: Bệnh mỡ trong máu như kẻ giết người thầm lặng, vì bệnh này thường tái phát sau quá trình điều trị. Nếu người bệnh chủ quan, lơ là sẽ dẫn đến các căn bệnh về tim mạch, bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Để tránh bị tác dụng phụ của thuốc Tây, người bị mỡ trong máu có thể dùng các vị thuốc Nam, dễ tìm, như: Hà thủ ô, thảo quyết minh, linh chi, sơn tra, lá chè xanh pha với nước sôi uống. Uống lâu dài có thể giảm mỡ trong máu, làm mềm mạch máu, phòng bệnh động mạch vành.

Bệnh mỡ trong máu không có biểu hiện rõ rệt, đa số người phát hiện một cách tình cờ khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc đến bệnh viện điều trị vì triệu chứng của một bệnh khác như bệnh về tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường… Đối với người từ 40 tuổi, thể trạng béo phì, ít vận động, thường uống nhiều rượu bia, thuốc lá nên lưu ý kiểm tra lượng mỡ trong máu để phát hiện bệnh sớm trước khi những biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim, huyết khối, bệnh mạch vành… xảy ra.

Bài, ảnh: Đình Khôi

Chia sẻ bài viết