13/07/2017 - 16:24

Bán đảo Cà Mau

Giữa đôi dòng mặn - ngọt

TTH.VN - Bán đảo Cà Mau (BĐCM), vùng đất cực Nam của Tổ quốc, rộng 1,6 triệu ha gồm TP Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần tỉnh Kiên Giang với hệ sinh thái đa dạng, là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp và thủy sản của cả nước.

* HỮU TÙNG – BÌNH NGUYÊN

Bài 1: Chuyện ở “vương quốc tôm”

Bán đảo Cà Mau (BĐCM), vùng đất cực Nam của Tổ quốc, rộng 1,6 triệu ha gồm TP Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và một phần tỉnh Kiên Giang với hệ sinh thái đa dạng, là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp và thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, do yêu cầu bức bách từ thực tế đời sống, vùng BĐCM với nhiều tiềm năng đang gánh chịu một hệ lụy ảnh hưởng đến sản xuất và môi trường sống, mà nguyên nhân phần lớn do chính con người tạo ra. Để giờ đây, sự tranh chấp mặn – ngọt trên vùng đất này như một bài toán hóc búa đến nay vẫn chưa có lời giải đáp…

Năm 2000, Chính phủ quyết định cho các tỉnh vùng ĐBSCL chuyển đổi 450.000ha đất trồng lúa sang đất nuôi tôm làm nhiều nông dân ở BĐCM như “mở cờ” trong bụng. Chuyện đưa nước mặn vào nuôi tôm đang là bài toán khó tự nhiên có đáp án. BĐCM bỗng chốc trở thành một vùng nuôi tôm rộng lớn mà nhiều người ví von như vương quốc của loài giáp xác này. Nhưng cũng từ đây, những hệ lụy bắt đầu…

* Một thời chuộng mặn… bỏ ngọt

Hơn 13 năm về trước, chính quyền mất ăn mất ngủ vì nhiều nơi dân hè nhau đi bửa đập, phá cống…để có nước mặn nuôi tôm. Khơi nguồn cho phong trào ấy có lẽ là Bạc Liêu. Tháng 7-1998, hàng trăm nông dân của tỉnh này ùn ùn kéo nhau quyết phá cho bằng được con đập Láng Trâm (xã Tân Thạnh, huyện Giá Rai). Sau đó không lâu, làn sóng bửa đập cũng trở nên rầm rộ tại nhiều vùng giáp ranh tỉnh Cà Mau. Chính quyền dù đã cố hết sức xịa cây, đắp lại những con đập mới nhưng vừa gia cố xong thì tiếp tục bị phá. Khơi lại chuyện xưa, ông Trần Văn Út, nguyên Bí thư Chi bộ ấp 2 (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, Cà Mau), kể: “Đêm đó là ngày 14 tháng chạp âm lịch năm 1999, mặt trời vừa lặn, tôi cùng hàng trăm người dân địa phương cùng nhau dùng leng đào đất, búa.. bửa đập ngăn mặn ở các đầu kênh. Trong một đêm, nhóm chúng tôi bửa hết 5 cái đập ngăn mặn từ Vườn Cò kéo dài đến đập Rạch Mới. Vài hôm sau mới biết, vùng Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân…, khí thế bửa đập còn sôi nổi hơn rất nhiều”.

Cống Cà Mau không ngăn được mặn và không đảm bảo giữ ngọt. Ảnh: Hữu Tùng

Động cơ chính để người dân cùng nhau bửa đập là do sản xuất chỉ độc canh cây lúa, năng suất thấp, đời sống bấp bênh. Vùng canh lúa tỉnh Cà Mau, ngày trước do chưa dẫn được nước ngọt từ sông Hậu về nên trồng lúa nhờ nước trời, kém hiệu quả. Trước làn sóng bửa đập rầm rộ, chính quyền buộc phải cân nhắc lại chủ trương ngọt hóa BĐCM. Năm 2000, Nghị quyết 09 của Chính phủ cho phép chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Sau ngày ấy, diện tích nuôi trồng thủy sản ở Bạc Liêu bất ngờ tăng vọt từ 8.000ha lên 48.000ha. Còn ở Cà Mau, trước khi có chủ trương, diện tích nuôi thủy sản chỉ khoảng 30.000ha nhưng nhanh chóng tăng lên 75.000 ha vào năm 2000, đến nay là hơn 270.000ha. Con số tăng ấy, phần lớn được hoán đổi từ diện tích đất trồng lúa sang nuôi tôm.

Nhà nông từ canh tác lúa được chuyển qua nuôi tôm cảm thấy hả hê vì kinh tế gia đình nhanh chóng “phất cờ” chỉ sau vài vụ tôm trúng đậm. Cũng chuộng mặn, nhưng người dân miệt U Minh thượng, An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang lại âm thầm hơn theo phương châm lấn dần để đưa nước mặn vào nuôi tôm. Ông Nguyễn Văn Dẻ, ở ấp Xẻo Lá A, xã Đông Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang), nhớ lại: “Làm lúa quá bấp bênh, nghe bà con ở Cà Mau, Bạc Liêu bửa đập nuôi tôm trúng quá mình cũng ham nhưng kẹt nỗi ngược chủ trương. Vùng đất này, hệ thống thủy lợi chưa hoàn thiện nên phải chịu cảnh làm lúa lúc trúng, lúc thất. Nhiều hộ âm thầm chuyển qua con tôm cũng lúc được lúc không vì làm nhỏ lẻ, chưa nắm được kỹ thuật nên nuôi thất bại. Con tôm thật sự lên ngôi khi Chính phủ cho chuyển dịch. Tuy nhiên, tính ổn định chưa có vì thủy lợi lúc này phục vụ sản xuất lúa, và thế là con tôm tiếp tục ngoắc ngoải”.

* … và sự “chết yểu” của giấc mơ ngọt hóa

Đầu những năm 1990, dự án Quản Lộ-Phụng Hiệp ngọt hóa BĐCM được triển khai với tổng vốn đầu tư 1.400 tỉ đồng từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Hàng trăm công trình cống đập, đê biển, đê sông ngăn mặn, giữ ngọt đã được đầu tư. Ngoài ra, nhiều hệ thống kênh, mương nội đồng tháo chua, xổ phèn cho đồng ruộng để tăng vụ, nâng cao sản lượng lúa, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu cũng được thực hiện. Nhiều công trình thủy lợi dẫn ngọt từ sông Hậu về vùng Quản Lộ-Phụng Hiệp đã được trung ương đầu tư và gần 10.000 km kênh thủy lợi nội đồng của các địa phương nhằm thực hiện đưa vào khai thác khép kín cho toàn bộ vùng. Theo hoạch định của các nhà chuyên môn, khi hệ thống ngăn mặn biển Đông và biển Tây cùng hệ thống kênh mương nội đồng phát huy hiệu quả, nước ngọt từ sông Hậu sẽ được dẫn về giúp cho 70.000 ha đất của tỉnh Bạc Liêu, 50.000 ha của Cà Mau và 66.000 ha của Kiên Giang trở nên trù phú.

Tuy nhiên, chính chủ trương cho chuyển qua nuôi tôm đã vô tình làm cho giấc mơ ngọt hóa BĐCM bỗng chốc lung lay. Nhiều công trình thủy lợi đã được đầu tư nhưng không phát huy hiệu quả phải dỡ bỏ. Trong đó, tỉnh Cà Mau có rất nhiều cống, đập xây dựng nhằm ngăn mặn, giữ ngọt, được đầu tư kiên cố tiền tỉ. Nhưng vì đầu tư dàn trải, chưa đồng bộ nên phần lớn công trình thủy lợi chưa phát huy được hiệu quả phải bỏ giữa chừng. Như trường hợp cống Cà Mau (phường 5, TP Cà Mau) được xây dựng tại vị trí gần trung tâm thành phố, nhằm ngăn mặn, đón luồng nước ngọt từ Phụng Hiệp đổ về. Nhưng hiện tại, cống này không ngăn được dòng nước mặn mà trái lại còn cản trở giao thông đi lại.

Tiêu biểu hơn là công trình Âu thuyền Tắc Thủ, hình chữ U với chiều dài 206m. Công trình được xây dựng tại ngã ba sông Ông Đốc - Cái Tàu - sông Trẹm, thuộc xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình) và xã Khánh An (huyện U Minh, Cà Mau), tổng vốn gần 80 tỉ đồng. Đây là công trình thủy lợi có quy mô lớn do Bộ Giao thông – Vận tải làm chủ đầu tư, nằm trong chương trình ngọt hóa BĐCM, nhiệm vụ ngăn mặn xâm nhập, bảo vệ cho hơn 200.000 ha đất thuộc vùng ngọt hóa bắc vùng bán đảo này. Song, từ ngày âu thuyền hoàn thành đến nay chưa một lần thực hiện đúng công năng, giờ thì công trình xuống cấp trầm trọng. Quanh âu thuyền, cỏ dại rậm rạp, các cánh cửa hai đầu của âu thuyền phía thượng và hạ lưu đã bị neo khóa lại, nhiều thanh sắt và hành lang đi lại cửa của âu thuyền đã bị ăn mòn đứt và rớt xuống sông, hệ thống điện điều khiển đóng mở cửa âu thuyền cũng bị tê liệt…Ngay cả hệ thống ba cống nhỏ ở giữa âu thuyền, có tới 2 cánh đóng mở đã được tháo hẳn ra quăng lên bờ. Chị Bùi Ngọt Đền, làm nghề chèo đò gần âu thuyền Tắc Thủ, tiết lộ: “Từ ngày xây dựng xong đến nay đã hơn 7 năm nhưng tôi chưa thấy cửa âu thuyền đóng mở hay vận hành gì mà trái lại còn hạn chế tàu, thuyền tải trọng lớn qua lại khúc sông này. Đã vậy, âu thuyền án ngự giữa sông làm quá trình bồi, lắng diễn ra nhanh hơn. Tôi đi lại thường trên sông nên rõ, hồi âu thuyền mới làm xong, đoạn gần cửa cắm khoảng 3 cây chèo (một cây chèo khoảng 2,8m) mới đụng đáy, nhưng bây giờ cắm chỉ một cây chèo là gần tới đáy”.

Ông Dương Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Thị Kỷ, cho biết: “Âu thuyền Tắc Thủ hoàn thành khoảng 2005 nhưng “thả cửa” suốt nên dòng chảy lưu thông tự do, không ngăn được mặn và chưa giữ được ngọt. Vì vậy, dân sống thượng nguồn cũng như hạ lưu sản xuất theo mô hình nước mặn chứ không sản xuất theo mô hình sinh thái nước ngọt. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân phản ảnh đầu tư tiền tỉ xây âu thuyền mà không phát huy tác dụng gây lãng phí”. 

Còn rất nhiều công trình thủy lợi phục vụ ngọt hóa BĐCM phải bỏ dở giữa chừng vì con tôm. Sự lên ngôi của loài giáp xác này vô hình trung đã làm “chết yểu” giấc mơ ngọt hóa. PGS. TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu – Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: “Giai đoạn đầu thập niên 1980 đến 1990, do áp lực an ninh lương thực quốc gia nên hầu hết các công trình thủy lợi đều được thực hiện theo hướng tập trung giữ ngọt để trồng lúa. Trong đó, vấn đề ngọt hóa BĐCM cũng nằm trong xu thế chung nhằm đưa nước ngọt từ sông Hậu về  theo hệ thống kênh thủy lợi để phục vụ việc trồng lúa, nhưng chính việc con tôm lên ngôi đã làm cho chủ trương này phải dở dang và kéo theo nó là nguy cơ phá vỡ cân bằng sinh thái như hiện nay”. Theo PGS. TS. Lê Anh Tuấn, chủ trương ngọt hóa vùng BĐCM là một chủ trương đúng nhưng việc triển khai thực hiện chưa đồng bộ, thiếu quy hoạch đã làm cho chủ trương này không thể trở thành hiện thực. PGS. TS. Lê Anh Tuấn nói: “Chúng ta cần đưa nước ngọt về phục vụ sản xuất nhưng không phải toàn vùng, mà phải quy hoạch cụ thể khu vực nào cần nước ngọt sản xuất, khu vực nào cần nước ngọt sử dụng, chúng ta không nên tác động quá nhiều vào thiên nhiên dẫn đến mất cân bằng sinh thái”.

Còn rất nhiều chuyện xoay quanh vấn đề tranh chấp mặn – ngọt ở vương quốc tôm BĐCM. Tuy nhiên, một hệ lụy đang hiện hữu mà ai cũng phải thừa nhận chính là sự mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trên tôm và kéo theo đó là nỗi cơ cực của nhiều nông dân một thời chuộng mặn bỏ ngọt…

Bài 2: Buồn tôm – nhớ lúa

 

Chia sẻ bài viết