10/06/2018 - 18:15

Bàn cách tháo gỡ khó khăn về vốn cho ngành tôm 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp và người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Hội nghị nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng phục vụ nuôi và chế biến tôm xuất khẩu.

Các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã chứng minh được ưu thế vượt trội về năng suất, chất lượng và tỷ lệ thành công cao nhưng khó nhân rộng do người nuôi tôm thiếu vốn. Ảnh: HOÀNG NHÃ
Các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã chứng minh được ưu thế vượt trội về năng suất, chất lượng và tỷ lệ thành công cao nhưng khó nhân rộng do người nuôi tôm thiếu vốn. Ảnh: HOÀNG NHÃ

Cần vốn tạo cú hích

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, doanh số cho vay phục vụ nuôi trồng thủy sản năm 2017 của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là 890,7 tỉ đồng; trong đó, cho vay nuôi tôm là 887,7 tỉ đồng. Vụ tôm năm 2018, tính đến ngày 30-4 có 7 tổ chức tín dụng đầu tư vốn cho doanh nghiệp và 11.601 hộ nuôi tôm, với tổng dư nợ cho vay nuôi và chế biến tôm toàn tỉnh đến cuối tháng 4-2018 là 1.789,6 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 6,4% tổng dư nợ trên địa bàn toàn tỉnh. Riêng các khoản nợ xấu đến cuối tháng 4 là 66,2 tỉ đồng, chiếm 7,2% dư nợ cho vay nuôi tôm; trong đó, nợ xấu có khả năng mất vốn chiếm 94% tổng nợ xấu.

Với tình hình dư nợ như trên, nên theo kế hoạch, năm 2018, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh dự kiến tiếp tục đầu tư tăng trưởng tín dụng cho vay nuôi tôm khoảng 175 tỉ đồng, tập trung chủ yếu ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 162 tỉ đồng.

Các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm đều cho rằng, với một ngành hàng mỗi năm đem lại kim ngạch xuất khẩu trên 500 triệu USD nhưng doanh số cho vay chưa đến 1.000 tỉ đồng/năm là chưa tương xứng và khó tạo cú hích để phát triển nhanh và bền vững. Nguyên nhân chủ yếu là do những khó khăn, vướng mắc về thủ tục, cơ chế chính sách khiến người nuôi và doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Ông Mai Văn Đấu, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) thủy sản Toàn Thắng nêu bức xúc: "Chính vì không vay được đủ vốn từ ngân hàng nên mỗi năm HTX phải mua nợ thức ăn tôm của đại lý 170 - 200 tấn với giá cao hơn mua tiền mặt khoảng 5.000 đồng/kg. Số tiền chênh lệch cả tỉ đồng này đúng ra các thành viên HTX và ngân hàng được hưởng nếu như  việc cho vay được diễn ra suôn sẻ".

 Ông Trần Hữu Mai, thành viên Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, cho rằng: Sau 3 biến động lớn gồm: giá tôm giảm mạnh từ mức 130.000 đồng/kg xuống chỉ còn 50.000 đồng/kg vào các năm đầu của những  năm 2000, khủng hoảng tiền tệ vào năm 2008 đẩy mức lãi suất cho vay lên gần 20%/năm và đến những năm 2010 - 2013 dịch bệnh EMS hoành hành gây thiệt hại nặng khiến người nuôi tôm gần như kiệt quệ, không còn khả năng trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, tình hình nuôi tôm đã khởi sắc hơn nên các ngân hàng cần xem xét cho vay tiếp tục để người nuôi tôm có điều kiện phát triển sản xuất và trả nợ ngân hàng.

Tiếp tục đồng hành

Theo ông Đỗ Xuân Mai, Giám đốc Công ty cổ phần Nuôi trồng thủy sản Khai Minh, trong quá trình cho vay, các ngân hàng chưa chú trọng cho vay theo quy trình, công nghệ nuôi, mà chủ yếu lấy tài sản thế chấp để làm cơ sở cho vay. Vấn đề này có nguyên nhân khách quan là do các ngân hàng không có cơ sở về các tiêu chí kỹ thuật. Do đó, ngành nông nghiệp cần phối hợp với ngân hàng xây dựng nên bộ tiêu chí kỹ thuật để ngân hàng làm cơ sở mạnh dạn cho vay. Ông Đỗ Xuân Mai đề nghị: "Tới đây, ngành nông nghiệp cần phối hợp ngân hàng xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết kế khu nuôi, chi phí đầu tư… để ngân hàng làm cơ sở xét duyệt cho vay đúng theo nhu cầu của từng mô hình".

Khẳng định ngân hàng vẫn mong muốn đồng hành cùng người nuôi tôm và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, ông Phan Văn Bá, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: Sóc Trăng vốn có thế mạnh về con tôm, nên ngân hàng phải đồng hành để phát huy thế mạnh này. Vì vậy, hiện ngân hàng tiếp tục sàng lọc khách hàng, mô hình nuôi tôm có hiệu quả để tiếp tục đầu tư. Về vấn đề tài sản thế chấp, không phải là yếu tố chính mà chủ yếu là dự án sản xuất và phương án trả nợ có khả thi hay không để ngân hàng quyết định cho vay. Ông Phan Văn Bá đề xuất: "Nên chăng chúng ta cần quy định nuôi tôm là một ngành nghề có điều kiện với các tiêu chuẩn kỹ thuật và suất đầu tư rõ ràng cho từng mô hình để từ đó tạo thuận lợi hơn cho ngân hàng khi quyết định giải ngân".

HOÀNG NHÃ

Chia sẻ bài viết