13/08/2018 - 21:01

Bài toán số lượng và chất lượng 

Thiếu nhân lực ngành y tế ĐBSCL là câu chuyện đã được bàn thảo nhiều năm. Tại Hội nghị đào tạo nhân lực y tế ĐBSCL mở rộng năm 2018, do Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tổ chức vừa qua, một lần nữa lãnh đạo các địa phương ĐBSCL tập trung trao đổi để tìm giải pháp cho tình trạng này.

Đã thiếu, bác sĩ lại bỏ việc 

Bác sĩ Lê Hoàng Anh, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang, cho biết: Tỉnh chuẩn bị thành lập 2 bệnh viện chuyên khoa (Lao, Tâm thần) nhưng nhân lực phục vụ rất ít. Mỗi đơn vị chỉ có có 7-8 bác sĩ, trong khi số bác sĩ đang học theo địa chỉ sử dụng ngành hiếm chưa ra trường. Tỉnh đã tuyên truyền, động viên các bác sĩ về địa phương công tác nhưng chưa có kết quả. Tương tự, tỉnh Bạc Liêu hiện có 8,8 bác sĩ/vạn dân, tỷ lệ tương đối khá so với các tỉnh, thành ĐBSCL. Song, đầu năm 2019 tỉnh đưa vào hoạt động Bệnh viện Lao, Tâm thần sẽ khó tránh tình trạng thiếu nhân lực ở chuyên ngành hiếm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Đoàn Tấn Bửu, cho biết: Hiện số bác sĩ trên vạn dân của tỉnh là 6,37 bác sĩ. Mỗi năm, tỉnh có 100 bác sĩ được đào tạo nhưng hao hụt 15-20 người, cộng thêm lực lượng về hưu, thì lên đến 40 -50 bác sĩ, nên nguồn lực y tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ trong giờ học. Ảnh: B.KIÊN
Sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ trong giờ học. Ảnh: B.KIÊN

TP Cần Thơ, trung tâm vùng ĐBSCL cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết: Khó khăn của ngành y tế hiện nay là các bệnh viện chuyên khoa vẫn chưa đủ bác sĩ; nhất là tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Đã có trường hợp người dân phàn nàn khi khám bệnh theo diện bảo hiểm y tế; một phần nguyên nhân là vì thiếu bác sĩ... Bác sĩ Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, nói thêm: Tỉnh có 5,76 bác sĩ/vạn dân, tỷ lệ thấp nhất vùng, trong khi phục vụ chăm sóc sức khỏe cho cả người dân nước bạn Campuchia. Tỉnh đã thiếu nhân lực, lại khó giữ chân bác sĩ ở một số địa phương sát vùng biên giới như Tịnh Biên, kể cả những người có hộ khẩu nơi đây. Thực tế, 2-3 năm gần đây, trừ hệ liên thông, hơn 20% cán bộ đào tạo theo địa chỉ sử dụng chính quy bỏ việc.

Tìm giải pháp căn cơ

  ĐBSCL hiện có 92 bệnh viện đa khoa (BVĐK) tuyến huyện, 14 BVĐK khu vực, 17 BVĐK tỉnh, 37 BV chuyên khoa, trong đó có 21 BV phục vụ cho 5 chuyên ngành hiếm (lao, tâm thần, pháp y, phong, giải phẫu bệnh). Khối y học dự phòng có 135 trung tâm y tế huyện, 103 trung tâm y tế trực thuộc tỉnh. Các tỉnh, thành ĐBSCL đều có trung tâm giám định pháp y - pháp y tâm thần. Tuy nhiên, ĐBSCL hiện có 7,85 bác sĩ/vạn dân và 1,39 dược sĩ/vạn dân; tỷ lệ này thấp so với cả nước. 13 tỉnh thành ĐBSCL đều có Trung tâm Pháp y nhưng chỉ có 4 bác sĩ chuyên ngành. 8 BV Lao và Bệnh phổi tuy hoạt động từ lâu nhưng số bác sĩ chuyên ngành rất ít, nhiều tỉnh chỉ có từ 1 đến 5 bác sĩ.

Là cơ sở đào tạo cán bộ y tế đầu tiên, lớn nhất vùng ĐBSCL, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ được xem như đầu tàu đào tạo nhân lực ngành y tế toàn vùng. Trường là một trong các đơn vị đại học công lập thuộc lĩnh vực y tế đầu tiên thực hiện thí điểm tự chủ. PGS.TS Trần Viết An, Trưởng Phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, cho biết: Năm 2018, trường có 1.229 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân tốt nghiệp; trong đó có 493 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân tốt nghiệp theo địa chỉ sử dụng. Số lượng này tuy không lớn nhưng đã góp phần bổ sung nguồn nhân lực y tế có chất lượng cao trong tỉnh, đảm bảo cho các tuyến, các chuyên khoa đặc biệt ở các tuyến khó khăn, các chuyên khoa khó tuyển. 

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đủ năng lực đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực y tế cho địa phương. Để góp phần giải quyết vấn đề nhân lực y tế vùng, trường đã áp dụng loại hình đào tạo theo địa chỉ sử dụng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế các địa phương. Thế nhưng, thực trạng bác sĩ nghỉ việc, chuyển công tác, về hưu… khiến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế cục bộ vẫn xảy ra, cần có giải pháp lâu dài, căn cơ. Giải pháp mà các tỉnh thành kiến nghị là bổ sung thêm chỉ tiêu, hạ điểm chuẩn trúng tuyển hệ đào tạo địa chỉ sử dụng, liên thông. Đơn cử tỉnh Hậu Giang, có 7,92 bác sĩ/vạn dân khá cao nhưng chỉ tập trung bệnh viện công lập, nên tỉnh mong muốn bổ sung thêm 30 chỉ tiêu. 2 tỉnh (Long An, Bình Dương) cũng mong được thêm chỉ tiêu hệ liên thông, địa chỉ sử dụng. Đại diện Sở Y tế tỉnh Long An cho rằng: Lý do tỉnh mong có thêm chỉ tiêu là do địa phương gần với TP Hồ Chí Minh nên nhân lực y tế bị hút về các bệnh viện thành phố, gây khó cho địa phương. Bác sĩ Trương Hoài Phong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, nói: Mong trường bổ sung thêm 5 chỉ tiêu cho tỉnh và nếu được, trường lấy điểm trúng tuyển 18 điểm (thay vì 19 điểm) để tỉnh dễ xem xét, tìm người đi học hơn.

Giáo sư Phạm Văn Lình, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y dược Cần Thơ cho rằng, trường có thể đồng ý với những tỉnh, thành  thêm 1-3 chỉ tiêu. Trường không thể hạ điểm chuẩn trúng tuyển vì phải đảm bảo chất lượng đào tạo. Ông Lê Văn Tâm đề xuất: Trường nghiên cứu các vấn đề mà địa phương đề nghị, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cho vùng, đáp ứng chăm sóc sức khỏe người dân. Tất nhiên, trường phải dựa trên nguồn lực hiện có để đáp ứng yêu cầu đào tạo.

Có một thực tế là nguồn nhân lực y tế các tỉnh thành ĐBSCL thiếu, nhưng lại xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám”. Nhiều đại biểu đặt ra vấn đề môi trường làm việc và sử dụng đúng người, đúng việc. Đây là yếu tố quan trọng để giữ chân đội ngũ chuyên môn làm việc lâu dài. Ông Lữ Văn Ngời, Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Chính sách ưu đãi tốt có thể thu hút bác sĩ giỏi về địa phương công tác. Tuy nhiên, do cơ chế nên chính sách thu hút đang gặp khó khăn. Ông Tấn Bửu đề xuất: Trường Đại học Y dược Cần Thơ nên nghiên cứu chương trình chuẩn hóa cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ y học cổ truyền, y học dự phòng để họ có được chứng chỉ y đa khoa; để nâng cao trình độ và có thêm nguồn lực phục vụ y tế cơ sở. Chương trình đưa sinh viên ngành y về địa phương thực tập cũng là giải pháp để tăng nguồn lực. Bởi qua chương trình, sinh viên sẽ gắn kết thực hành thực tế với địa phương hơn. Đồng Tháp sẵn sàng hỗ trợ hoạt động này. Hiện tỉnh có 2.000 chỗ ở hỗ trợ cho sinh viên đến địa phương. Sau này, khi bệnh viện 700 giường của Đồng Tháp hoàn thiện, tỉnh sẽ bố trí chỗ ở để sinh viên, giảng viên an tâm học tập, làm việc. 

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết