19/09/2008 - 08:36

"Bài học Vedan"

Công ty Vedan “giết” sông Thị Vải”- đó là nỗi bức xúc của nhiều người dân cả nước khi biết chuyện Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam (gọi tắt là Công ty Vedan) ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai suốt 14 năm qua cố tình qua mặt cơ quan chức năng, xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Điều đáng nói, hệ thống bơm và đường ống kỹ thuật được sử dụng cho mục đích xả nước thải độc hại “gian dối” được thiết kế hết sức tinh vi và tồn tại song song với hệ thống xử lý nước thải khác theo quy định.

Dư luận hoan nghênh nỗ lực của cơ quan chức năng nhằm vạch trần hành vi phạm pháp của Công ty Vedan sau nhiều tháng theo dõi. Nhưng nhiều câu hỏi lại được đặt ra: Tại sao Công ty Vedan có thể “qua mặt” được cơ quan chức năng trong thời gian dài như thế? Do hệ thống quản lý tại địa phương chưa chặt chẽ hay do doanh nghiệp quá “khéo léo” ? Vì sao Bộ Tài nguyên và môi trường vẫn cấp phép cho Công ty Vedan xả nước thải ra sông Thị Vải khi nhiều vấn đề khuất tất chưa được làm rõ? Đại diện Công ty Vedan cuối cùng cũng thừa nhận hành vi sai phạm xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải. Mặc dù sự việc đang được tiếp tục điều tra, nhưng lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan và công luận có ý kiến rằng, hành vi của Công ty Vedan đã vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, cần được xử lý nghiêm.

Đã đến lúc việc doanh nghiệp “cố tình” thải chất thải độc hại ra môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, đời sống sức khỏe người dân... là “vấn đề thời sự”, cần được sự kiểm tra sâu sát hơn của cơ quan chức năng và xử lý nghiêm. Tháng 7 vừa qua, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Khánh Hòa kịp thời ngăn chặn việc Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin định chôn trộm 60 tấn chất thải nguy hại gần nhà dân ở huyện Ninh Hòa. Trước đó, Hyundai Vinashin cũng từng bị xử phạt gây ô nhiễm môi trường nước Vịnh Vân Phong, thải chất thải xỉ đồng vào môi trường. Đây chính là tiếng chuông báo động về tình trạng quá chú trọng đến thu hút đầu tư (nhất là đầu tư nước ngoài) mà quên đi bảo vệ môi trường- một yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững. Những vụ việc này còn cho thấy, việc tuyên truyền bảo vệ môi trường ở các địa phương chưa được chú trọng đúng mức; chế tài xử lý chưa đủ liều để răn đe các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Vì thế, một số doanh nghiệp lờ đi, thậm chí còn “cố tình” tái vi phạm nhiều lần.

Thế giới đang kêu gọi chống ô nhiễm môi trường. Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam là một trong những nước tại châu Á sẽ bị tác động nặng nề bởi sự biến đổi khí hậu do việc gây ô nhiễm môi trường tạo nên. Từ vụ việc “Công ty Vedan “giết” sông Thị Vải”, bất chợt nhiều người nghĩ đến sự phát triển ồ ạt các khu công nghiệp ở ĐBSCL, nơi có hệ thống sông rạch chằng chịt. Nơi đây đã, đang và sẽ có hay không những trường hợp như Công ty Vedan?

Trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đang nỗ lực thu hút nhiều nhà đầu tư vào các khu công nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết các khu công nghiệp trên địa bàn vẫn chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nếu có, phần lớn chỉ mang tính đối phó. Tại TP Cần Thơ, ước tính, mỗi ngày các nhà máy trong hai khu công nghiệp Trà Nóc I và II đã thải ra khoảng 10.000m3 nước thải và các phụ phế phẩm trực tiếp xuống sông Hậu, gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Nguồn nước này lại là nơi cung cấp nước cho Nhà máy nước Cần Thơ và tác hại của nó chắc có lẽ chúng ta đều biết. Hàng ngày, hàng giờ, nhiều chất thải độc hại được thải vào môi trường, một thực trạng đang gây nhức nhối cho xã hội.

Môi trường có tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống. Bảo vệ môi trường phải được xem là quyền và nghĩa vụ của mọi người. Vì thế, không chỉ các cơ quan chức năng, mà mỗi cá nhân, tổ chức đoàn thể, đặc biệt là doanh nghiệp đừng vì lợi nhuận trước mắt mà quên đi trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm đối với cộng đồng chung quanh. Chạy theo lợi nhuận mà phá hoại môi trường là hành vi phi đạo đức, đáng lên án.

Việc xử phạt Công ty Vedan chỉ là bề nổi của “tảng băng trôi”, vì cơ quan chức năng khó có thể thống kê hết được tính độc hại mà sông Thị Vải đã “oằn mình” gánh chịu. Và nghiêm trọng hơn là hậu quả của nó vẫn để lại lâu dài, tác hại sâu rộng đến đời sống, kinh tế... kéo dài đến cả thế hệ mai sau. Ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm để mang lại cho dòng sông Thị Vải hay dòng sông Hậu, sông Tiền... đã bị ô nhiễm trong quá trình công nghiệp hóa, một nguồn nước trong lành mà thiên nhiên đã ban tặng? Hy vọng, bài học từ “Công ty Vedan” sẽ là lời cảnh tỉnh đối với mọi người. Bảo vệ môi trường hôm nay là để bảo vệ cuộc sống tốt đẹp cho thế hệ mai sau. Đó là trách nhiệm, là đạo lý của tất cả chúng ta.

TÂN TÂN

Chia sẻ bài viết