02/11/2017 - 20:30

Sản xuất nông sản sạch, an toàn: Nâng chất lượng, tạo niềm tin

Bài cuối: Từng bước xây dựng thị trường 

Nhu cầu nông sản sạch là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư có tâm huyết và tham vọng. Tuy nhiên, để giành thắng lợi trên thị trường này, các tác nhân tham gia chuỗi giá trị nông sản sạch, an toàn phải đầu tư bài bản và có chiến lược xây dựng thị trường hiệu quả.

Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên liên kết với nông dân sản xuất xoài theo hướng hữu cơ sinh học và bao tiêu đầu ra. Ảnh: M. HUYỀN

 

Khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất sạch

Ông Lâm Minh Trí, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, cho biết: Thế mạnh của công ty có vùng nguyên liệu sản xuất tại chỗ. Đồng thời, công ty đã đầu tư dây chuyền chế biến và hệ thống phân phối tiêu thụ để đưa sản phẩm trực tiếp đến khách hàng. Theo kế hoạch, cuối năm 2017, công ty chuyển đổi sang mô hình Công ty TNHH 2 thành viên và hợp tác với Công ty TNHH ADC chuyên hoạt động trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, chế biến xuất khẩu gạo. Việc hợp tác này sẽ giúp công ty tăng vốn, đổi mới mô hình quản trị, tăng quy mô chế biến, thay đổi công nghệ từ sản xuất đến chế biến, đa dạng và mở rộng kênh phân phối ra ĐBSCL.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng nông sản sạch và càng đặt ra nhiều yêu cầu hơn đối với nhà sản xuất, nhà phân phối về chất lượng sản phẩm. Để khách hàng tin dùng, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị kiểm soát tại nguồn cũng như chất lượng sản phẩm làm ra.

Ông Đoàn Văn Hóa, Quản lý Vinmart khu vực Tây Nam bộ, Công ty cổ phần Siêu thị Vinmart, cho biết: Vinmart là đơn vị đầu tiên và duy nhất thành lập hệ thống phòng Lab trên toàn quốc với 21 phòng kiểm nghiệm tại các địa phương trong cả nước và 2 phòng Lab lớn đầu tư hiện tại và được  chứng nhận đạt tiêu chuẩn  ISO 17025 : 2005.

Vinmart cam kết là đơn vị tiên phong trong việc đảm bảo kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn cho khách hàng. Với những loại hàng hóa có nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm, Vinmart đều kiểm nghiệm các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh và ngay lập tức loại bỏ các hàng hóa không đạt tiêu chuẩn cũng như chấm dứt hợp đồng cung cấp hàng hóa với các nhà cung cấp vi phạm và không có khả năng khắc phục.

Doanh nghiệp tham gia hoạt động kết nối cung-cầu tại Hội thảo “Kết nối cung cầu nông sản sạch và an toàn 2017” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ. Ảnh: MỸ THANH

Ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên (quận Ninh Kiều), chia sẻ: Đại Thuận Thiên cung ứng nông sản sạch với phương châm “Sản phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn”.

Theo đó, công ty liên kết đầu tư vùng sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học tại các tỉnh ĐBSCL và tập trung nhiều ở Hậu Giang và Đồng Tháp. Công ty đầu tư cho nông dân trồng các loại trái cây đặc sản như xoài, cam xoàn, quýt đường, nhãn…

Nhờ đó, công ty quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, cân đối quy mô sản xuất phù hợp với nhu cầu khách hàng. Sản phẩm của công ty chủ yếu cung cấp sỉ tại thị trường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là chính. Song công ty đang định hướng đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu để tập trung phát triển thị trường nông sản sạch tại Cần Thơ nhằm tăng thêm cơ hội đưa sản phẩm nông sản sạch đến người tiêu dùng.

Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị nông sản sạch,  vấn đề quy hoạch vùng sản xuất, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đang được TP Cần Thơ quan tâm. Thành phố xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm hàng hóa có năng suất cao, giá trị lớn, an toàn, chất lượng vượt trội và khả năng cạnh tranh cao. Từ đó góp phần đưa tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 đạt bình quân trên 3,5%/năm trở lên.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, chia sẻ: Thành phố kỳ vọng trong giai đoạn 2020-3030 sẽ hình thành các trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nòng cốt là các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các tổ chức khoa học, công nghệ và đào tạo tham gia đầu tư để tạo ra công nghệ cao phục vụ nông nghiệp thành phố và vùng ĐBSCL. Vấn đề quan trọng là phải kết nối đầu tư sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Thắt chặt liên kết

Bản thân các nhà cung cấp nông sản sạch thực sự gặp nhiều thách thức trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm vì giá sản phẩm cao hơn thị trường 20 - 30%. Trong khi những người tiêu dùng thực sự có nhu cầu và sẵn sàng chi trả cao hơn để mua sản phẩm lại chưa yên tâm về chất lượng nông sản sạch.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến-Đầu tư Thương mại và Hội chợ Triển lãm TP Cần Thơ, thời gian qua, Trung tâm đã tham gia hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, doanh nghiệp kinh doanh phân phối nông sản sạch tìm kiếm vùng nguyên liệu an toàn. Đồng thời, giúp doanh nghiệp kết nối với nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp và cung ứng trực tiếp cho doanh nghiệp để vừa ổn định giá cả lẫn chất lượng sản phẩm.

Các quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng tích cực nhân rộng các mô hình sản xuất nông sản sạch, an toàn gắn với tổ chức các hoạt động tìm kiếm đầu ra cho nông dân. Ông Phạm Hồng Thắng, Trưởng phòng Kinh tế quận Bình Thủy, cho biết: Bình Thủy được quy hoạch là vành đai xanh của thành phố, đóng vai trò cung ứng các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn cho người dân.

Thời gian qua, quận tập trung hỗ trợ nông dân quảng bá các sản phẩm nông sản, thực phẩm như rau an toàn phường Long Tuyền, rau hữu cơ phường Long Hòa, nấm bào ngư phường Thới An Đông, cơ sở sản xuất cá thác lác Lý Vân, phường Bùi Hữu Nghĩa. Các sản phẩm này đã được một số nhà hàng, khách sạn ký hợp đồng cung ứng giúp nông dân, hợp tác xã ổn định đầu ra, yên tâm sản xuất.

Theo các chuyên gia kinh tế, chuỗi kết nối cung cầu nông sản sạch, an toàn phải được xây dựng và hoàn thiện từng bước. Điểm mấu chốt là các tác nhân trong chuỗi phải có ý thức gắn kết để cùng chia sẻ lợi nhuận, rủi ro.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ sẽ phối hợp với Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và một số bên có liên quan để xây dựng một số mô hình kết nối cung cầu nông sản sạch, an toàn như: phiên chợ nông sản sạch định kỳ mỗi cuối tuần; hình thành “mạng lưới các điểm bán nông sản sạch”, mạng lưới thương mại điện tử nông sản sạch… Đây là các điểm đến hấp dẫn để người tiêu dùng tham quan, mua sắm. Từ đó dần hình thành và lan tỏa thói quen tiêu dùng nông sản sạch, an toàn, tạo niềm tin cho khách hàng.

Nhiều ý kiến cho rằng, không kể đến nhu cầu tiêu thụ nội địa, trong bối cảnh hội nhập diễn ra ngày càng sâu rộng, chúng ta cần từ bỏ thói quen và sự lệ thuộc hóa chất để tiến tới nền sản xuất bền vững; kết nối và phát huy tối đa vai trò của những tác nhân tham gia chuỗi giá trị. Khi chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm đáng tin cậy được hình thành, chính các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị này sẽ cùng hưởng lợi.

MỸ THANH-MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết