06/08/2018 - 20:56

Khát vọng về thành phố hiện đại, trung tâm ĐBSCL

Bài cuối: Động lực mới cho các mục tiêu phát triển 

Tại phiên họp thứ 25, ngày 13-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, thảo luận và nhất trí với 3 nội dung mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày xin ý kiến về dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ. Đây là động lực mới cho bước phát triển đột phá của TP Cần Thơ trên chặng đường thực hiện các mục tiêu về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị trong thời gian tới. 

Lãnh đạo thành phố thường xuyên gặp gỡ doanh nghiệp để trao đổi, kịp thời giải quyết những vướng mắc khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chính quyền năng động, thân thiện

TP Cần Thơ đã và đang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế ở cấp độ vai trò của địa phương qua nhiều nỗ lực hoàn thiện các quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư… với mong muốn tạo ra môi trường kinh doanh tốt nhất cho các doanh nghiệp đang hoạt động và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn đến với thành phố. Là vùng đất mới hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản, trong những năm trở lại đây vùng ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng đón tiếp nhiều đoàn nhà đầu tư Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư. Nhật Bản cũng là một trong những thị trường trọng điểm mà TP Cần Thơ hướng đến với các chuyến công tác xúc tiến đầu tư tại thị trường Nhật Bản tạo ra được các quan hệ hợp tác gắn kết. Đặc biệt, tháng 4-2018, thành phố và Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản đã tổ chức thành công Hội nghị "Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực ĐBSCL" tại TP Cần Thơ, tạo ấn tượng tốt đẹp với các đối tác Nhật Bản.

Thành phố cũng đã thành lập Văn phòng Japan Desk  với vai trò kết nối với các hiệp hội, các tổ chức để đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và quảng bá hình ảnh của Cần Thơ đến cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, đồng thời hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại TP Cần Thơ. Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, cho biết: Thời gian tới thành phố sẽ phối hợp với chuyên gia cố vấn Nhật Bản để thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư với đối tác Nhật Bản. Cụ thể là kết nối với Japan Desk các tỉnh, các tổ chức của Nhật Bản như JICA, JETRO, các hội, hiệp hội doanh nghiệp của Nhật Bản. Ngoài ra, từ dự án Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP) được Chính phủ hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đầu tư xây dựng tại TP Cần Thơ được kỳ vọng là một trong những bước đột phá thúc đẩy thành phố phát triển. KVIP là cơ sở ươm tạo, nghiên cứu phát triển kỹ thuật, tư vấn đào tạo nhân lực nhằm mục tiêu hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL.

Ông Motoyuki Nakamura, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Tri-Viet (có nhà máy tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2) cho rằng: Đến đầu tư tại TP Cần Thơ, doanh nghiệp không chỉ được tạo điều kiện thông qua chính sách thu hút đầu tư, chính quyền địa phương thân thiện mà với lợi thế nguồn nhân lực tại địa phương, đặc biệt là đội ngũ quản lý (chủ yếu được đào tạo từ Trường Đại học Cần Thơ) với trình độ ngày càng được nâng cao... nên hoạt động của công ty rất thuận lợi. Là thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh, tôi đã giới thiệu cho nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đang kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh biết về môi trường hợp tác đầu tư tại TP Cần Thơ với nhiều tiềm năng phát triển và đã thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Chặng đường dài phía trước

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), để TP Cần Thơ phát triển trong xu hướng hội nhập, cần phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động. Theo đó, giảm lao động trong nông nghiệp, mở thêm ngành sản xuất, kinh doanh mới để thu hút đầu tư trong nước và từ nước ngoài, tạo môi trường khởi nghiệp, khuyến khích khởi động, ươm tạo doanh nghiệp… Ngoài ra, thành phố cần chú trọng  dành các nguồn lực để giải quyết hiệu quả những hạn chế như: thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn cao tương ứng với các giai đoạn phát triển; hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu hội nhập... Theo khảo sát của VCCI Cần Thơ có 2 điểm yếu là chỉ số phát triển dịch vụ doanh nghiệp và chỉ số nguồn lao động. Do đó, để thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, lao động là mối quan tâm hàng đầu. Ông Jean Luc Voisin, Giám đốc Công ty Vườn trái Cửu Long (Trà Nóc - Cần Thơ), cho rằng, để khai thác hết lợi thế trong lĩnh vực nông sản, trong tương lai, TP Cần Thơ nên chú trọng xây dựng các cơ sở chế biến, thu gom hợp lý; chú trọng chất lượng để xuất khẩu vào những thị trường tiềm năng và trọng điểm. TP Cần Thơ không nên chỉ dừng lại ở việc cung ứng mặt hàng rau quả tươi mà nên chú ý đến mặt hàng rau quả đông lạnh. Từ lợi thế về giao thông sông nước với hệ thống giao thông thủy thuận lợi, vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng cần xây dựng mô hình chế biến, đóng gói, kho lạnh và vận chuyển xuất khẩu theo quy mô lớn.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt được những thành tựu đáng kể, các chuyên gia đã chỉ ra một số bất cập và thách thức cần được quan tâm để TP Cần Thơ nhanh chóng phát triển, điển hình như: tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chậm; chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng các ngành có giá trị gia tăng cao chưa được cải thiện; công nghiệp, đặc biệt công nghiệp phụ trợ chưa phát triển dẫn đến doanh nghiệp khó tham gia vào chuỗi giá trị và ít có cơ hội kết nối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, năng lực cạnh tranh và chuẩn mực kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp chưa chuẩn bị tốt để nắm bắt các cơ hội khi hội nhập, mở cửa thị trường để vươn lên tầm cao mới...

Động lực mới

Sau 15 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, TP Cần Thơ đang có động lực mới cho bước phát triển đột phá trong thời gian tới khi mà một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ đã được UBTVQH chấp thuận. Tin vui này đến trước Hội nghị Xúc tiến Đầu tư TP Cần Thơ năm 2018 sẽ diễn ra vào ngày 10-8 càng có ý nghĩa quan trọng đối với những nỗ lực của TP Cần Thơ trong thời gian qua nhằm thực hiện các mục tiêu về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo Nghị quyết 45-NQ/TW.

Tại phiên họp thứ 25, ngày 13-7, UBTVQH đã xem xét, thảo luận và nhất trí với 3 nội dung mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc xin ý kiến về dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ. Theo đó, UBTVQH nhất trí với đề xuất ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (phần còn lại sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13) và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%. Thứ hai, mức dư nợ vay (bao gồm vay trong nước từ phát hành trái phiaaeu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật) của ngân sách thành phố không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách nhà nước hằng năm được Quốc hội quyết định. Thứ ba, UBND TP Cần Thơ được phép tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính thành phố để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố nhưng chưa bố trí vốn trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng.

Nội dung thứ nhất và thứ hai nêu trên được quy định ở mức tương đương với cơ chế đặc thù dành cho TP Hải Phòng và TP Đà Nẵng. Nội dung cơ chế đặc thù thứ ba cho TP Cần Thơ được quy định tương đương cơ chế đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết