10/12/2018 - 14:44

Kỷ niệm 40 năm chiến thắng chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn (1-1979 – 1-2019)

Bài 5: Chiến công đổ bộ đường biển Tà Lơn là giai đoạn đầu của chiến dịch diễn ra trên đất bạn 

Giai đoạn tác chiến từ 6-1 đến 30-5-1979 diễn ra trên vùng biển, đảo và đất liền Cam-pu-chia được gọi chung là Chiến dịch T5 hoặc Chiến dịch Tây Nam năm 1979. Cuộc tiến công đổ bộ đường biển (ĐBĐB) Tà Lơn diễn ra thành công là tiền đề cho các hoạt động tác chiến sau đó diễn ra thắng lợi, theo đúng ý định và nhiệm vụ cấp trên giao cho Quân chủng Hải quân.

Cuộc tiến công ĐBĐB Tà Lơn là cuộc tiến công ĐBĐB mà lần đầu tiên Quân chủng Hải quân sử dụng lực lượng lớn, tác chiến hiệp đồng quân binh chủng cả trên đất liền, trên biển và hải đảo. Do là lần đầu nên trình độ tổ chức, chỉ huy hiệp đồng và kinh nghiệm tác chiến của cán bộ các cấp so với yêu cầu nhiệm vụ còn nhiều hạn chế, nhất là trình độ tổ chức, chỉ huy chiến đấu hiệp đồng quân, binh chủng. Do điều kiện ban đêm nên trình độ bắn pháo của bộ đội đạt hiệu quả chưa cao. Khu vực chiến đấu là vùng biển khá xa hậu phương nên các mặt bảo đảm gặp nhiều khó khăn, giải quyết không kịp thời. Địch lại hết sức ngoan cố, điên cuồng chống trả nên quá trình chiến đấu của bộ đội gặp nhiều khó khăn, gây ra nhiều hy sinh, tổn thất.

Mặc dù vậy, với tinh thần tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh; kiên quyết, dũng cảm chiến đấu, bộ đội Hải quân cùng các lực lượng phối thuộc, hiệp đồng đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 101 hành quân truy kích địch. Ảnh tư liệu

Hoạt động tác chiến ĐBĐB Tà Lơn gồm nhiều trận chiến đấu diễn ra kế tiếp theo một ý định thống nhất, trong đó có những trận đánh quan trọng mang tính chất của trận then chốt. Tổng cộng, ta đã tiến hành 17 trận, trong đó có 2 trận chiến đấu trên biển, 4 trận chi viện hộ tống thực hành đổ bộ và 11 trận chi viện hỏa lực. Trong các trận đánh đó, đáng chú ý là trận đánh của Lữ đoàn 101 (nay là 126) đổ bộ lên bờ, đánh chiếm các mục tiêu và phát triển tiến công đánh chiếm quân cảng Ream, cảng Kông-pông-xom.

Cũng bắt đầu từ 6-1, Quân đoàn 2 gồm các Sư đoàn 304, 325, được bổ sung Trung đoàn bộ binh 8 từ huyện Tịnh Biên (An Giang-Hà Tiên) đánh theo hướng Tây để hỗ trợ lực lượng Quân khu 9 đánh về Phnôm Pênh, chiếm Kam-Pốt và vùng duyên hải Đông Nam Cam-pu-chia. Cũng như tại mặt trận Tây Ninh, tại An Giang, quân Việt Nam cũng chia quân tấn công hai hướng. Hướng thứ nhất theo Quốc lộ 2 tiến theo hướng Bắc đánh về Phnôm Pênh. Hướng thứ hai tiến theo duyên hải về hướng Tây đánh chiếm hải cảng Kông-Pông-Xom. Sư đoàn 304 được dùng làm trù bị, có thể được dùng tăng cường trong trường hợp Quân đoàn 4 tấn công Phnôm Pênh gặp khó khăn. 

Quân đoàn 3 gồm các Sư đoàn 10, 31, 320 được bổ sung Sư đoàn 302 đánh từ Tây Ninh, vượt qua tỉnh Kông-Pông-Chàm đến sông Mê Kông và vùng lãnh thổ Đông Bắc Cam-pu-chia. 

Quân đoàn 4 gồm các Sư đoàn 7, 9, 341 được bổ sung thêm Sư đoàn 2 cùng Lữ đoàn 22 Thiết giáp, Lữ đoàn 24 Pháo binh, Lữ đoàn 25 Công binh và 3 tiểu đoàn Khmer thân Việt Nam (UFNSK) tấn công từ hướng Tây và Tây Nam Tây Ninh, sau khi đã tái chiếm những vị trí trên tỉnh lộ 13, theo đường 1 qua tỉnh Svay Rieng nhắm đánh bến phà chiến lược Neak Luong để đến Phnôm Pênh.

Quân khu 5 gồm hai Sư đoàn 307, 309 và Lữ đoàn Đặc công 198 đánh từ Pleiku theo đường 19 về hướng Tây để tiêu diệt quân Khơ-me Đỏ ở Đông Bắc Cam-pu-chia.

Quân khu 7 gồm Sư đoàn 5, 302, 303, Trung đoàn Đặc công 117 được tăng cường thêm một số đơn vị của Quân đoàn 3 như Lữ đoàn 12 Thiết giáp; những trung đoàn chủ lực các tỉnh Tây Ninh, Long An, Sông Bé; Trung đoàn 262 pháo binh, Trung đoàn 26 Thiết giáp, Trung đoàn Công binh 25, 3 tiểu đoàn UFNSK từ phía Bắc tỉnh Tây Ninh và khu căn cứ của UFNSK quanh Snuol tiến quân dọc theo Quốc lộ 13 và Quốc lộ 7 đánh chiếm Kratié và Kông-Pông-Chàm. 

Quân khu 9 gồm các Sư đoàn 4, 330, 339, tấn công từ khu vực Tịnh Biên ở hướng Bắc qua tỉnh Ta Keo, hướng về Phnôm Pênh.

Đoàn 901 không quân gồm Sư đoàn không quân 372 được trang bị máy bay F-5, A-37, máy bay trực thăng UH-1, máy bay vận tải C-130, C-119, C-47 và một phân đội Mig-21 từ Trung đoàn 921.

Theo Báo Hải quân Việt Nam

Chia sẻ bài viết