06/11/2017 - 21:09

Phát triển kinh tế tư nhân ở TP Cần Thơ: Nâng tầm doanh nghiệp Việt

Bài 1: Những điểm sáng 

Nhóm PV Kinh tế

Khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) ở TP Cần Thơ những năm qua không ngừng lớn mạnh và đóng góp tích cực, quan trọng cho kinh tế - xã hội thành phố. Nhiều doanh nghiệp (DN) vượt khó, trở thành những “điểm sáng” trong phát triển. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) xác định: Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thông điệp này được cộng đồng DN đón nhận với một kỳ vọng lớn. Đồng hành với cộng đồng DN, chính quyền thành phố tạo điều kiện, thúc đẩy DN phát triển trở thành“động lực quan trọng” của nền kinh tế.

Xây và giữ vững thương hiệu

Lãnh đạo thành phố thăm Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An.  Ảnh: NAM HƯƠNG

Thành lập năm 2003, đến nay đã qua 14 năm hoạt động, nước mắm cá cơm Phú Quốc mang thương hiệu Quốc Hải (Công ty TNHH Quốc Hải) luôn lấy chất lượng làm đầu. Là một trong những thành viên của Hiệp hội nước mắm Phú Quốc, Công ty TNHH Quốc Hải tuân thủ theo quy định sản phẩm nước mắm sử dụng chỉ dẫn địa lý tại Phú Quốc. Công ty đặt ra những chỉ tiêu nghiêm ngặt về chất lượng và đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhờ đó, thương hiệu nước mắm Quốc Hải nhanh chóng khẳng định chỗ đứng trên thị trường nước mắm trong nước và vinh dự nhận được nhiều giải thưởng, chứng nhận như: Hàng Việt Nam chất lượng cao, Huy chương vàng tại hội chợ quốc tế Cần Thơ, Huy chương vàng hàng hiệu Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn (Bộ Công thương trao tặng), chứng nhận xuất xứ A.O....

Bà Võ Thị Lệ Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Quốc Hải, cho biết: Năm 2009, do nhu cầu mở rộng mạng lưới kinh doanh và giảm bớt chi phí đầu vào,  công ty đã đầu tư nhà xưởng có qui mô 4.000m2 với trang thiết bị hiện đại, hệ thống chiết rót tự động, đảm bảo an toàn vệ sinh và chất lượng.

Nhờ đó, ngay cả biến cố liên quan đến thông tin sai lệch cho rằng nước mắm truyền thống nhiễm asen (gây độc cho người sử dụng), nước mắm Quốc Hải vẫn giữ được niềm tin với người tiêu dùng. Nước mắm Quốc Hải đã có mạng lưới phân phối mở rộng khắp các tỉnh thành và hệ thống siêu thị Co.opmart. Công ty đang hướng tới thị trường xuất khẩu ra nước ngoài với thương hiệu “Nước mắm Quốc Hải".

Năm 2015 Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N ra đời với sản phẩm chính là chuyên cung cấp các sản phẩm từ cá thát lát (cá thát lát tươi sống, chả cá thát lát, cá thát lát ướp gia vị nguyên con,...). Ông Phạm Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N, nhớ lại những ngày khởi nghiệp: Bắt tay vào thực hiện dự án doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn. Doanh nghiệp phải "chạy" khắp nơi để kiếm thêm đồng vốn và tìm đầu ra cho sản xuất...

Nhưng nhờ sự đồng tâm của tập thể nhân viên, sau 2 năm hoạt động, từ cơ sở nhỏ 12m2 ban đầu, ngày 1-10-2017, công ty chuyển sang nhà máy mới với quy mô khoảng 6.000m2, được đầu tư máy móc sản xuất hiện đại với công suất thiết kế 20 tấn/ngày, có từ 70-80 nhân viên làm việc thường xuyên đạt mức thu nhập từ 5-30 triệu đồng/người, tùy theo vị trí công việc. “Công ty chủ động đầu tư các vùng nuôi, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu.

Đồng thời, luôn năng động tìm kiếm thị trường, giữ chữ tín trong kinh doanh"- ông Phạm Trọng Nghĩa đút kết ngắn gọn nhất về bài học thành công của công ty. Và cũng từ triết lý kinh doanh này, sản phẩm của công ty đã có mặt tại hầu hết các hệ thống siêu thị lớn tại Việt Nam. Không chỉ vậy, công ty cũng đã bắt đầu đem hàng xuất ngoại để từng bước thâm nhập thị tường nước ngoài.

 "Chen chân" thị trường thế giới

Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư và Tư vấn Retail & Franchise ASIA, cho rằng: Trong nền kinh tế hội nhập, không chỉ Việt Nam, mà quốc gia nào cũng muốn đất nước mình vươn ra tầm quốc tế. Thương trường là chiến trường, trong đó yếu tố thắng lợi là tư duy, năng lực cạnh tranh và chiến lược phát triển. Nếu không bắt đầu bằng tầm nhìn khu vực, sẽ không có sự chuẩn bị một cách toàn diện để cạnh tranh. Đó cũng là những triết lý kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ở Cần Thơ để vươn ra thế giới.

Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, chế biến lúa gạo được xem là chìa khóa thành công cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu lúa gạo. Từ tiêu chí này, Công ty cổ phần Gentraco đã xây dựng phương án đổi mới để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, đưa sản phẩm vào các thị trường khó tính.

Công ty đã đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu thực hiện theo tiêu chuẩn BRC (Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm của Hiệp hội bán lẻ Anh quốc) – tiêu chuẩn cao nhất của ngành gạo ở thời điểm hiện tại. Bộ tiêu chuẩn mới sẽ cộng thêm điểm cho sản phẩm an toàn như đáp ứng các yếu tố bảo vệ môi trường, nguồn nước, an toàn sức khỏa cho nông dân, giảm khí thải… để việc sản xuất kinh doanh thực sự bền vững, đúng tiêu chuẩn an toàn môi trường của ngành gạo quốc tế.

Chế biến cá thát lát tại Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N. Ảnh: NAM HƯƠNG

Suốt hơn 20 năm hoạt động, bằng việc quyết định đầu tư đúng đắn cho khoa học và công nghệ tiên tiến trong sản xuất, đi đầu trong liên kết hỗ trợ nông dân trồng lúa sạch, chế biến ra nhiều sản phẩm gạo sạch, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã và đang chinh phục thị trường trong và ngoài nước.

Diện tích vùng nguyên liệu trồng lúa của công ty lên tới 8.000ha, đạt sản lượng 60.000 tấn gạo/năm. Dự kiến đến năm 2020 công ty sẽ mở diện tích vùng nguyên liệu lên tới 21.000ha, đang cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm mang thương hiệu Gạo sạch Trung An, gồm: gạo thơm Jasmine, gạo thơm lài sữa, gạo thơm hương lài, gạo thơm Việt Đài, gạo thơm trắng tép, gạo Japonica, gạo lứt tím than và dòng sản phẩm gạo hữu cơ. 

Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, quận Ô Môn là một công ty hàng đầu về sản xuất và xuất khẩu cá basa tại Việt Nam. Về kết quả đạt được, ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, cho biết: Công ty luôn quan tâm đến cải thiện hệ thống chất lượng và đào tạo lực lượng lao động có tay nghề cao. Điều đó đã mang lại cho công ty những chứng chỉ quản lý chất lượng quốc tế.

Bên cạnh đó, Biển Đông đầu tư mở rộng ao nuôi cá và các nhà máy chế biến thức ăn cho cá, sản xuất và nuôi trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, BAP… Đây cũng là một trong những ưu thế để Biển Đông đảm bảo được sản phẩm đầu cuối chất lượng do đã kiểm soát được việc cung cấp nguyên liệu tươi. Với phương pháp tiếp cận này, Biển Đông có khả năng tích hợp đầy đủ các quy trình từ đầu vào cho tới đầu cuối.

“Từ năm 2009, Biển Đông bắt đầu thực hiện chiến lược phát triển bền vững.  Đến nay, chiến lược này đã trở thành một trong những yêu cầu tất yếu cùng với tiêu chí an toàn thực phẩm và khả năng truy xuất. Sản phẩm của công ty đã chinh phục các thị trường khó tính, như: Nhật Bản, châu Âu. Công ty đảm bảo công ăn việc làm cho hơn 6.000 lao động với thu nhập bình quân từ 4,5-6,5 triệu đồng/tháng. ” - ông Ngô Quang Trường chia sẻ.

    * * *

Trong tiến trình phát triển, nhiều doanh nghiệp đã vượt thắng và trở thành những “điểm sáng”. Với những nỗ lực không ngừng, các doanh nghiệp này đã được người tiêu dùng tin tưởng và bình chọn đạt doanh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao; nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển ra nước ngoài.

Vị thế doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân được nâng tầm

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) khẳng định việc xây dựng cơ chế mới về quản lý kinh tế, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Năm 1990, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân ra đời, tiếp sức thêm cơ hội cho đội ngũ những người kinh doanh phát triển. Từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định chọn ngày 13-10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.

Với việc sử dụng thuật ngữ “đội ngũ doanh nhân” trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (tháng 1-2011), Đảng ta chính thức thừa nhận “đội ngũ doanh nhân” cùng giai cấp công nhân, giai cấp nông nhân, đội ngũ trí thức là lực lượng xã hội cơ bản trong cơ cấu giai tầng xã hội Việt Nam.

Ngày 9-12-2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là lần đầu tiên Trung ương ban hành Nghị quyết về doanh nhân. Và cũng lần đầu tiên DN, doanh nhân được quy định chính danh tại Điều 51 của Hiến pháp được Quốc hội thông qua năm 2013.

Từ việc triển khai, thực hiện các đường lối, chủ trương trên, ông Phạm Gia Túc, Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nhận định: Các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển của DN, đội ngũ doanh nhân và hướng hoạt động của DN, đội ngũ doanh nhân vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó, nhận thức về vai trò của DN, đội ngũ doanh nhân trong nền kinh tế, trong xã hội của thành phố có sự chuyển biến tích cực và từng bước được nâng tầm. 

(Còn tiếp)

Bài 2: Kiến tạo hỗ trợ doanh nghiệp

Chia sẻ bài viết