03/10/2018 - 21:37

Bác sĩ thi tài 

 Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ vừa tổ chức hội thi “Kiến thức bác sĩ giỏi” năm 2018, với khoảng 100 bác sĩ của tất cả các khoa, phòng BV dự thi vòng trắc nghiệm. Kết quả có 11 bác sĩ đạt điểm số cao nhất bước vào vòng chung kết tham gia thi vấn đáp. Trong phần thi này, với các câu hỏi liên quan đến những tình huống thường gặp trong thực tế khám chữa bệnh, giúp các bác sĩ cập nhật thêm kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe người bệnh.

Thí sinh dự thi vấn đáp chụp ảnh lưu niệm với Ban Giám khảo.

Theo lãnh đạo BV, hội thi nhằm cập nhật, nâng cao kiến thức cho các bác sĩ về Luật Viên chức, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), quy chế chuyên môn, quy tắc ứng xử và các chế độ chính sách đối với viên chức, công chức Nhà nước. Hầu hết các tình huống đều xảy ra trong thực tế khám chữa bệnh tại BV.  Thí sinh Võ Thế Nhiều, bác sĩ Khoa hồi sức cấp cứu BV phải xử lý tình huống trong ca trực, có bệnh nhân bị tai nạn giao thông được người đi đường đưa vào BV cấp cứu với tình trạng bị đa chấn thương nặng, lơ mơ, nghi có sử dụng rượu bia. Người đưa bệnh nhân vào viện cho biết, bệnh nhân say rượu, điều khiển xe chạy ngược chiều dẫn đến tai nạn. Sau thăm khám, bác sĩ yêu cầu người đưa bệnh nhân vào viện đi đóng viện phí, nhưng người này không đồng ý vì cho rằng lỗi do người bị tai nạn gây ra. Ban Giám khảo đã yêu cầu thí sinh đưa ra biện pháp giải quyết tình huống và lưu ý là bệnh nhân có mang theo chứng minh nhân dân và thẻ BHYT còn giá trị sử dụng.

Với tình huống trên, bác sĩ Nhiều đã xử lý theo trình tự, lấy thông tin người đưa đến, xác định mối quan hệ với bệnh nhân. Sau khi biết người đưa bệnh nhân vào viện chỉ là người đi đường, thì bệnh nhân được xếp vào trường hợp người bệnh không có thân nhân, cán bộ y tế lập biên bản theo quy định và trình lãnh đạo cấp trên, cho bệnh nhân được nợ viện phí. Đồng thời chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng, tiếp tục cấp cứu cho người bệnh. Qua kiểm tra giấy tờ tùy thân của bệnh nhân, nếu trùng khớp với BHYT thì sẽ cho bệnh nhân được hưởng quyền lợi BHYT trong quá trình điều trị.

Các thành viên Ban Giám khảo nhận xét bác sĩ Nhiều có kinh nghiệm xử lý tốt trước trường hợp cấp cứu này, đồng thời, lưu ý, yếu tố ưu tiên hàng đầu là cấp cứu người bệnh, nhanh chóng thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, còn thủ tục hành chính nên thực hiện nhanh, tránh làm chậm cơ hội điều trị của bệnh nhân.

Hay một tình huống khác cũng thường gặp tại BV Đa khoa TP Cần Thơ. Đó là  thai phụ mang thai 38 tuần, đăng ký khám tại phòng khám sản phụ khoa của BV Đa khoa TP Cần Thơ. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có dấu hiệu chuyển dạ nên hướng dẫn thai phụ đến BV Phụ sản TP Cần Thơ nhập viện sanh, do BV Đa khoa TP Cần Thơ không có khoa sản. Tuy nhiên, khi đến BV Phụ sản thì bác sĩ nơi đây yêu cầu người nhà bệnh nhân quay trở lại BV Đa khoa TP Cần Thơ xin giấy chuyển viện mới được hưởng BHYT. Thí sinh Mã Vĩnh Đạt – bác sĩ Khoa Nội thần kinh – cơ xương khớp, lý giải tình huống: Sau khi thăm khám, bác sĩ BV Đa khoa TP Cần Thơ chẩn đoán do bệnh nhân đã có dấu hiệu chuyển dạ sanh thì phải làm thủ tục chuyển viện cho thai phụ mới đúng quy trình. Còn khi thai phụ đến BV Phụ sản trong tình trạng cấp cứu mà cán bộ y tế lại yêu cầu phải có giấy chuyển viện từ nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu là sai. Trường hợp này thai phụ phải được hưởng BHYT đúng tuyến.

Trong cơn nguy kịch của bệnh nhân, luôn đòi hỏi cán bộ y tế nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức vì người bệnh. Đó là thông điệp Ban Giám khảo gởi gắm các thí sinh, thông qua tình huống thí sinh Nguyễn Thị Tiền – Khoa Nội thận – tiết niệu – lọc máu phải xử lý: một bệnh nhân đang điều trị nội trú diễn biến nặng được người nhà báo với bác sĩ trong giờ hành chính. Trong vai trò bác sĩ trực khoa, thí sinh sẽ xử lý như thế nào? Theo bác sĩ Tiền, với trường hợp này, bác sĩ sẽ nhanh chóng đến ngay phòng bệnh thăm khám cho bệnh nhân, xử trí cấp cứu với các biện pháp tùy theo tình trạng bệnh, nếu cần thiết sẽ nhờ hỗ trợ từ các khoa khác để hội chẩn liên khoa, liên viện. Cán bộ y tế sẽ không quên tư vấn kỹ cho người nhà tình trạng bệnh và tiên lượng bệnh. Nếu tình trạng người bệnh vượt quá khả năng điều trị của khoa, bác sĩ sẽ tiếp tục báo cấp trên để có những biện pháp điều trị tiếp theo.

Liên quan đến quy định bác sĩ phải trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân thì mới cấp thuốc, kê toa, Ban tổ chức đưa ra tình huống không phải là hiếm xảy ra trong thực tế. Đó là mẹ của một viên chức đang làm việc tại BV Đa khoa TP Cần Thơ không đến BV khám bệnh được, nhờ bác sĩ đồng nghiệp kê toa cấp thuốc và nhờ kê thêm thực phẩm chức năng. Với vấn đề này, thí sinh cho rằng, nếu bản thân từng thường xuyên khám bệnh cho mẹ của đồng nghiệp trước đó, có thể sẽ kê toa theo yêu cầu của đồng nghiệp. Tuy nhiên, Ban Giám khảo nhắc nhở, theo quy định của pháp luật trong hoạt động khám chữa bệnh, bác sĩ không khám bệnh nhân thì không được kê đơn thuốc, cũng như không kê đơn theo yêu cầu của người bệnh, không kê đơn thực phẩm chức năng.

Sau vòng thi vấn đáp, Ban Giám khảo lựa chọn các thí sinh xuất sắc nhất, trao 1 giải Nhất; 1 giải Nhì; 1 giải Ba và 2 giải Khuyến khích. Đại diện Ban Tổ chức hội thi, bác sĩ CKII Võ Hồng Sở, Phó Giám đốc BV Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết, hội thi tổ chức nghiêm túc, công tâm. Việc Ban tổ chức đưa ra các tình huống hầu hết đã xảy ra trong thực tế tại BV, cho các thí sinh xử lý ở vòng thi vấn đáp, nhằm giúp các bác sĩ rút ra kinh nghiệm để giải quyết tốt, hiệu quả các tình huống tương tự trong thực tiễn. Đây cũng là dịp để các bác sĩ nhìn lại bản thân, tiếp tục trau dồi thêm kiến thức mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh trong thời gian tới.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết