19/10/2009 - 10:47

Bác sĩ hành nghề tư nhân bị gia đình khiếu kiện gây chết bệnh nhi

Ngày 6-10-2009, Báo Cần Thơ đã nhận được đơn thưa của chị Trần Lúi, ở số 38/9 đường Nguyễn Trãi (phường An Hội, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) khiếu nại về việc bác sĩ Đinh Tiến Dũng, Trưởng khoa Tai-Mũi-Họng của Bệnh viện Nhi đồng (BVNĐ) TP Cần Thơ, hành nghề y tư nhân, cố tình kéo dài thời gian điều trị dẫn đến cái chết thương tâm cho con trai chị là bé Trần Đăng Khoa, 6 tháng tuổi. Sự thật ra sao?

* Nỗi đau của gia đình

Theo chị Trần Lúi tường trình, ngày 22-9-2009, bé Trần Đăng Khoa bị nóng sốt được chị Lúi bồng qua phòng mạch tư (cũng là nhà riêng) của bác sĩ Đinh Tiến Dũng tại số 38/8 đường Nguyễn Trãi - đối diện nhà chị Lúi. Sau khi thăm khám cho bé Khoa, bác sĩ Dũng nói: “Cháu bị viêm phổi, bệnh này điều trị vài ngày sẽ khỏi” và bán cho chị Lúi gói thuốc (thuốc được bóc vỏ và bẻ nhỏ) bảo về cho cháu uống. Bác sĩ Dũng đã điều trị cho Khoa được 5 ngày, mỗi ngày đều cho thuốc giống nhau nhưng bệnh tình của Khoa không thuyên giảm. Ngày 27-9-2009, gia đình đưa Trần Đăng Khoa vào BVNĐ, y, bác sĩ của bệnh viện tận tình cứu chữa, nhưng Khoa đã tử vong trong ngày. Giấy báo tử của bệnh viện ghi nhận Trần Đăng Khoa tử vong vì nhiễm trùng huyết, tổn thương đa cơ quan suy dinh dưỡng thể phù.

Anh Trần Ngọc Phi, ba của cháu Trần Đăng Khoa cho biết: “Khi con tôi nhập viện, gia đình tôi có nhờ bác sĩ Dũng gởi gắm, tôi thấy bác sĩ Dũng đã trao đổi gì đó với bác sĩ Nguyễn Thị Bảo Ngọc tại Phòng Cấp cứu, khi bác sĩ Dũng vừa ra về thì bác sĩ Nguyễn Thị Bảo Ngọc, phụ trách ca trực đưa cho tôi xem phim chụp X - quang của con tôi, bác sĩ Nguyễn Thị Bảo Ngọc nói: “Tim của con tôi to bằng nắm tay, tình trạng nguy kịch của con tôi có nghi vấn từ bệnh tim bẩm sinh”. Lời của bác sĩ Nguyễn Thị Bảo Ngọc như cho tôi tin là con tôi tử vong vì bệnh bẩm sinh, trên thực tế bệnh viện đã kết luận con tôi không bị bệnh tim. Tôi không khiếu nại bác sĩ Nguyễn Thị Bảo Ngọc vì “lời nói gió bay”. Song qua việc này, tôi đề nghị cơ quan chức năng làm rõ vấn đề y đức của bác sĩ Dũng”. Chị Trần Lúi khóc, nói: “Lúc sinh ra, Khoa nặng 3,2 kg, mau lớn, khỏe mạnh và ngủ luôn thẳng giấc. Nó dễ chơi như cục bột, hàng xóm ai cũng thương. Trước cái chết quá bất ngờ của con tôi, gia đình tôi rất đau buồn. Từ trước đến nay, người nhà tôi bị bệnh đều nhờ bác sĩ Dũng điều trị. Nhà bác sĩ Dũng đối diện với nhà tôi, cách nhà tôi có mấy bước chân mà hôm con tôi chết, bác sĩ Dũng vẫn thản nhiên khám bệnh, bán thuốc kiếm tiền, không chia buồn với vợ chồng tôi, người nhà bác sĩ Dũng còn đi khắp xóm nói con tôi chết do tôi đưa cháu điều trị nhiều nơi. Gia đình tôi đưa Trần Đăng Khoa về quê thôn cất xong, mẹ tôi buồn quá ngồi trước cửa nhà than khóc, bác sĩ Dũng sợ dèm pha nên chuyển địa điểm đến khám bệnh, bán thuốc sang hẻm 14 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường An Lạc, quận Ninh Kiều”.

* Ý kiến cơ quan chức năng

Theo Hồ sơ bệnh án số 015791 của BVNĐ thì Trần Đăng Khoa được đưa vào khoa Hồi sức cấp cứu lúc 9 giờ 45 phút ngày 27- 9-2009. Tình trạng bệnh: tiêu chảy, sốt cao, da tím tái. Bệnh viện cho chụp X-quang để kiểm tra tim, phổi, xét nghiệm máu, phân, kết hợp dùng thuốc điều trị tích cực nhưng bệnh tiến triển nặng dần. Đến 15 giờ 10 phút cùng ngày, Khoa bị co giật, tím tái, phải đặt nội khí quản, thở máy, sau đó, Khoa rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong lúc 20 giờ cùng ngày.

Về bệnh sử của Khoa khi nhập viện cấp cứu, gia đình cho biết trước khi đưa Khoa vào bệnh viện, đã có thời gian điều trị với hai bác sĩ tư, gồm bác sĩ Dũng và một bác sĩ tư khác. Và theo BVNĐ, không thấy chị Trần Lúi thể hiện trong đơn thưa. Chị Lúi nói: “Trong đơn thưa bác sĩ Dũng, tôi muốn phản ánh thái độ cố tình kéo dài thời gian điều trị của bác sĩ Dũng, còn vị bác sĩ tư kia mà tôi đưa Khoa đến khám, sau khi thăm khám đã cho một viên thuốc đặt vào hậu môn con tôi để giảm sốt, đồng thời, yêu cầu gia đình tôi đưa vào BVNĐ cấp cứu”.

Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc BVNĐ cho biết: Bệnh viện đã nhận được đơn thưa của chị Trần Lúi, theo quy định bệnh viện đã tổ chức họp Hội đồng khoa học (vào chiều 9-10-2009), thành phần cuộc họp, gồm: lãnh đạo bệnh viện và lãnh đạo các khoa, phòng có liên quan; trong đó, có bác sĩ Đinh Tiến Dũng và bác sĩ Nguyễn Thị Bảo Ngọc. Việc gia đình Trần Đăng Khoa phản ánh bác sĩ Nguyễn Thị Bảo Ngọc nói Trần Đăng Khoa nguy kịch do bị bệnh tim bẩm sinh, bác sĩ Ngọc giải thích: “Tôi xem phim X-quang thấy bóng tim của bé to, nghi ngờ bé bị tim bẩm sinh nên hỏi kỹ bệnh sử về tim”, việc này là không sai quy định về chuyên môn. Qua phân tích của các bác sĩ chuyên khoa, căn cứ trên quá trình điều trị cho bệnh nhi, bệnh viện kết luận trường hợp của Trần Đăng Khoa là: “Bệnh nặng, được tiên lượng ngay từ đầu, điều trị xử lý kịp thời. Chẩn đoán: nhiễm trùng huyết, tổn thương đa cơ quan, suy dinh dưỡng thể phù là chính xác, điều trị phù hợp với chẩn đoán”, tức bệnh nhi tử vong do bệnh nặng. Bệnh viện sẽ lập báo cáo khoa học để báo cáo Thanh tra Sở Y tế. Dược sĩ Trần Hữu Bình, Chánh thanh tra Sở Y tế cho biết: Thanh tra Sở đã nhận được đơn thưa của chị Trần Lúi, bác sĩ Dũng là Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng của BVNĐ TP Cần Thơ, có đăng ký khám bệnh ngoài giờ tại nhà riêng. Thanh tra Sở sẽ thanh tra làm rõ nội dung đơn thưa, đồng thời, báo cáo vụ việc cho lãnh đạo Sở.

Pháp lệnh hành nghề Y, Dược tư nhân có hiệu lực từ ngày 1-6-2003 nghiêm cấm bác sĩ hoạt động tại phòng mạch tư không được vừa khám bệnh vừa bán thuốc. Bác sĩ Đinh Tiến Dũng đã vi phạm pháp lệnh, dù trong quá trình điều trị cho bệnh nhi có sai sót hay không (phải chờ kết luận của cơ quan chức năng) cũng đã gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín chung của ngành y tế.

Ngọc Phúc

Chia sẻ bài viết