06/12/2014 - 15:44

Bạc Liêu phát triển đô thị, du lịch

Bạc Liêu so với các tỉnh, thành khác trong vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn đặc biệt là hạ tầng giao thông, xa các trung tâm kinh tế của quốc gia cũng như của vùng. Tuy vậy, trong 21 sản phẩm du lịch quốc gia thì Bạc Liêu có 6 sản phẩm du lịch. Do vậy, năm 2011, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã ban hành Nghị quyết số 02 về "đẩy mạnh phát triển du lịch" với mục tiêu đưa du lịch - dịch vụ trở thành kinh tế mũi nhọn - khâu đột phá phát triển kinh tế của địa phương.

Ấn tượng những sản phẩm du lịch

Ngành du lịch Bạc Liêu còn rất mới mẻ nhưng vị thế của người "em út dễ thương" này sau nhiều năm cố gắng cho ngành "công nghiệp không khói" đã phát huy được lợi thế của riêng mình. Thành công lớn nhất của du lịch Bạc Liêu là doanh thu tăng hằng năm theo cấp số nhân. Năm 2014, danh thu ước đạt gần 1.000 tỉ đồng, tăng 22% so với năm 2013. Điểm nổi bật là nếu như các năm trước, khách du lịch đến Bạc Liêu tham quan rồi đi nơi khác… nghỉ, thì hiện tại khách du lịch đến Bạc Liêu sử dụng dịch vụ lưu trú tăng 30%. Ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bạc Liêu, cho biết: Trong 4 tháng gần đây, công suất phòng của các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn Bạc Liêu, số lượt khách nghỉ đạt hơn 80%. Điều này là minh chứng đầy thuyết phục cho sự phát triển của du lịch Bạc Liêu trên đường tiến đến mục tiêu du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Bây giờ, đến với Bạc Liêu, du khách có nhiều lựa chọn về địa điểm tham quan, du lịch cũng như nghỉ dưỡng như: Vườn chim Bạc Liêu, Tháp cổ Vĩnh Hưng, nhà công tử Bạc Liêu, vườn nhãn cổ, Di tích đồng Nọc Nạng, Phước Đức cổ miếu và nhiều đình, chùa, đền thờ Bác Hồ được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia. Để có được thành công trên, tỉnh đầu tư xây dựng nhiều dự án trọng điểm như: Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi), thiết kế nhiều hạng mục tái hiện được những thước phim lịch sử về vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh và sự mưu trí, dũng cảm bằng tấm lòng tôn kính của người dân Bạc Liêu đối với Bác Hồ; trùng tu, nâng cấp cụm nhà Công tử Bạc Liêu với những giai thoại độc đáo về sự ăn chơi nổi tiếng khắp Nam kỳ, lục tỉnh vào giữa thế kỷ 20; khu du lịch sinh thái Hồ Nam; Quảng trường Hùng Vương; Quán âm phật đài; nhà thờ Tắc Sậy… Những địa danh vừa kể có thể xem như là những thương hiệu, mời gọi và giữ chân du khách đến Bạc Liêu. Đặc biệt, vườn chim giữa lòng thành phố là nét ấn tượng đối với khách du lịch. Quảng trường Hùng Vương có kiến trúc đẹp, không gian rộng thoáng mang nhiều ý nghĩa chính trị, văn hóa, giải trí. Tại đây, du khách còn chiêm ngưỡng hai kỷ lục quốc gia đó là: Nhà hát Cao Văn Lầu (mô hình ba nón lá), cây đàn kìm cách điệu lớn nhất Việt Nam. Trong quần thể cụm kiến trúc độc đáo này có đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968...

Nhà ba nón lá. Ảnh: Quốc Khánh.

Bạc Liêu - với lợi thế là chiếc nôi của đờn ca tài tử, được UNESCO vinh danh càng tạo nên sức hấp dẫn, độc đáo cho thu hút khách du lịch đến với Bạc Liêu. Chính vì thế mà Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã kết nạp Bạc Liêu vào nhóm các tỉnh có sản phẩm du lịch vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL trong chuỗi bốn địa phương Cần Thơ (du lịch miệt vườn sông nước, du lịch MICE), An Giang (du lịch tâm linh), Kiên Giang (du lịch sinh thái biển, đảo) và Cà Mau (du lịch sinh thái rừng ngập nước) và nay, Bạc Liêu là điểm đến thứ năm - "điểm đến văn hóa". Yếu tố này tạo điều kiện cho du lịch Bạc Liêu có những bước tiến khá nhanh. Hiện tại, 13 tỉnh, thành ĐBSCL có 21 sản phẩm du lịch tiêu biểu của vùng, thì trong đó Bạc Liêu đã có 6 sản phẩm, chiếm 35% và cũng là tỉnh có sản phẩm du lịch tiêu biểu nhất của vùng.

Đầu tư hạ tầng phát triển bền vững

Để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển tốt du lịch cũng như các ngành khác, những năm gần đây, Bạc Liêu đã tập trung mọi nguồn lực, kết hợp với tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ Trung ương để đầu tư xây dựng hạ tầng tập trung cho lĩnh vực giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, hạ tầng điện, nước, đô thị, khu công nghiệp… nhằm đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư. Đồng thời, tỉnh cũng đa dạng hóa các nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: Dự án điện gió đầu tư giai đoạn 2, dự án Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu Vĩnh Lộc; các dự án đô thị mới, khu dân cư, du lịch, văn hóa, chuẩn bị khởi công dự án đầu tư cầu Xẻo Vẹt bắc qua Hậu Giang theo hình thức BOT…

Theo nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2010-2015, tổng mức đầu tư cho các hạng mục công trình để hoàn thành nâng cấp huyện Giá Rai lên thị xã vào năm 2015 là 1.813 tỉ đồng, trong đó 1.336 tỉ đồng được dùng để đầu tư cho dự án cầu Giá Rai và đường Giá Rai-Gành Hào. Số tiền còn lại được đầu tư vào các công trình trọng điểm cơ bản của huyện như Bệnh viện đa khoa và Trung tâm Y tế dự phòng Giá Rai, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, Trung tâm dạy nghề, tuyến đường tránh quốc lộ 1A và các trường trung học phổ thông trong địa bàn huyện. Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu cũng đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với huyện Giá Rai để triển khai thực hiện hoàn thành các tiêu chí đối với đô thị loại 4, nhất là các tiêu chí chưa đạt. Đặc biệt, tỉnh chú trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển hệ thống điện lưới quốc gia, nâng cấp chợ thị trấn và xây dựng mới hệ thống chợ nông thôn, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu dân cư đã triển khai, nâng cấp, chỉnh trang hệ thống cấp thoát nước, giao thông, các công trình đô thị, thực hiện tốt công tác xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến nay, đã có một số công trình đã hoàn thành đi vào sử dụng. Các công trình, dự án còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện và thi công. Hiện tại, đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị loại 4 đối với hai thị trấn Hộ Phòng và Giá Rai…

Ông Phạm Phước Như, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, nhận xét: "Bạc Liêu đã có bước phát triển trong lĩnh vực phát triển đô thị, du lịch rất tốt, cách làm rất hay của Bạc Liêu là đã đưa Nghị quyết phát triển du lịch vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tôi rất ấn tượng với Bạc Liêu là đường phố rất sạch đẹp, thiện cảm với người dân phóng khoáng, hiếu khách, tiểu thương không chèo kéo khách…". Bạc Liêu còn phát động phong trào "Người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch". Đây là bước đi đúng hướng vì du lịch là một lĩnh vực kinh tế tổng hợp, do đó tính cộng đồng là rất cần thiết. Vì vậy, ngoài công tác tuyên truyền, các phường, xã, thị trấn phải thường xuyên vận động, xây dựng con người Bạc Liêu "Hiếu khách, văn minh, lịch thiệp" nhằm tạo ấn tượng đẹp về cốt cách, tâm hồn của "Tình người, tình đất phương Nam". Tuy đạt được thành công bước đầu, nhưng phải nhìn nhận một thực tế là du lịch Bạc Liêu vẫn phải có thời gian để "hoàn thiện" hơn thì ngành "công nghiệp không khói" này mới đạt được mục tiêu kinh tế mũi nhọn của tỉnh một cách bền vững.

Thực tế hiện nay, du khách đã đến Bạc Liêu ngày càng đông hơn, nhưng làm sao để giữ chân họ ở lại và sử dụng dịch vụ của Bạc Liêu mới là mục tiêu lâu dài và căn cơ nhất. Rất nhiều du khách khi đến Bạc Liêu đã cảm nhận sự tươi trẻ của du lịch Bạc Liêu như một làn gió mời gọi du khách đang thích khám phá, thư giãn. Nhưng với sự đơn điệu, chưa chuyên nghiệp trong khâu tổ chức sự kiện, lễ hội hay giải pháp giữ chân du khách như hiện nay thì du lịch Bạc Liêu cần có thêm nhiều cách làm hay để "níu chân" khách du lịch trong và ngoài nước lưu trú. Vấn đề là làm sao để du khách tự nguyện tiêu xài một cách hào phóng đó mới là "chìa khóa" của sự thành công.

Việt Sử - Quốc Khánh

Chia sẻ bài viết