19/05/2011 - 09:42

Kỷ niệm 121 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

"Bác Hồ trong trái tim tôi"

Ký: Hoài Thu

 

“Trong cuộc đời làm cách mạng, bao lần đứng trước hiểm nguy, thử thách, khi cái chết cận kề, cứ nghĩ đến tấm gương sáng ngời của Bác Hồ kính yêu và những lời dạy của Bác, tôi thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua mọi thử thách, vững bước theo cách mạng...” - Đó là lời tâm sự tận đáy lòng của thầy giáo thương binh Hoàng Sơn (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), một trong rất ít những cựu tù Phú Quốc đã vượt ngục thành công. Hơn 36 năm đất nước thống nhất, người thầy giáo thương binh ấy luôn dành một nơi trang trọng nhất trong nhà để thờ Bác, với tâm nguyện học tập gương Bác suốt đời...

Đã lâu lắm, tôi và chị bạn đồng nghiệp mới có dịp ghé lại thăm thầy Hoàng Sơn - nguyên giảng viên Khoa Mác - Lê-nin, Trường Đại học Cần Thơ. Ở tuổi 65, tóc đã điểm sương, nhưng khi nhắc đến những năm tháng sát cánh cùng đồng đội chiến đấu, giọng thầy vẫn sôi nổi như chuyện mới hôm qua. Nhắc đến Bác Hồ - vị Cha già kính yêu của dân tộc, trong mắt thầy ngời sáng niềm tin, sự kính trọng sâu sắc. Thầy rất tự hào vì mình được sinh ra trên quê hương Nghệ An và vô cùng tiếc nuối khi 2 lần hay tin Bác về thăm quê hương nhưng không gặp được Bác. Thầy kể: “Năm 1957 và năm 1961, nghe tin Bác về thăm quê, cả 2 lần tôi đều đạp xe vượt hơn 30 cây số mong một lần được nhìn thấy Bác, nhưng đến nơi thì Bác đã rời đi nơi khác”.

Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở Nghệ An, 18 tuổi, chàng trai trẻ Hoàng Sơn đã thoát ly gia đình, lên đường nhập ngũ và có mặt ở chiến trường miền Nam khi quân xâm lược Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng tháng 3-1965. Hoàng Sơn đã sát cánh cùng đồng đội trải qua nhiều trận đánh ác liệt, đẩy lui nhiều trận càn của địch. Cuối năm 1965, trong một trận công đồn ở Quảng Ngãi, nhiều chiến sĩ của ta hy sinh, 11 đồng chí bị thương và bị địch bắt. Riêng Hoàng Sơn bị thương rất nặng với 33 mảnh đạn trên người và rơi vào tay giặc. Những ngày nằm điều trị vết thương tại bệnh viện dã chiến Quảng Ngãi, rồi chuyển về bệnh viện Duy Tân – Đà Nẵng, dù thương tích hành hạ, Hoàng Sơn đã chuẩn bị cho mình tinh thần sẵn sàng đối đầu trong một cuộc chiến đấu mới với kẻ thù. Sau gần một tháng trị thương, bọn ác ôn đã giam Hoàng Sơn tại phòng giam Đà Nẵng, rồi chuyển về Phòng Nhì Sài Gòn. Tại đây, chúng liên tục tra khảo với đủ mọi cực hình, rồi chuyển sang dụ dỗ. Nhiều lần Hoàng Sơn bị chúng tra điện đến ngất đi, rồi dội nước vào người cho tỉnh lại và tiếp tục tra khảo. Sau nhiều tháng dùng mọi thủ đoạn nhưng không khai thác được gì, tháng 7-1967, bọn địch đưa Hoàng Sơn ra nhà tù Phú Quốc.

Theo dòng ký ức, giọng thầy Hoàng Sơn nghèn nghẹn vì xúc động. Đôi tay thầy dừng lại thật lâu trên tấm hình mình và các cựu tù Phú Quốc chụp kỷ niệm trong cuộc họp mặt cách đây gần 20 năm, rồi khẽ khàng kể tiếp: “Cũng như nhà tù Côn Đảo, nhà tù Phú Quốc là một “địa ngục trần gian”, từng giam giữ trên 30.000 chiến sĩ yêu nước và dân thường bị chúng bắt trong các cuộc chiến đấu hoặc càn quét. Chúng tra tấn tù binh bằng những hình thức khủng khiếp nhất như: đánh bằng chày vồ, roi cá đuối, bẻ răng, bỏ người vào chảo nước sôi...”. Khẽ xoa những vết sẹo do những trận đòn thù bằng roi cá đuối hơn 40 năm trước vẫn hằn sâu trên cơ thể, thầy Hoàng Sơn không khỏi rùng mình khi nhắc lại tội ác của quân thù: “Tôi không thể nào quên trận đòn năm 1969, cả phòng giam, các chiến sĩ cách mạng đều bị đánh. Mỗi người bị 100 roi cá đuối. Theo từng nhịp roi vùn vụt, máu anh em tuôn rơi, có người ngất lịm. Đêm ấy, nhiều anh em chịu không nổi đòn roi, nằm thiêm thiếp, nhưng vẫn gọi tên Bác Hồ. Như khơi đúng niềm cảm xúc, nhiều anh em kể cho nhau những mẩu chuyện về tấm lòng của Bác với bộ đội, đọc cho nhau nghe những bài thơ trong tập thơ “Nhật ký trong tù”. Khi nghe một đồng chí đọc bài “Nghe tiếng giã gạo” của Bác:

“Gạo đem vào giã bao đau đớn,
Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông;
Sống ở trên đời người cũng vậy,
Gian nan rèn luyện mới thành công”.

thì chúng tôi ai cũng lặng đi vì xúc động và cùng siết chặt tay nhau, thề giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho lý tưởng mà Đảng và Bác Hồ đã vạch ra...”.

 Chiếc thùng phuy mà thầy Sơn ẩn nấp và vượt ngục, được trưng bày tại khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc. Ảnh: KIM XUÂN

Trong thời gian bị giam cầm ở nhà tù Phú Quốc, phải qua nhiều khu giam, từ khu A1, rồi đến khu biệt giam B2, khu B5, rồi chuyển sang khu A4, dù bị tra tấn dã man, nhưng thầy Hoàng Sơn và các chiến sĩ cách mạng vẫn kiên cường đấu tranh chống chào sĩ quan ngụy, chống làm những việc tạp dịch mang tính chất quân sự như: đập đá, đào đắp công sự, làm hàng rào kẽm gai... Trong các phòng giam, các chiến sĩ bí mật tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng, ngày sinh nhật Bác; thường xuyên đọc, kể cho nhau nghe những lời dạy của Bác, những mẩu chuyện khi Người bị giam cầm, phải chịu nhiều gian khổ nhưng vẫn giữ vững khí tiết... để cùng nhau rèn luyện ý chí quật cường, một bản lĩnh vững vàng, kiên quyết đấu tranh với kẻ thù.

Càng bị tra tấn, các chiến sĩ cách mạng càng khát khao tự do, khát khao được trở về đơn vị cầm súng chiến đấu. Nhiều người đã tổ chức vượt ngục bằng cách đào đường hầm, cải trang, vượt rào, đánh quân cảnh... Tại phòng giam của thầy Hoàng Sơn, 6 đồng chí đều nhen nhóm ý định vượt ngục. Sau nhiều lần nghiên cứu, thấy trong nhà bếp có 4 thùng phuy đã cắt đôi, dùng để đựng rác, thầy Hoàng Sơn bàn với anh em có thể vượt ngục bằng cách trốn vào thùng phuy và ngụy trang thật kỹ. Phương án vượt ngục được bàn bạc kỹ càng, các chiến sĩ phân công nhau thực hiện nhiệm vụ, kể cả phân công người chịu trách nhiệm nếu chẳng may sự việc bị lộ, nhằm tránh cho tất cả anh em cùng phòng đều bị địch tra tấn. 12 giờ trưa 19-12-1970, 6 anh em xuống nhà bếp. Thầy Hoàng Sơn và một đồng chí khác nằm khoanh tròn vào hai thùng phuy. Bên trên, các chiến sĩ ngụy trang bằng rau, ruột cá thối và lớp trên cùng là tro bếp, trong đó có cả những hòn than còn cháy đỏ... chờ đến giờ được mang đi. Suốt 4 giờ nằm chờ trong thùng phuy ngột ngạt, nước bẩn từ ruột cá thối chảy xuống người tanh tưởi, thêm vào đó những thỏi than cháy dở cứ ngấm dần xuống đáy thùng làm tóc thầy bị cháy xém. Khoảng hơn 4 giờ rưỡi chiều, anh em khiêng thùng phuy ra ngoài, có quân cảnh canh gác đi cùng. Do được ngụy trang kỹ, nên quân cảnh không phát hiện được. Nhưng chỉ sau 30 phút, quân cảnh vào trại kiểm tra số lượng tù binh tại các phòng giam, biết có 2 người tù vượt ngục, nên tổ chức vây ráp, xua quân lính truy tìm. Suốt đêm đó, có lúc thầy Hoàng Sơn phải ngâm mình dưới bưng Ba Gà ngập ngụa sình lầy, nhiều rắn rết, vắt, lúc thì phải bò trườn trên dây leo. Sau 17 ngày đêm lẩn trốn, 3 lần gặp địch phục kích, thầy đã băng rừng, lội bưng, ăn trái cây rừng cầm hơi... lần về tới được căn cứ cách mạng ở Dương Tơ. Với tinh thần cách mạng, thầy tiếp tục cầm súng chiến đấu ở phân đội 1 Đặc công Phú Quốc. Năm 1972, thầy vinh dự được kết nạp vào Đảng. Đầu năm 1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết, tù binh Phú Quốc được trao trả. Đây cũng là thời điểm thầy Sơn được phân công về đơn vị E101 chiến đấu ở vùng Bảy Núi - An Giang.

Đất nước giải phóng, năm 1976, thầy Sơn chuyển ngành về Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT). Sức khỏe yếu, nhưng nhớ tấm gương học tập suốt đời của Bác, thầy tiếp tục theo học chuyên ngành lịch sử Đảng tại Trường Nguyễn Ái Quốc 9 – TP Hồ Chí Minh. Năm 1981, trở về công tác tại Khoa Mác - Lê nin, Trường ĐHCT. Dù khi ấy đời sống hết sức khó khăn, đồng lương ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống, một số giáo viên đã bỏ nghề đi làm kinh tế, nhưng người thương binh hạng ¾, với 7 mảnh đạn còn mang trong người vẫn quyết bám trường, bám lớp bằng cả sự say mê và tâm huyết. Những lúc trở trời, vết thương nhức buốt hay nhiều hôm đến lớp với cái bụng trống rỗng, nhưng giọng thầy vẫn ấm áp trong từng bài giảng. Sự tận tụy, tâm huyết của thầy đã góp phần truyền ngọn lửa nhiệt tình cách mạng đến bao thế hệ sinh viên... Do sức khỏe yếu, thầy xin nghỉ hưu vào năm 1993. Thầy dành bao tâm huyết dạy dỗ 2 con gái nên người. Con gái lớn đã ra trường đi làm và con gái út cũng sắp tốt nghiệp đại học.

Rời căn nhà đơn sơ của người thầy giáo thương binh đầy nghị lực, bên tai tôi như còn nghe lời tâm sự tận đáy lòng của thầy:“Cứ mỗi lần nghĩ đến Bác là tôi lại có niềm tin, động lực để phấn đấu, vươn lên trong những lúc khó khăn nhất. Tôi thấy Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng ta phát động trong những năm qua có ý nghĩa vô cùng to lớn, cần được tiếp tục đẩy mạnh... Dù tuổi cao sức yếu, tôi nguyện sẽ mãi thực hiện lời dạy của Người, góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp...”.

Chia sẻ bài viết