15/05/2010 - 20:47

Bác Hồ giữa lòng dân Đất Mũi

Trong những ngày tháng Năm lịch sử này, chúng tôi về thăm hai xã Trí Phải và Trí Lực (được chia tách từ xã Trí Phải cũ), huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Vùng đất này chính là nơi phát tích câu chuyện “Cây vú sữa miền Nam” - một biểu tượng tình cảm nhân dân miền Nam với Bác Hồ. Từ năm 1972 tại địa phương, bà con đã xây dựng Phủ thờ Bác Hồ và từ đó đến nay Phủ thờ vẫn uy nghiêm, nghi ngút khói hương như tâm nguyện: “Lòng dân miền Nam luôn có Bác...”.

“Cây vú sữa miền Nam”

Cây vú sữa được trồng bên phủ thờ Bác Hồ xã Trí Lực do Bảo tàng Hồ Chí Minh chiết lại từ “Cây vú sữa miền Nam” gửi tặng. 

Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, vùng đất Trí Phải (cũ) luôn nêu cao tinh thần bám trụ, chiến đấu kiên cường. Trong giai đoạn năm 1955 – 1956, nhân dân xã Trí Phải đã đùm bọc, che chở các đồng chí Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Thọ cùng một số cán bộ của Xứ ủy Nam kỳ, Liên Tỉnh ủy miền Tây hoạt động cách mạng. Xã Trí Phải (cũ) cũng là nơi đóng quân của Tiểu đoàn T70 – Quân khu IX, năm 1963 đã bẻ gãy trận càn của Tiểu đoàn huấn luyện biệt kích do sáu tên Mỹ chỉ huy. Từ những năm tháng chiến tranh ác liệt, dù gian khổ mất mát nhưng người dân xã Trí Phải luôn giữ vẹn một tấm lòng hướng về Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Một trong những biểu hiện tốt đẹp cho tình cảm “Miền Nam với Bác Hồ và Bác Hồ với miền Nam” là hình ảnh “Cây vú sữa miền Nam” được trồng phía sau nhà sàn của Bác. Những tấm ảnh Bác Hồ chăm sóc, vun đất cho cây vú sữa đã làm xúc động nhiều người. Sau nhiều lần thẩm tra về nguồn gốc cây vú sữa, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Cà Mau đã kết luận: “Cây vú sữa miền Nam” do má Lê Thị Sảnh (thường gọi là bà Tư Tố – theo tên chồng) ở ấp Mười, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, thay mặt đồng bào miền Nam gởi đoàn cán bộ tập kết ra Bắc dâng tặng Bác Hồ”.

Sau khi ký hiệp định Genève, Cà Mau được chọn là nơi quản lý và xây dựng khu tập kết 200 ngày để cán bộ miền Nam ra Bắc. Tháng 12-1954, một lễ tiễn quân được tổ chức ở Ranh Hạt (vùng giáp ranh giữa xã Trí Phải với xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang). Má Lê Thị Sảnh đã tìm đến điểm tập trung ở Ranh Hạt, hỏi những cán bộ tập kết: “Má muốn gởi các con cây vú sữa nhỏ này ra kính tặng cụ Hồ và đồng bào miền Bắc, các con chuyển được không?”. Các đồng chí cán bộ nhận lời. Khi trao cây vú sữa, má nhắn nhủ: “Ra ngoài đó, các con thưa với cụ Hồ, thưa với cô bác miền Bắc rằng, bà con trong này luôn hướng về cụ Hồ, hướng về miền Bắc”.

Sáng Mồng Hai Tết năm Đinh Mùi (ngày 24-1-1955 dương lịch), đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, đã tặng Bác Hồ cây vú sữa. Bác Hồ vô cùng xúc động và trân trọng vô ngần. Cây vú sữa do chính tay Bác trồng trong khuôn viên Phủ Chủ tịch và khi Bác dời về ở nhà sàn, Bác cũng bứng về trồng phía sau nhà sàn. Người nâng niu chăm sóc cây vú sữa hàng ngày. Món quà của má Lê Thị Sảnh như lời thề nguyện sắt son của đồng bào cực Nam Tổ quốc với Bác rằng đồng bào miền Nam sẽ giữ vẹn lòng thủy chung với Bác, với cách mạng, nỗ lực góp phần vào công cuộc giải phóng, thống nhất đất nước.

***

Theo sự chỉ dẫn của chính quyền địa phương, chúng tôi đến ấp Mười, xã Trí Phải, tìm đến ngôi nhà và phần mộ của vợ chồng má Lê Thị Sảnh – bà con vùng này gọi thân quen là má Tư. Bà Nguyễn Thị Bảy, năm nay đã 81 tuổi, người dâu trưởng của má Tư kể cho chúng tôi nghe chuyện về người mẹ chồng luôn dạy con cháu phải một lòng trung trinh với Đảng, hướng về Bác Hồ, không bao giờ được làm điều gì có hại cho dân cho nước. Bà Bảy xúc động: “Hồi còn sống, má tôi cứ ước được một lần ra thăm lăng Bác, thắp cho Bác cây nhang và coi cây vú sữa lớn cỡ nào... Nhưng do tuổi cao sức yếu má đã ra đi mà chưa tròn ý nguyện...”. Bên cạnh phần mộ tía, má Tư, Bảo tàng tỉnh Cà Mau đã xây dựng bia kỷ niệm “Cây vú sữa miền Nam với Bác Hồ”, khánh thành vào ngày 20-6-2007 với hình ảnh bác Hồ đang tưới cây vú sữa và dòng chữ: “Má Lê Thị Sảnh, người gởi cây vú sữa miền Nam dâng tặng Bác Hồ nhân dịp chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954. Cây vú sữa đã trở thành biểu tượng tình cảm của đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ và của Bác Hồ đối với đồng bào miền Nam”.

Phủ thờ Bác Hồ ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. 

Ngày nay, cây vú sữa phía sau nhà sàn Bác Hồ vẫn xanh tươi, xum xuê sau hơn nửa thế kỷ như biểu tượng sinh động và bền vững về tấm lòng người dân miền Nam nói chung và người dân Đất Mũi Cà Mau nói riêng với Bác Hồ. Được biết, năm 1995, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã chiết nhánh “Cây vú sữa miền Nam” gửi tặng lại cho nhân dân xã Trí Phải (cũ). Ông Huỳnh Uy Nghiêm (tự Hai Bạch), lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Cà Mau, tận tay đem cây vú sữa “con” đến trồng tại Phủ thờ Bác Hồ, nhớ lại: “Ngày 19-5-1995, chúng tôi đem cây vú sữa về Trí Phải. Bà con tập trung đến rất đông đúc, ghe xuồng, xe cộ tấp nập. Ai ai cũng vui mừng và rất đỗi tự hào”. Hiện cây vú sữa này được trồng bên trái Phủ thờ Bác ở xã Trí Lực ngày càng cao hơn như lưu giữ một cái tình, cái nghĩa với Cha hiền.

Trọn tấm lòng với Bác...

Qua cây cầu treo bắc ngang kinh Chắc Băng, chúng tôi tới ngã tư Kinh Bảy. Ngày nay con đường dẫn về Phủ thờ Bác Hồ đã được đổ bê-tông thẳng tắp, bà con hai bên đường làm hàng rào bằng cây xanh chỉn chu, đẹp mắt.

Phủ thờ Bác Hồ nằm ở phía Bắc huyện Thới Bình, cách trung tâm huyện khoảng 12 km, hiện thuộc ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực (trước đây là ấp Sáu, xã Trí Phải), ngay ngã tư kinh Bảy và kinh Ba Mươi. Mặt tiền Phủ thờ nhìn ra kinh Ba Mươi.

Ông Huỳnh Tấn Lịnh (tự là Tư Hăng), một cán bộ lão thành ở xã Trí Phải, bồi hồi nhớ lại: “Khi nghe tin Bác Hồ mất, bà con Trí Phải ai cũng thất thần, không cầm đặng nước mắt. Gặp ai mắt cũng đỏ hoe, cúi đầu ngậm ngùi báo cho nhau: “Bác mất rồi!”, “Bác Hồ không còn nữa!”. Cả xã mấy ngày liền vắng bặt tiếng nói, không gian chìm trong đau thương”. Từng hộ gia đình trong xã, không ai bảo ai tìm bắt con cá, hái cọng rau trong vườn nhà nấu mâm cơm cúng Bác. Những ai may mắn có di ảnh Bác thì quý vô cùng. Người không có ảnh cũng chọn nơi trang trọng nhất trong nhà làm bàn thờ, ly hương để thờ phượng và tưởng nhớ Bác. Những năm sau đó, đến ngày kỷ niệm Bác Hồ mất, mỗi gia đình đều làm giỗ cho Người. Những câu chuyện Bác Hồ mong được vào thăm đồng bào miền Nam, Bác Hồ nâng niu, chăm sóc “Cây vú sữa miền Nam” đã trở thành những câu chuyện bà con kể cho nhau nghe những lúc nhớ Bác.

Ông Huỳnh Minh Tâm (tự Sáu Tâm), người canh giữ Phủ thờ kể cho chúng tôi nghe quá trình xây dựng Phủ thờ. Giữa năm 1972, đồng chí Huỳnh Đảm, hiện là Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, khi ấy là Bí thư Huyện đoàn Thới Bình, đã đề đạt việc xây dựng Phủ thờ Bác Hồ tại xã Trí Phải (cũ) và được Huyện ủy chấp thuận. Nghe tin này, bà con xã Trí Phải lúc bấy giờ mừng khôn xiết vì từ đây bà con đã có nơi thờ tự Bác đàng hoàng hơn. Huyện ủy thống nhất chọn tại ngã tư kinh Bảy và kinh Ba Mươi (bấy giờ là ấp Sáu - xã Trí Phải) để xây dựng - đây là vùng đã giải phóng. Tại Trí Phải lúc bấy giờ, địch chỉ còn co cụm ở 3 chốt: kinh Chín Tân Bằng, kinh Tám ngàn và Huyện Sử. Lực lượng rất yếu nên chúng không dám tấn bộ vào vùng rừng này mà thỉnh thoảng cho máy bay ném bom, bắn phá. Khó khăn nhất khi xây dựng vì đây là một cái lung rộng, lau sậy um tùm và những hố bom sâu nên phải đi lấy đất từ dưới kinh Bảy, kinh Ba Mươi lên lấp. Ông Sáu Tâm kể lại: “Mỗi ngày có trên 200 nhân công gồm đủ thành phần trong ấp mà chủ lực là thanh niên, đi lấy đất, để lấp mặt bằng. Không khí náo nhiệt và một quyết tâm cao”. Đất không đủ, bà con bơi xuồng đi xuống kinh Tám, kinh Chín, kinh Mười lấy đất của những gò cao trong những tán rừng mà giặc bỏ bom cháy rụi. Không chỉ nhân dân xã Trí Phải lúc bấy giờ mà ở các xã lân cận cán bộ và bà con xa cũng tìm đến phụ giúp. Không khí thi đua lao động vì “Phủ thờ Bác Hồ” lan rộng. Các má nấu cơm, gói bánh; người lớn tuổi sửa chữa dụng cụ, đốn bình bát, tràm làm cán len, cán cuốc... Đến tháng 8-1973 Phủ thờ mới hoàn thành phần nền và bắt đầu thi công theo bản vẽ của ông Nguyễn Ngọc Báu (tức Mười Khen). Phủ thờ chính có diện tích 9x12m, được làm bằng gỗ tràm, mắm, đước, mái lợp tôn thiếc, nhà khách năm gian cũng làm bằng cây, lợp lá. Tất cả vật tư đều do nhân dân trong vùng đóng góp. Phủ thờ được khánh thành và bắt đầu thờ Bác vào ngày 20-4-1975 (âm lịch). Đến năm 1985, Phủ thờ được xây dựng mới bằng tường, kèo, đòn tay bằng gỗ dầu, mái ngói Đồng Nai, nền lát gạch tàu và giữ nguyên hiện trạng cho đến ngày nay. Hiện nay, Phủ thờ Bác Hồ có kiến trúc đơn giản nhà hai mái mang những nét đặc thù của kiến trúc Nam Bộ nhưng vẫn toát lên vẻ trang nghiêm.

Vào phủ thờ viếng Bác. 

Đầu năm 2010, UBND tỉnh Cà Mau đã đưa vào sử dụng công trình mở rộng khuôn viên Phủ thờ Bác với hơn 4.000 m2, gồm các hạng mục như: tái tạo hố bom xưa, nhà truyền thống, nhà lục giác nghỉ chân, sân tập đa năng, cầu tàu, bờ kè, cây xanh, hệ thống cấp nước, hệ thống chiếu sáng, cầu tàu, hồ cảnh... với tổng mức đầu tư hơn 4 tỉ đồng.

Từ lâu, Phủ thờ Bác Hồ luôn là niềm tự hào của người dân ở hai xã Trí Lực và Trí Phải. Đó không chỉ đơn thuần là nơi thờ phượng vị lãnh tụ mà còn là biểu tượng cho đời sống văn hóa, lịch sử, tinh thần và tâm linh của bà con địa phương. Cứ đến các ngày lễ lớn, đặc biệt là ngày sinh và ngày mất của Bác Hồ, bà con trong xã và cả huyện Thới Bình tề tựu về Phủ thờ thắp nhang cho Bác. Các cán bộ lão thành cách mạng và các trường học thường tổ chức những buổi nói chuyện cho con cháu nghe về công ơn của Bác, về sự hy sinh cao cả, đạo đức cách mạng sáng ngời của Bác, giáo dục cho con cháu truyền thống quê hương. Mỗi gia đình ở Trí Lực đều có bàn thờ Bác rất trang nghiêm. Từ năm 1979, ấp Sáu xã Trí Phải, nơi Phủ thờ tọa lạc, được vinh dự mang tên ấp Phủ Thờ, khẳng định tấm lòng của bà con với Bác.

Cuối năm 2005, xã Trí Phải được chia tách thành hai xã Trí Phải và Trí Lực, Phủ thờ Bác Hồ nằm trên địa phận xã Trí Lực. Phát huy truyền thống xã anh hùng, xã Trí Lực nỗ lực phấn đấu, xây dựng và phát triển mọi mặt về kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng... Người dân Trí Lực nói rằng: “Sống dưới bầu trời tự do, độc lập, chúng tôi được áo ấm cơm no là nhờ Đảng, nhờ Bác Hồ”.

***

Trí Lực đã hoàn toàn thay đổi: lung bàu, lau sậy ngày nào nay là những vuông tôm bạt ngàn, những rẫy mía xanh tốt. Những ngôi nhà lá xập xệ giờ được thay bằng nhà tường kiên cố... như Bác Hồ kính yêu từng mong muốn: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân xã Trí Lực và Trí Phải đang tất bật sửa sang nhà cửa, chỉnh trang bàn thờ Bác, làm vệ sinh nông thôn... Mỗi người mỗi việc nhưng ai cũng háo hức chào mừng sinh nhật của Cha hiền!

Bài, ảnh: ĐẶNG DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết