23/10/2017 - 21:08

ASEAN tìm cách đối phó IS 

Hôm qua 23-10, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ADMM) lần thứ 11 kéo dài trong hai ngày đã khai mạc tại đặc khu kinh tế Clark của Philippines. Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN dự kiến thảo luận các vấn đề an ninh khu vực như chống khủng bố, buôn ma túy, tranh chấp hàng hải và các mối đe dọa mới từ tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Đại diện các nước tham dự ADMM lần thứ 11 chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: News.CN

Đoàn Đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu tham dự hội nghị. Ngay sau khi kết thúc ADMM lần thứ 11, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 4 giữa ASEAN và 8 đối tác đối thoại khác là Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh nhiều chiến binh IS có thể trở về châu Á để tái họp và chiêu mộ tân binh sau khi bị thất bại nặng nề ở Trung Đông.

Phát biểu với báo giới bên lề hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana chính thức thông báo chiến dịch kéo dài 5 tháng qua chống phiến quân ủng hộ IS tại thành phố Marawi thuộc miền Nam nước này đã kết thúc.

Quân đội Philippines cho biết trong các cuộc giao tranh với phiến quân Hồi giáo ở Marawi từ cuối tháng 5 vừa qua, các lực lượng an ninh đã tiêu diệt 919 tay súng, trong khi tổn thất của quân chính phủ là 165 người gồm cả binh sĩ và cảnh sát. Ngoài ra, hơn 1.700 binh sĩ và cảnh sát đã bị thương. Khoảng 400.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Tuy nhiên, các chuyên gia chống khủng bố cảnh báo rằng các thủ đô ở châu Á đang phải đối mặt với một mối đe dọa nguy hiểm hơn từ IS khi lực lượng này có khả năng chuyển sang hình thức tấn công du kích sau khi bị đánh tan tác ở Trung Đông và Marawi. Hiện các tay súng IS được cho đang tái hợp tại các khu vực vùng sâu vùng xa ở Syria và Iraq. Trong khi đó, nhiều tay súng IS đến từ châu Á có thể sẽ quay trở lại quê nhà để chiêu mộ tân binh, gieo rắc bạo lực và kích động các cuộc tấn công theo kiểu sói đơn độc. 

Cần hàng trăm tỉ USD để tái thiết Iraq và Syria

Chiến dịch chống IS đã “ngốn” mất 3 năm. Đến nay, lực lượng này đã “hứng” gần 25.000 cuộc không kích từ liên quân quốc tế chống IS cũng như hàng ngàn cuộc không kích khác từ lực lượng Nga, Iraq và Syria. Trong khi đó, hàng chục thành phố của Syria và Iraq đã bị tàn phá, gồm Raqqa, Aleppo, Mosul, Fallujah và Ramadi.

Ước tính, chi phí tái thiết hậu IS sẽ vào khoảng hàng trăm tỉ USD, vượt xa “tầm với” của Syria lẫn Iraq, trong khi chi phí dành cho công tác hỗ trợ nhân đạo thậm chí còn nhiều hơn. Liên Hiệp Quốc ước tính, hoạt động của IS tại Iraq đã khiến hơn 3 triệu người mất nhà cửa, gần 600.000 trẻ em Iraq phải tạm ngừng học. Còn tại Syria, 6,5 triệu người, trong đó có 2,8 triệu trẻ em, phải di dời chỗ ở vì IS, trong khi khoảng 5 triệu dân Syria phải rời khỏi đất nước để tị nạn.

TRÍ VĂN (Theo Straits Times, CNN, TTXVN)

Chia sẻ bài viết