01/12/2018 - 17:39

ASEAN chặng đường sau 50 năm 

Tọa đàm về “ASEAN chặng đường sau 50 năm và Việt Nam” do Bộ Ngoại giao tổ chức vừa diễn ra chiều 30-11 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam nêu rõ: Năm 2018 là năm đầu tiên ASEAN bước vào chặng đường mới sau 50 năm hình thành và phát triển. Nửa thế kỷ qua, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu không thể phủ nhận. Khó có một thực thể nào cho đến nay có thể đem lại cho các nước Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương - khu vực vốn trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, chia rẽ và xung đột - những lợi ích to lớn của một môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, một không gian hợp tác rộng mở, quy tụ được hầu hết các cường quốc trong và ngoài khu vực như ASEAN.


Các diễn giả tham dự tọa đàm với nội dung “Chặng đường tiếp theo của ASEAN sau 50 năm tồn tại: Các cơ hội và thách thức đặt ra”. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Tuy nhiên, môi trường quốc tế và khu vực xung quanh ASEAN đang biến chuyển rất nhanh chóng và khó đoán định. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá, chặng đường 50 năm tiếp theo của ASEAN chắc chắn không bằng phẳng. Cộng đồng ASEAN non trẻ, mới hình thành được 3 năm; sự gắn kết nội khối của ASEAN và các mẫu số lợi ích chung liệu có đủ mạnh để ASEAN giữ vững năng lực tự cường trước các tác động sâu sắc của cạnh tranh chiến lược và những nhiễu động chính trị và từ kinh tế bên ngoài hay không? ASEAN đã và sẽ làm được gì để đem lại lợi ích thiết thực nhất cho gần 630 triệu người dân của khu vực?

Thứ trưởng đề nghị, các đại biểu tham dự trao đổi, thảo luận các nội dung về cơ hội và thách thức chính đặt ra cho ASEAN cho chặng đường tiếp theo sau 50 năm tồn tại, tập trung vào giai đoạn từ nay đến năm 2025, bước đầu xác định diện mạo của Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 đồng thời làm rõ cách thức Việt Nam có thể đóng góp hữu hiệu nhất cho sự phát triển của ASEAN, đặc biệt trong năm 2020 khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội.

Bên cạnh tập trung thảo luận về các cơ hội, đóng góp và thách thức của ASEAN trong các biến động mới của tình hình thế giới và khu vực, nhiều ý kiến đồng thuận với quan điểm: Việc khởi động cộng đồng ASEAN cho phép các quốc gia thành viên hội nhập nhanh hơn vào tiến trình phát triển của khu vực, cũng như giúp ASEAN có vai trò lãnh đạo mạnh mẽ hơn vì lợi ích của người dân, song song với việc hiện thực hóa tầm nhìn bao trùm, lấy con người làm trung tâm, tạo nên sự bình đẳng trên diện rộng.

Hiện nay, ASEAN đóng vai trò trung tâm trong những cấu trúc khu vực, chặng đường 50 năm tiếp theo của ASEAN ghi nhận những cơ hội và thách thức đan xen, như việc tìm ra giải pháp nhằm giữ vững vai trò trung tâm, thách thức đến từ các nước lớn, ảnh hưởng của căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc… Để xử lý được những nguy cơ này, ASEAN cần tập trung vào việc xây dựng một quan điểm thống nhất khi đối mặt với những vấn đề của khu vực và thế giới, cũng như gia tăng tính tự cường.

Nhìn từ khía cạnh cục diện đa cực ở khu vực và toàn cầu, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Việt Nam về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương, cho rằng: hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết là xu thế lớn trong bối cảnh sự chuyển dịch địa chính trị gia tăng. Vai trò của các quốc gia vừa và nhỏ cũng như các tổ chức liên kết khu vực cũng được đẩy lên mức cao hơn. Quá trình định hình cấu trúc khu vực đa trung tâm, đa tầng nấc đang tiến triển mạnh mẽ.Trong bối cảnh tình hình đó, ASEAN cần trở thành một trong những cơ chế tiên phong thúc đẩy hợp tác đa phương, quản trị toàn cầu, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam cần tiếp tục đóng góp vào việc khẳng định vai trò của ASEAN, đặc biệt nhấn mạnh tư cách của ASEAN như một động lực chính định hình cấu trúc mới ở châu Á - Thái Bình Dương theo hướng công bằng, minh bạch, dựa trên luật lệ, bao trùm và có khả năng thích ứng; giải quyết hòa bình các tranh chấp, xây dựng lòng tin. Bên cạnh đó, hợp tác kinh tế - phát triển cần gắn bó mật thiết với công nghệ số, trở thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu của ASEAN trong thời gian tới.

Tại tọa đàm, các đại biểu tham dự cũng thảo luận các nội dung xoay quanh chủ đề Việt Nam trong chặng đường sau 50 năm của ASEAN, việc thực hiện thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trong năm bản lề 2020; giải pháp nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực và vị thế quốc tế của ASEAN; ASEAN trong chiến lược đối ngoại đa phương của Việt Nam…

TTXVN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
ASEAN