04/08/2018 - 10:36

Apple chiến thắng trong cuộc đua “nghìn tỉ” 

Khi Steve Jobs thành lập Apple Inc trong gara căn nhà của bố mẹ ở Thung lũng Silicon vào năm 1976, có ai nghĩ rằng hơn 40 năm sau, “táo khuyết” trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trên thế giới đạt giá trị vốn hóa thị trường hơn 1.000 tỉ USD.

 Ảnh: AP

Hôm 2-8, cổ phiếu của Apple chốt phiên giao dịch với mức cao kỷ lục 207,39 USD sau khi “gã khổng lồ” làng công nghệ báo cáo doanh thu hàng quý tốt hơn so với dự kiến. Với 4.829.926.000 cổ phiếu đang lưu hành, Apple hiện đứng đầu danh sách 5 doanh nghiệp có giá trị nhất dựa trên giá cổ phiếu là Amazon, Alphabet (công ty mẹ của Google), Microsoft và Facebook. Theo đánh giá của Bloomberg, giá trị cổ phiếu của Apple đã tăng 50.000% kể từ khi hãng phát hành lần đầu vào năm 1980. Giá trị vốn hóa thị trường của Apple hiện nay bằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia và gấp 2 lần Bỉ.

Theo các nhà phân tích, có thể nói đây là kỳ tích “không tưởng” nếu nhìn lại thời điểm Apple đứng bên bờ vực phá sản trước khi Steve Jobs quay lại vào năm 1997. Một trong những cột mốc quan trọng làm nên thương hiệu Apple là khi “táo khuyết” trình làng chiếc iPod đầu tiên vào năm 2001. Đến năm 2007, lịch sử của Apple cũng như làng công nghệ nói chung bước sang trang mới khi Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên. Tính đến nay, Apple đã bán hơn 1 tỉ chiếc iPhone.

Theo nhà phân tích Dan Ives của công ty nghiên cứu tài chính GBH Insights, dấu mốc đạt được hôm 2-8 nói lên mức độ mạnh mẽ của “hệ sinh thái” Apple mà hãng đã phát triển trong vài chục năm qua. Chuyên gia Carolina Milanesi thuộc công ty nghiên cứu Creative Strategies cho biết, điều cốt lõi trong “cuộc cách mạng” lớn nhất của Apple là đem lại trải nghiệm tiêu dùng đầu tiên và khiến công nghệ trở nên đơn giản. “Đây không phải là kết thúc, rằng họ đã đạt giá trị 1.000 tỉ USD. Thay vào đó, cột mốc này nói lên một giai đoạn mới của tăng trưởng và lợi nhuận” - ông Ives dự đoán.

Đồng thời, dấu son này còn là chiến thắng dành cho Tim Cook - người đối mặt với sự hoài nghi khi đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành Apple vào năm 2011, thay thế Steve Jobs qua đời. Thời điểm đó, giới phân tích và các nhà quan sát ngành công nghiệp đều nghi ngờ liệu Apple có còn dẫn đầu Phát kiến lớn tiếp theo (The Next Big Thing) trong giới công nghệ. Nhưng rõ ràng, vị CEO 57 tuổi đã chinh phục được các nhà đầu tư bằng hàng loạt thành tựu tài chính vững chắc và mở rộng kinh doanh tại thị trường nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.

Theo BBC, trong khi cổ phiếu các hãng công nghệ khác vẫn đang vật lộn trên sàn chứng khoán thì cổ phiếu Apple tiếp tục thăng hoa. Sở dĩ giá cổ phiếu hãng công nghệ Mỹ tăng vọt là nhờ 2 yếu tố. Đó là tuy doanh số bán iPhone quý I-2018 thấp nhưng lợi nhuận thu về từ iPhone X với giá bán cao hơn các phiên bản khác giúp Apple kiếm nhiều tiền hơn so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, “đại gia công nghệ” Mỹ đã và đang đa dạng hóa nguồn doanh thu từ các dịch vụ như bán ứng dụng, lưu trữ đám mây và nhạc trực tuyến ước tính thu về 10 tỉ USD mỗi quý. Chỉ số tăng trưởng này dự kiến tiếp tục kéo dài đến cuối năm khi mẫu iPhone mới sắp sửa được ra mắt.

Tuy Apple đã đánh bại các đối thủ Thung lũng Silicon như Amazon và Microsoft để trở thành công ty đầu tiên đạt giá trị 1.000 tỉ USD, các nhà phân tích cho biết giá trị này có thể không kéo dài bởi sự biến động của thị trường chứng khoán. Năm 2007, tập đoàn dầu khí quốc doanh PetroChina của Trung Quốc từng vượt mức vốn hóa như trên trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng nhưng nhanh chóng sụt giảm và hiện giá trị chỉ còn khoảng 220 tỉ USD. Mặt khác, nhiều người cũng dự báo lợi nhuận của Apple trong những năm tới có thể bị ảnh hưởng trước sự gia tăng của các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc. Nhưng bất kể quan điểm thế nào, người ta cũng phải nhìn nhận rằng các thiết bị của Apple đã thay đổi thế giới – và tạo nên lịch sử tài chính hôm nay. 

Huawei đặt mục tiêu thống lĩnh thị trường điện thoại thông minh vào cuối năm 2019

Ngày 3-8, tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc tuyên bố sẽ thay thế Samsung của Hàn Quốc trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới vào cuối năm 2019. Tuyên bố này được đưa ra vài ngày sau khi công ty nghiên cứu thị trường thiết bị di động IDC công bố báo cáo cho thấy Huawei đã vượt qua Apple để đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng các hãng smartphone lớn nhất thế giới bất chấp những biện pháp ngăn chặn tiếp cận thị trường Mỹ. 
Theo thống kê doanh thu trong quý II-2018 của các hãng sản xuất smartphone hàng đầu thế giới do IDC thực hiện, Huawei đã lần đầu tiên vượt qua đối thủ Apple của Mỹ về thị phần smartphone khi xuất xưởng tới 54,2 triệu chiếc điện thoại thông minh - tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Apple chỉ tung ra 41,3 triệu chiếc. Sự vươn lên mạnh mẽ của Huawei giúp hãng chiếm 15,8% thị trường smartphone toàn cầu, chỉ đứng sau Samsung với 20,9% thị phần (71,5 triệu điện thoại xuất xưởng) và dẫn trước Apple (12,1% thị phần).

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết