14/08/2017 - 20:27

APEC 2017- cơ hội “vàng” cho nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long 

Để triển khai thực hiện ưu tiên số 4 của Năm APEC 2017, Bộ NN&PTNT Việt Nam đăng cai tổ chức Tuần lễ an ninh lương thực và Đối thoại chính sách cấp cao về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuần lễ được tổ chức tại Cần Thơ từ ngày 18 đến 25-8-2017. An ninh lương thực, nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là những vấn đề cấp thiết không chỉ đối với Việt Nam, các nền kinh tế thành viên APEC mà cả đối với toàn thế giới. Để chuẩn bị cho chuỗi sự kiện quan trọng này, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng Ban phối hợp tổ chức Hội nghị Năm APEC 2017 đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ.

 

SẴN SÀNG CHO HỘI NGHỊ APEC

UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 20-6-2017 về việc phối hợp tổ chức Tuần lễ An ninh lương thực và Đối thoại chính sách cấp cao về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu tại TP Cần Thơ trong khuôn khổ Năm APEC 2017. Thành phố ban hành Quyết định số 1599/QĐ-UBND ngày 21-6-2017 về việc thành lập Ban phối hợp tổ chức Tuần lễ. Trưởng Ban phối hợp tổ chức ban hành Quyết định số 78/QĐ-BPH ngày 21-6-2017 về việc thành lập 7 Tiểu ban chuyên môn. Các Tiểu ban chuyên môn đã xây dựng kế hoạch cho các hoạt động phối hợp.

* Xin ông cho biết những chuẩn bị của thành phố cho Hội nghị APEC 2017 tới đây?

 - Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho các hoạt động phối hợp đã cơ bản hoàn tất.

Về công tác đảm bảo an ninh trật tự, Công an thành phố đã xây dựng kế hoạch phân công, nhiệm vụ cho từng lực lượng để đảm bảo công tác an ninh trật tự trước, trong và sau các sự kiện APEC 2017. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe đại biểu dự hội nghị; giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm… được các tiểu ban quán triệt đầy đủ. Về công tác tuyên truyền, chủ động kết nối với Website chính thức của Năm APEC Việt Nam 2017; đăng tải các văn bản, thông tin liên quan trên Cổng Thông tin điện tử thành phố; tạo địa chỉ email APEC 2017 của Cần Thơ để thuận tiện cho các đơn vị, báo, đài truy cập thông tin liên quan về APEC 2017… Chỉ đạo báo, đài địa phương mở chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền chuỗi sự kiện, mở chuyên mục APEC 2017 trên Báo Cần Thơ điện tử: www.baocantho.com.vn. Thành phố đã chuẩn bị 300 bộ tài liệu, ấn phẩm quảng bá du lịch Cần Thơ để phát đến đại biểu tham dự Hội nghị.

Thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng tuyển chọn và tập huấn 120 tình nguyện viên phục vụ Hội nghị. Về công tác triển lãm và tổ chức hội chợ nông sản sạch và an toàn, Trường Đại học Cần Thơ tham gia triển lãm sa bàn kèm videoclip về mô hình sản xuất theo cơ cấu mùa vụ (lúa, lúa cá, lúa tôm); triển lãm trực quan lúa, bể cá, trái cây; Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long triển lãm trực quan lúa và gạo đặc sản. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm triển khai các hoạt động chuẩn bị tổ chức hội chợ nông sản sạch và an toàn diễn ra từ ngày 19-23/8/2017 theo kế hoạch.

* Như vậy, thành phố có kịch bản cụ thể để có thể làm nổi bật, tạo ấn tượng cho đại biểu tham dự Hội nghị APEC?

-Bên cạnh các hoạt động bên lề Hội nghị, TP Cần Thơ còn tổ chức Hội chợ triển lãm nông sản sạch nhằm giới thiệu với các nước về nông sản của Cần Thơ. Đồng thời sắp xếp các điểm tham quan như: khu du lịch sinh thái Vàm Xáng, chợ nổi Cái Răng; đó là nét đặc trưng của vùng ĐBSCL nói chung và của TP Cần Thơ nói riêng. Vì vậy, nhân sự kiện Tuần lễ An ninh lương thực tại Cần Thơ, chúng ta cần quảng bá với các nền kinh tế thành viên của APEC về điểm đặc trưng nổi bật của TP Cần Thơ về du lịch sông nước và sinh thái.

* Cần Thơ được xác định là trung tâm của vùng ĐBSCL. Thành phố sẽ làm gì để thể hiện vai trò trung tâm này, thưa ông?

-TP Cần Thơ đã kết nối với các tỉnh khác trong khu vực để đưa các đại biểu tham dự sự kiện APEC đến tham quan thực tế. Chúng tôi có chương trình tham quan tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang để giới thiệu về mô hình điển hình kết hợp 3 nhà (Nhà Khoa học-Nhà Nông-Doanh nghiệp) trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo bền vững đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hướng dẫn các đại biểu đến tỉnh Đồng Tháp, thăm công ty chế biến và xuất khẩu cá tra, cá ba sa hàng đầu của Việt Nam đang áp dụng quy trình sản xuất khép kín từ nuôi trồng đến chế biến xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế. Tôi tin rằng qua các chuyến thăm thực địa này, các doanh nghiệp địa phương sẽ có cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh của mình đến các đối tác tiềm năng.

CƠ HỘI MỜI GỌI ĐẦU TƯ

Với chủ đề an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu của Tuần lễ APEC Việt Nam 2017 tại Cần Thơ lần này, các địa phương ĐBSCL sẽ có cơ hội tạo ấn tượng đẹp cho các đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên trong khối APEC. Thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những chủ đề được các nền kinh tế thành viên APEC quan tâm. Đây là cơ hội để kêu gọi hỗ trợ cho các chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu tại các địa phương.

* Trong 4 ưu tiên của Năm APEC 2017, ưu tiên Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là sáng kiến của Việt Nam. Thông qua sự kiện này, Cần Thơ mong muốn đóng góp tiếng nói về sự phát triển nông nghiệp cũng như kỳ vọng của địa phương ?

     TP Cần Thơ có thế mạnh về sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu.  Ảnh: A. KHOA

-Nông nghiệp là thế mạnh của vùng ĐBSCL nói chung và của Cần Thơ nói riêng. Tuy nhiên, sự phát triển của nông nghiệp đang gặp khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, Cần Thơ đang nỗ lực định hướng phát triển ngành nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong hội nghị lần này, thành phố sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại Cần Thơ. Đồng thời học hỏi kinh nghiệm của các nền kinh tế thành viên trong việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và các biện pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu có khả năng sẽ ảnh hưởng và tác động đến nông nghiệp tại vùng ĐBSCL.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 4-5-2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. TP Cần Thơ đang lập Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở xây dựng dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ.

UBND thành phố đã xây dựng danh mục các dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư xây dựng 3 khu Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của thành phố, cụ thể: Khu Nông nghiệp Công nghệ cao 1, tại xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai; Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ; Khu Nông nghiệp công nghệ cao 3 tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ. Thời gian qua, TP Cần Thơ đã tiếp nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Thành phố đã có các công ty ứng dụng công nghệ cao trên lĩnh vực nông nghiệp, như: Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung Thạnh.

* Cần Thơ được chọn là 1 trong 100 thành phố trên thế giới là thành viên của “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu” do Quỹ Rockefeller tài trợ. Thành phố sẽ tận dụng cơ hội này để giới thiệu những chương trình, kế hoạch mà thành phố đang thực hiện ra sao, thưa ông?

-Quá trình đô thị hóa nhanh và toàn cầu hóa đã, đang và sẽ là vấn đề đặt ra nhiều thách thức ảnh hưởng tới sự phát triển của nhiều thành phố nói chung và Cần Thơ nói riêng. Các thành phố dễ bị tác động bởi các cú sốc như: ngập lụt, động đất, dịch bệnh; đặc biệt các tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ nét. Cuối tháng 6-2017, Cần Thơ đã triển khai thực hiện dự án 100 thành phố có khả năng chống chịu (gọi tắt là Chương trình 100RC) do Quỹ Rockefeller tài trợ. Chương trình 100RC hỗ trợ thành phố tiếp cận giải pháp mang tính tổng hợp trong xây dựng Chiến lược.

Theo đó, khung tổng thể để đánh giá về khả năng chống chịu và thực hiện các hành động nhằm xây dựng khả năng chống chịu dựa trên 4 trụ cột chính là: vấn đề an toàn sức khỏe và phúc lợi, đảm bảo lợi ích, thu nhập ổn định của người dân đô thị; phát triển cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái cung cấp những dịch vụ thiết yếu thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và kết nối tốt giữa các cư dân đô thị; tạo cơ hội, môi trường phát triển kinh tế - xã hội bền vững; có sự lãnh đạo và quản lý nhịp nhàng, hiệu quả với tầm nhìn dài hạn. Văn phòng dự án 100 thành phố có khả năng chống chịu tại thành phố Cần Thơ (gọi tắt là Văn phòng CRO) là cơ quan tham mưu trực tiếp, giúp thành phố xây dựng thành công Chiến lược tăng cường khả năng chống chịu.

Trong khuôn khổ các phiên họp kỹ thuật của Tuần lễ Hội nghị APEC 2017, Văn phòng CRO sẽ có bài tham luận nhằm trình bày các định hướng phát triển đô thị tại thành phố thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu và đặc biệt nhấn mạnh các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu của thành phố trong tương lai. Tham luận sẽ phân tích các dẫn lực tác động lên các đô thị ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng, đồng thời đề xuất cách tiếp cận mới dựa trên khung năng lực chống chịu của đô thị như đã nói ở trên.

* Xin cảm ơn ông

ANH KHOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết