19/10/2009 - 07:47

Áp thấp gần bờ tiếp tục di chuyển chậm

* QUẢNG NGÃI: 3 tàu cá vừa thoát khỏi nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới
* KON TUM: Đường Hồ Chí Minh lún sụt, quốc lộ 24 gián đoạn giao thông

Hồi 16 giờ ngày 18-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi khoảng 210 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km. Đến 16 giờ ngày 19-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,3 độ vĩ Bắc; 109,1 độ kinh Đông cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Nam khoảng 90 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới khu vực quần đảo Hoàng Sa, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

* Ngày 18-10, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Lúc 22h 15 phút ngày 17-10, có 3 tàu cá: QNg 95090 TS của ông Võ Luân, trên tàu có 14 lao động; tàu QNg 95209 TS của ông Bùi Đức Dũng với 22 lao động và tàu QNg 95203 TS của ông Nguyễn Ngọc Quý (cùng quê ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn) hoạt động tại tọa độ 13,42 Vĩ độ Bắc, 112,42 Kinh độ Đông, đang gặp sóng to và gió lớn trong vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới cần được cứu nạn. Sau khi nhận được tin báo cứu nạn, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định thông tin hướng dẫn kịp thời 3 tàu nói trên di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Hiện nay, Quảng Ngãi hiện còn 484 tàu thuyền với 4.712 lao động đang hoạt động trên biển tại các khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vùng biển các tỉnh phía Bắc, phía Nam và vùng biển Quảng Ngãi.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới, Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức trực ban 24/24h chỉ đạo thông tin tìm kiếm cứu nạn thông qua các đài canh ở địa phương thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên các vùng biển biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

* Trong hai ngày qua, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có mưa trên diện rộng, mực nước các con sông lớn như: Pô Kô, Sê San, Đắk Bla, Đăk Snghé, nhất là ở vùng thượng nguồn, nước dâng lên. Do mực nước các sông đều dâng kết hợp với tình trạng sạt lở do trận lũ cuối tháng 9 đầu tháng 10 khiến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận các huyện Đắk Glei, Đắk Tô tiếp tục bị lún sụt và sạt lở nhiều đọan.

Đặc biệt, mưa lớn phía thượng nguồn khiến nước sông Đắk Snghé dâng cao và chảy xiết. Để đảm bảo cho cây cầu phao dài 100 mét bắc qua sông này trên tuyến quốc lộ 24 không bị cuốn trôi, rạng sáng 18-10 bộ đội công binh của Quân đoàn 3 đã tháo dỡ cây cầu phao này. Do đó giao thông trên tuyến quốc lộ 24 tạm thời bị gián đoạn. Hành khách đi từ Quảng Ngãi lên Kon Tum và ngược lại phải đi vòng qua đường quốc lộ 19, dài gần gấp đôi so với đường đi qua quốc lộ 24. Khi mực nước sông Đắk Snghé xuống mức bình thường, cầu phao mới được lắp trở lại. Cầu phao bắc qua sông Đắk Snghé được bộ đội công binh Quân đoàn 3 lắp đặt để thay thế tạm cho cầu Đắk Ruồng đã bị nước lũ hồi cuối tháng 9 đầu tháng 10 cuốn trôi.

HÀ PHƯƠNG-ĐOÀN HỮU TRUNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết