24/05/2009 - 10:32

Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch hại trên lúa

(CT)- Hôm qua (23-5-2009), tại TP Cần Thơ, đã diễn ra Hội thảo “Các giải pháp và kinh nghiệm trong công tác phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá hại lúa tại ĐBSCL” do Hội Khoa học kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam phối hợp với Sở NN&PTNT TP Cần Thơ và trường Đại học Cần Thơ tổ chức. Hội thảo đã thu hút các nhà khoa học đến từ Viện lúa ĐBSCL, trường Đại học Cần Thơ; đại diện Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt và đại diện sở NN&PTNT, chi cục Bảo vệ thực vật, trung tâm khuyến nông 13 tỉnh, thành ĐBSCL... tham gia.

Theo Hội Khoa học kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam, từ năm 2006 đến nay, ĐBSCL có đến 9-10 vụ lúa liên tiếp được mùa, với xu thế mùa sau được mùa hơn mùa trước, năm sau được mùa hơn năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn một số vùng bị dịch hại vừa và nặng. Đặc biệt, trong năm 2006, tại các tỉnh phía Nam có trên 545.000 lượt ha bị nhiễm rầy nâu và gần 150.000 lượt ha bị bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vừa nêu là: trong sản xuất có quá nhiều giống, mất cân đối giữa những giống lúa kháng rầy và nhiễm rầy, nhiễm bệnh vi - rút; người sản xuất đang sử dụng giống một cách tự phát... Trong khi đó, nhiều địa phương chưa có biện pháp kiểm soát chặt chẽ lịch mùa vụ gieo sạ, nhất là ở cấp xã, vùng giáp ranh giữa các xã, huyện của những vùng không chủ động được nguồn nước tưới, nước nhiễm mặn... Tập quán canh tác truyền thống của nông dân như sạ dày, bón nhiều phân đạm, phun thuốc trừ sâu không theo khuyến cáo...

Theo các đại biểu tham gia hội thảo, giải pháp phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá hiệu quả ở ĐBSCL trong thời gian qua là áp dụng biện pháp sử dụng thuốc hóa học và nhiều biện pháp tổng hợp khác như: gieo sạ đồng loạt né rầy, giảm mật độ gieo sạ, giảm lượng phân đạm, dùng nước để che chắn rầy... Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã công nhận 2 biện pháp phòng chống rầy nâu được xem có tiến bộ khoa học kỹ thuật là “gieo sạ đồng loạt né rầy” và “gieo mạ mùng”. Để phòng chống dịch hại hiệu quả trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng: Cần phổ biến rộng rãi 2 biện pháp phòng chống rầy nâu này. Đồng thời, rất cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp, phát huy sức mạnh cộng đồng. Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, tiếp tục bổ sung và cập nhật một số kỹ thuật mới theo hướng GAP (thực hành nông nghiệp tốt) trong sản xuất lúa ở ĐBSCL. Chú trọng khâu quy hoạch vùng sản xuất lúa ở cấp tỉnh, thành phố nhằm phát huy tối đa lợi thế so sánh của cây lúa so với các cây trồng khác. Quy hoạch lại đồng ruộng, hệ thống thủy lợi nội đồng gắn liền với phát triển hệ thống giao thông nông thôn, thuận tiện cho quá trình cơ giới hóa; quy hoạch cơ cấu giống lúa cho từng tiểu vùng, địa phương...

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết