09/09/2016 - 20:24

"Ảo và sợ" - Cái giá của lòng tham

13 truyện ngắn trong tập truyện "Ảo và sợ" của tác giả Nguyễn Trí truyền tải những thông điệp về luật nhân quả, sự trả giá cho lòng tham, tội lỗi. Không triết lý dài dòng, không giáo điều khoa trương, từng câu chuyện thấm vào lòng người đọc bởi sự bình dị, chân phương, bởi những bi kịch lắt léo và tình tiết bất ngờ…

Sách do NXB trẻ xuất bản năm 2016.

Những năm gần đây, Nguyễn Trí (sinh năm 1956) nổi lên trên văn đàn qua một loạt đầu sách xuất bản ở các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết như: "Bãi vàng, đá quý, trầm hương", "Đồ tể", "Thiên đường ảo vọng"… với văn phong đặc trưng, khó lẫn. Tập truyện ngắn "Ảo và sợ" là tác phẩm mới nhất của ông, tiếp tục mạch đề tài về những thân phận, kiếp người nghèo khó, với cách kể chuyện chân phương, bình dị. Tuy nhiên, những câu chuyện lần này đánh mạnh vào sự đảo lộn luân thường đạo lý, vào những việc làm sai trái, tội lỗi của con người. Qua đó, làm bật lên thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm: Đừng sống ảo để rồi phải sợ hãi, gánh chịu những hậu quả do mình gây ra.

Trong cuộc sống, nếu biết điểm dừng, biết thế nào là đủ thì sẽ hạnh phúc. Với những ai tham lam, luôn mơ tưởng những điều xa xôi hoặc chiếm đoạt của người khác, ắt không có hậu. Nhã trong truyện "Người không tổ quốc" là một trường hợp điển hình. Từ một kẻ bất tài, nhờ vận may mà Nhã có được quyền lực trong xã, cuộc sống đủ đầy, sung túc. Nhưng chỉ vì một chút tham mà Nhã mất hết tất cả, sống nghèo khổ, bị người đời khinh khi. Rồi gia đình Nhã bỗng phất lên khi thân nhân bên vợ từ Mỹ gửi tiền về chu cấp. Thế mà ở cái tuổi gần 60, Nhã vẫn không an phận, muốn qua Mỹ sống để đổi đời mặc bao người khuyên can. Bao nhiêu tiền của gia đình dốc hết để thực hiện tham vọng của Nhã. Ngờ đâu, qua Mỹ chỉ mới một tháng, Nhã bị tai biến liệt cả người. Không còn quốc tịch Việt Nam và chưa trở thành công dân của Hoa Kỳ, Nhã không biết đi đâu, về đâu.

 

Lòng tham của con người tiếp tục được tác giả khắc họa ở nhiều góc độ khác nhau qua các truyện: "Nhãn tiền", "Quả báo", "Trắng tay", "Đời cứ thế trôi", "Trong nghĩa địa"… Có người thực dụng tham giàu, kẻ tham sang phụ khó, kẻ trộm cắp quen tay, người bị lừa vì mơ đổi đời. Cuối cùng các nhân vật phải ôm hận vì "mất cả chì lẫn chài" hay khóc ròng vì "gậy ông đập lưng ông", vì cuộc chơi nghiệt ngã.

Ở một khía cạnh khác, những câu chuyện đi sâu vào tội lỗi do cách sống trái với luân thường đạo lý, do dám làm mà không dám chịu đã gây ra bao cảnh đắng cay, tan nhà nát cửa. Tiêu biểu là đoạn cô con gái kể tội cha và ông nội trong truyện "Ảo và sợ" hay kết cục đau lòng của gia đình Sáu Lém trong truyện "Sáu Lém", để lại trong lòng người đọc nhiều suy tư, trăn trở. Ngoài tham, sân si, tác giả cũng chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh, truân chuyên qua những trang viết nhẹ nhàng, giàu cảm xúc của truyện "Trên đồi đất đỏ", "Trời cao đất thấp", "Nhí đen".

Hầu hết các truyện đều có nhiều kịch tính với các tình tiết lắt léo, bất ngờ, lôi cuốn người đọc. Đặc biệt, bi kịch gia đình, tình yêu được khắc họa đậm nét theo quy luật "đời cha ăn mặn, đời con khát nước", "ác giả ác báo" càng làm nổi bật chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Một số truyện miêu tả chi tiết những nghề đặc biệt như: đồ tể (Nhãn tiền), các chiêu gian lận cờ bạc (Kỳ bẻo), bốc cốt (Trong nghĩa địa), nhảy tàu vận chuyển hàng lậu (Trên đồi đất đỏ), góp phần làm nên sắc màu và sức hấp dẫn cho tập truyện.

Với "Ảo và sợ", Nguyễn Trí tiếp tục chứng tỏ sức viết dẻo dai và nguồn tư liệu dồi dào của một người từng trải, nhiều vốn sống.

CÁT ĐẰNG
 

Chia sẻ bài viết