11/02/2017 - 16:27

Áo dài - cách tân cỡ nào là đẹp?

Câu chuyện cách tân chiếc áo dài truyền thống Việt Nam đang là đề tài nóng, không chỉ trên mạng internet mà ngay cả với các nhà nghiên cứu văn hóa, chuyên gia thời trang… Câu hỏi cách tân áo dài thế nào là đẹp và hài hòa giữa truyền thống với hiện đại xem ra không phải dễ trả lời.

 Chiếc áo dài truyền thống vẫn luôn là trang phục đẹp và bản sắc của Việt Nam. Trong ảnh: Người đẹp Áo dài tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014- Trúc Mai (Cần Thơ).

Dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, xuất hiện một loại trang phục lạ lẫm được gọi là "áo dài cách tân": nhìn trông giống áo dài nhưng tay ngắn, có nhiều lớp áo và tà áo ngắn vừa qua gối. Chiếc áo này được các thiếu nữ khi mặc với chiếc quần gần giống "váy đụp", có khi mặc với chiếc quần dài hơn tà áo vài ba phân kiểu như… quần sọt. Nhiều người đã chỉ trích gay gắt bộ trang phục này vì cho rằng đó là kiểu thời trang làm xấu văn hóa dân tộc, bôi nhọ chiếc áo dài. Song, cũng có không ít ý kiến đồng tình với quan điểm thời trang cũng là loại hình nghệ thuật, có sự biến đổi theo từng giai đoạn khác nhau.

Ý kiến đồng tình thì ít nhưng phản đối dường như đa số. Có bạn trẻ trên mạng xã hội phản ứng gay gắt: "Cách tân không phải là trộn áo này với quần nọ. Đó là sự nghèo nàn ý tưởng, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia". Có nhiều người còn đặt vấn đề, nhiều phụ nữ nước ngoài chọn áo dài vì yêu thích nét đẹp, quyến rũ truyền thống chỉ duy nhất Việt Nam mới có, vậy mà lại lai căng, biến tấu để đánh mất bản sắc của chính mình. Trên phương tiện truyền thông, nhà thiết kế áo dài nổi tiếng Lan Hương thẳng thắn: "Có thể đặt cho bộ trang phục ấy một cái tên, gì cũng được, nhưng không thể gọi là áo dài cách tân". Theo bà, đã gọi là cách tân thì điều căn cốt nhất là phải giữ được nét đẹp, tinh hoa của chiếc áo dài truyền thống; có thể biến tấu chi tiết, hoa văn để áo dài hợp thời hơn.

Theo nhiều tài liệu, chiếc áo dài ra đời khoảng giữa thế kỷ XVIII, dưới thời chúa Vũ Vương- Nguyễn Phúc Khoát. Để có được chiếc áo dài hiện đại, bao thế hệ người Việt đã biến tấu, cách tân không ngừng. Không nói xa, chỉ khoảng hơn 10 năm trở lại, thị hiếu thẩm mỹ về chiếc áo dài cũng có nhiều thay đổi. Chị Ngọc Giàu, chủ hiệu áo dài Ngọc (quận Ninh Kiều), cho biết, có lúc khách chuộng áo dài ôm, tà dài chấm đất, chân bâu cao; có lúc lại chọn áo dài rộng ít chít eo, tà áo ngắn, chân bâu ngắn, nhỏ… Từ nửa thế kỷ trước, việc cách tân áo dài khoét tay thành tay ráp-lăng (ranglan), áo dài cổ thuyền… đã khiến áo dài trở nên có sức hút mãnh liệt. Vậy nên, cách tân áo dài không có gì đáng trách nhưng làm sao để giữ nét nền nã, truyền thống của áo Việt Nam mới là quan trọng. Bởi vậy, những mẫu áo dài xuyên thấu, trống trước hở sau của số ít nhà thiết kế đã bị dư luận phản ứng gay gắt.

Sẽ chẳng có tiêu chí cụ thể nào để minh định áo dài cách tân đến mức nào là vừa phải và đẹp, bởi điều đó còn thuộc vào cảm tính của mỗi người. Nhưng có điều, cách tân làm sao để thoáng nhìn thấy người mặc trang phục này, bạn bè thế giới nhận ra ngay đó là người Việt Nam với chiếc áo dài duyên dáng và truyền thống ngàn đời, chứ không phải pha tạp, phá cách thiếu thẩm mỹ.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Một số cuốn sách nghiên cứu trang phục Việt Nam

Để giúp độc giả tìm hiểu rõ hơn về nghệ thuật và phong cách trang phục các dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay, Báo Cần Thơ giới thiệu một số quyển sách về chủ đề này.

- “Ngàn năm áo mũ” (NXB Thế giới) là công trình dày dặn và công phu của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức. Ông đã khái quát quá trình hình thành và thịnh hành trang phục Việt trong cung đình và dân gian từ thời nhà Lý đến triều Nguyễn (1009-1945). Đặc biệt, sách có nhiều trang viết về lịch sử hình thành của chiếc áo dài truyền thống.

- “Trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam” do Giáo sư Ngô Đức Thịnh biên soạn, NXB Khoa học Xã hội ấn hành. Sách gồm 15 chương, là tập hợp các trang phục của tất cả các dân tộc trên đất nước Việt Nam từ xưa đến nay. Trong sách có giới thiệu nhiều về trang phục người Việt, người Chăm, người Hoa, người Khmer ở Nam bộ với những trình bày, kiến giải khoa học, thuyết phục.

- “Trang phục Việt Nam” là sự kết hợp giữa lý luận của nghệ thuật trang trí- ứng dụng và thực tiễn phát triển của trang phục Việt do Nghệ sĩ ưu tú, Tiến sĩ Đoàn Thị Tình thực hiện, NXB Mỹ thuật ấn hành. Những trang phục đặc trưng của các dân tộc Việt Nam được bà phác họa, giới thiệu trọn vẹn. Tiến sĩ Đoàn Thị Tình cũng là người đã thiết kế trang phục cho nhiều phim và kịch như “Số đỏ”, “Điện Biên Phủ”, “Thời xa vắng”, “Trắng hoa mai”, “Đào Tấn chém Bồi Ba”; đang giảng dạy về trang phục ở nhiều trường đại học trong cả nước.

DUY LỮ

Chia sẻ bài viết