27/10/2017 - 20:50

Anh em hòa thuận 

Mỗi lần đưa con gái lớp 3 đến trường, tôi rất thích ngắm hình ảnh các em quấn quýt anh trai khi chia tay. Những anh hai dù còn nhỏ tuổi nhưng ra dáng người lớn, xoa đầu, dặn dò em ngoan, rồi đĩnh đạc xách cặp vào lớp. Nhìn anh đi, nhiều em nhỏ dặn với theo “Anh học giỏi nha” và vẫy tay quyến luyến. Tôi chợt nhớ mấy câu thơ rất dễ thương trong bài “Làm anh” của Phan Thị Thanh Nhàn: “Làm anh thật khó. Nhưng mà thật vui. Ai yêu em bé. Thì làm được thôi”. Để tạo dựng mối quan hệ anh em gắn bó, ắt hẳn cha mẹ các em rất khéo léo, tâm lý trong dạy con.

Thành Tiến và em gái luôn yêu thương, hòa thuận. 

Chị Tuyết Mai (phường An Khánh) kể lúc mang thai con gái thứ hai, chị và gia đình làm “công tác tư tưởng” cho con trai đầu Thành Tiến, để con  không có cảm giác bị “ra rìa”. Mọi hoạt động liên quan đến con gái như mua sắm đồ, trang trí phòng, vợ chồng chị đều gắn kết với con trai, nhờ bé hỗ trợ. Thấy mình “quan trọng”, Tiến ngày càng ý thức hơn vai trò làm anh, biết phụ mẹ giữ em, nhường nhịn, nhắc nhở khi em chưa ngoan.

Hiện Tiến đã vào lớp 5, em gái học lớp Lá, anh em rất khăng khít, luôn dành phần ăn ngon cho nhau. Hỏi Tiến thích làm anh không, cháu bẽn lẽn: “Nhiều lúc cũng bực vì em giành xem ti vi, hay khóc nhè nhưng con thấy vui vì có người chơi chung”.

Hai anh em Thiên Phúc (lớp 5) và Thiên Lộc (lớp 2), cùng học chung một trường tiểu học ở quận Ninh Kiều là “cặp đôi” ăn ý. Chị Thiên Nga kể, mấy năm đầu dạy con rất cực vì hai đứa trái tính nết, Phúc điềm đạm ít nói, Lộc hiếu động, nghịch ngợm. Anh em hay giận nhau vì Lộc giành đồ chơi, làm hư mô hình anh lắp ráp.

Có lúc tức quá, Phúc đòi qua ở với nội, kêu mẹ đem em cho người khác. Không thể để anh em bất hòa, vợ chồng chị Nga lên kế hoạch, chia nhau mỗi người quản một đứa.

Chị Nga chia sẻ: “Phải mất rất nhiều thời gian uốn nắn Lộc mới bớt nghịch, Phúc thì dần dà hiểu ra cha mẹ buồn nếu anh em không thương nhau. Tôi tận dụng ưu thế Phúc viết chữ đẹp, học giỏi Toán, nhờ dạy em. Tôi cho Lộc xem Giấy khen của Phúc để ngưỡng mộ anh, biết nghe lời. Giờ anh em đi đâu cũng có nhau, muốn mặc quần áo giống nhau. Mỗi khi tôi có việc rước trễ, Phúc qua lớp chơi để em đỡ buồn”.

Để anh em trong nhà thương mến nhau, vai trò cha mẹ rất quan trọng. Chị Kim Ngọc (phường Hưng Lợi) có con trai học lớp 8 và con gái học lớp 2, chia sẻ kinh nghiệm: “Chồng đi công tác suốt, tôi một mình cáng đáng chuyện nhà. Dù rất bận rộn nhưng tôi cố gắng dành thời gian trò chuyện, cùng chơi với các con, nắm bắt tâm lý để kịp thời phân xử giận hờn, mâu thuẫn giữa anh em trên tinh thần lắng nghe, đối xử công bằng, không để trẻ so đo, ghen tị".

"Tôi thường dạy các con hiểu, tình anh em thiêng liêng, phải vun đắp gìn giữ. Vợ chồng tôi cũng làm gương, sống hòa thuận, nhịn nhường, nỗ lực xây dựng nền nếp, nâng niu hạnh phúc gia đình để con biết quý trọng người thân” - Chị Kim Ngọc nói.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Anh em hòa thuận