07/10/2017 - 09:11

Anh chia rẽ quanh tương lai của Thủ tướng May 

Sau bài phát biểu gây thất vọng tại phiên bế mạc đại hội đảng Bảo thủ cầm quyền, việc Thủ tướng Anh Theresa May phải ra đi hay ở lại lần nữa dấy lên tranh cãi.

Thủ tướng May ho khi phát biểu tại phiên bế mạc đại hội đảng Bảo thủ. Ảnh: Belfast Telegraph

Hội nghị thường niên đảng Bảo thủ hồi đầu tuần này gần như bị phủ bóng bởi những chia rẽ nội bộ về tiến trình đàm phán Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), tức Brexit. Do đó tại phiên bế mạc, nhiều người đặt kỳ vọng vào bài phát biểu của Thủ tướng May có thể mở ra hướng giải quyết khủng hoảng kể từ sau kết quả tồi tệ trong cuộc bầu cử sớm hồi tháng 6 do chính bà khởi xướng. Thất bại này khiến đảng Bảo thủ mất thế đa số tại Quốc hội, đồng thời đe dọa tiến trình đàm phán với Brussels.

Nhưng trái với kỳ vọng giúp ổn định quyền lực, bài diễn thuyết của Thủ tướng May hôm 4-10 lần nữa khiến uy tín bà sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể tại phiên họp, Reuters cho biết Thủ tướng May vẫn chưa có câu trả lời cho vấn đề Brexit và tác động của tiến trình này đối với nền kinh tế. Thay vào đó, bà May liên tục gặp sự cố khi bị ngắt quãng bởi những cơn ho và gần như bị mất giọng. Trong tình huống bất ngờ, bài diễn văn còn bị cắt ngang khi diễn viên hài người Anh Saimon Brodkin trao cho Thủ tướng mẫu giấy thuế P45 – biểu tượng của việc bị sa thải. Trên Twitter, người này còn cho biết ông trao “mẫu giấy thôi việc” cho bà May là thể theo mong muốn của Ngoại trưởng Boris Johnson.

Ngay sau màn thể hiện gây thất vọng của bà May, tờ The Sun cho biết “sóng ngầm” tiếp tục nổi lên trong đảng Bảo thủ giữa một bên tìm cách lật đổ bà May và một bên là những người ủng hộ nữ chính trị gia 61 tuổi tiếp tục lèo lái tiến trình Brexit. Nói với BBC, cựu Chủ tịch Grant Shapps của đảng Bảo thủ cho biết phần lớn mọi người đều mong muốn bà May rời ghế Thủ tướng vào năm 2019 nhưng kế hoạch giờ đây có thể diễn ra sớm hơn. Theo Telegraph, hiện có khoảng 30 nghị sĩ đảng Bảo thủ bao gồm 5 cựu thành viên nội các ủng hộ bà May ra đi. Tuy vậy, ông Shapps thừa nhận con số này không đủ để lật đổ Thủ tướng. Bởi theo nguyên tắc, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm muốn diễn ra cần nhận được 15% ủng hộ (tương đương 48 nghị sĩ) và trình lên Chủ tịch Ủy ban 1922 Graham Brady, cơ quan phụ trách chọn lãnh đạo cho đảng Bảo thủ.

Mặt khác, giới quan sát tin rằng bà May sẽ không dễ dàng bị “hạ bệ” bởi đảng Bảo thủ vẫn chưa tìm ra ứng viên có đủ sự ủng hộ trong khi các quan chức và nghị sĩ cấp cao khác vẫn tiếp tục hỗ trợ Thủ tướng, bao gồm Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd và Bộ trưởng Môi trường Michael Gove. Ngoài tình huống hiện tại, một số nghị sĩ cũng lo sợ việc thay thế bà May không khéo có thể dẫn đến “thảm họa” cho tiến trình đàm phán Brexit cũng như tạo cơ hội cho thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn lên nắm quyền. Thậm chí, nhiều nhà hoạt động bảo thủ lo ngại quá trình thay thế lãnh đạo sẽ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trong đảng về vị trí của Anh ở châu Âu – nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của 3 lãnh đạo bảo thủ gồm người tiền nhiệm David Cameron, ông John Major và bà Margaret Thatcher.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Thủ tướng May