25/12/2015 - 20:27

Angela Merkel – “Bà hoàng của châu Âu”

Đó là tựa đề bài viết đăng trên tờ Washington Times của Mỹ số ra ngày 24-12. Chính sách mở cửa cho người tị nạn mặc dù vấp phải chỉ trích của phái bảo thủ châu Âu, thậm chí đe dọa vị thế chính trị trong nước do tỷ lệ ủng hộ giảm sút, nhưng với phong hiệu "Nhân vật của năm" được tạp chí TIME danh tiếng của Mỹ bình chọn - Thủ tướng Đức Angela Merkel, lần nữa cho thấy bà vẫn giữ vững vai trò "Nữ hoàng của châu Âu" sau gần một thập niên nắm quyền.

Theo giới quan sát, nữ Thủ tướng đầu tiên của Đức kết thúc một năm chính trị đầy biến động với vị thế trầm tĩnh. Về phương diện này, nhà khoa học chính trị Đại học Humboldt Herfried Munkler nhận định chiến lược cân bằng là kỹ năng và nguyên tắc chính làm nên "thương hiệu" của Thủ tướng Merkel trên trường quốc tế. Ngoài ra với sự linh hoạt của mình, bà cũng nhiều lần vượt qua tình huống nan giải và những biến động chính trị. Theo chuyên gia Munkler, đây là "bí quyết" để nữ Thủ tướng giữ vững cương vị trong suốt thời gian qua.

"Bà hoàng của châu Âu" – Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AP

Như tờ TIME bình luận, tình thế càng khó khăn thì bà Merkel càng thể hiện được vai trò lãnh đạo của mình. Điển hình vào năm 2006, bà đã thúc đẩy thông qua chính sách cắt giảm chi tiêu và tăng thuế không được lòng dân trong bối cảnh nền kinh tế Đức phục hồi yếu ớt. Chính sự kiên định này giúp Berlin duy trì vị trí đầu tàu kinh tế của châu Âu trong giai đoạn khủng hoảng tài chính diễn ra chưa đầy 2 năm sau đó. Không những vậy, nước Đức dưới sự lãnh đạo của bà Merkel tiếp tục đứng đầu trong những nỗ lực gắn kết các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU), đồng thời đảm nhận vai trò chính trong chương trình cứu Hy Lạp khỏi nguy cơ vỡ nợ.

Theo đồng tác giả quyển sách về bà Merkel Tony Czuczka, nữ chính trị gia 61 tuổi không chỉ có tố chất thận trọng vốn là niềm tự hào của người Đức mà tầm nhìn cá nhân về các giá trị nhân đạo, sứ mệnh nhân loại cũng giúp bà thể hiện vai trò ngoại giao tích cực trong các vấn đề quốc tế. Chẳng hạn đối với cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay, thay vì làm như một số nước là thắt chặt kiểm soát biên giới, Thủ tướng Merkel lại lấy "giá trị nhân đạo của châu Âu" làm sách lược chính và Đức trở thành quốc gia đi đầu mở cửa đón người tị nạn. Chính sách của bà Merkel đã giành được sự khen ngợi của cộng đồng quốc tế nhưng cũng hứng chịu không ít chỉ trích từ liên minh cầm quyền và phần còn lại ở châu Âu do lo ngại nguy cơ khủng bố - đặc biệt sau vụ nổ súng hàng loạt tại Thủ đô Paris (Pháp) hồi tháng trước. Tuy nhiên, chính quyền bà Merkel vẫn tiếp tục mở cửa với người tị nạn song song với yêu cầu các nước châu Âu chia sẻ gánh nặng.

Trong loạt bài mới đây về người tị nạn, báo chí phương Tây cho biết chính quyền bà Merkel đã cấp giấy phép cư trú ở Đức cho cô bé 14 tuổi người Palestine vốn có thể bị trục xuất. Xuất hiện trong đoạn video lan truyền trên mạng Internet hồi tháng 7, Reem Sahwil còn được truyền thông gọi là "cô bé của bà Merkel" khi đã bật khóc trong phần trao đổi với nữ Thủ tướng về chính sách nhập cư khiến một số người tị nạn như cô bé bị trục xuất.

Ngay khi những hình ảnh này được truyền tải trên mạng, bà Merkel vấp phải chỉ trích cho rằng bà "vụng về" và "thiếu đồng cảm" trước hoàn cảnh cô bé. Nhưng tin tức mới nhất trên nhật báo Bild cho biết, Sahwil đã được cấp giấy phép cư trú lâu dài tại Đức cho đến tháng 10-2017. Trong bài viết tiêu đề "Cô bé của bà Merkel có thể ở lại", tờ báo Đức còn thông tin thêm rằng Sahwil có thành tích rất tốt tại trường và cha mẹ cùng anh trai của cô cũng có thể ở lại.

MAI QUYÊN (Theo Washington Times, Reuters)

Chia sẻ bài viết