24/04/2018 - 07:17

Ấn, Trung tan băng quan hệ? 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong tuần này đến Trung Quốc gặp thượng đỉnh không chính thức Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tháng tới, ông Modi sẽ lại có mặt ở Trung Quốc dự hội nghị thượng đỉnh an ninh khu vực.

Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập sẽ có cuộc gặp vào cuối tuần này. Ảnh: AFP
Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập sẽ có cuộc gặp vào cuối tuần này. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, cuộc gặp sẽ diễn ra tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, trong hai ngày 27-28 tháng 4. Theo đó, lãnh đạo hai bên sẽ thảo luận mà không có sự hiện diện của bất kỳ bộ trưởng hay cố vấn nào.  

“Những lợi ích chung của chúng tôi đã vượt qua những khác biệt của hai bên. Hai quốc gia không có lựa chọn nào khác là theo đuổi mối quan hệ hữu nghị lâu dài, hợp tác đôi bên cùng có lợi và phát triển cùng nhau. Hội nghị thượng đỉnh sẽ đặt nền tảng lâu dài cho việc thắt chặt niềm tin giữa hai quốc gia láng giềng lớn” - ông Vương phát biểu với phóng viên sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj ở Bắc Kinh.

Tờ Daily Pioneer tiết lộ, lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi tầm nhìn và quan điểm về các vấn đề toàn cầu và trong nước cũng như đưa ra các ý tưởng nhằm giải quyết các vấn đề song phương, chẳng hạn như tranh chấp biên giới. Theo tờ báo này, cả Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập sẽ cố gắng xây dựng một khuôn khổ chung để giúp quan hệ hai nước tiến về phía trước. Dự kiến, không có thỏa thuận nào sẽ được ký kết nhưng lãnh đạo hai nước sẽ có các cuộc thảo luận thẳng thắn về các vấn đề gây tranh cãi như sáng kiến “Vành đai, Con đường – BRI” của Trung Quốc. Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) với vốn đầu tư lên tới 54 tỉ USD đang là một trở ngại lớn đối với quan hệ song phương Trung-Ấn. Năm 2017, Ấn Độ là khách mới duy nhất không tham gia hội nghị cấp cao BRI tại Bắc Kinh.

Trong khi đó, Jiang Jingkui, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ tại Đại học Bắc Kinh, nói rằng chuyến thăm của ông Modi sẽ là cơ hội để hai bên cài đặt lại quan hệ sau cuộc đối đầu quân sự căng thẳng kéo dài 73 ngày tại cao nguyên Doklam, nơi tiếp giáp giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan. Theo ông Jiang, hội nghị thượng đỉnh có thể là cơ hội để hai nước khám phá ra một phương thức trao đổi mới trong bối cảnh họ đang tìm cách phát triển mối quan hệ chín chắn hơn và cố gắng tìm ra nền tảng mới đối với sự hợp tác chính trị, kinh tế và khu vực.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết