16/08/2018 - 09:37

An toàn sản xuất khi nước lũ về 

Vụ lúa thu đông 2018, diện tích gieo sạ tại TP Cần Thơ tăng so với vụ thu đông năm ngoái. Hiện trà lúa đang phát triển tốt, ít sâu bệnh, một số diện tích cũng vừa được xuống giống. Mực nước lũ đang lên, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ và các địa phương tích cực triển khai các biện pháp phòng tránh mưa bão, nước lũ dâng, chủ động bảo vệ lúa...

Bảo vệ lúa thu đông

Đến nay, nông dân TP Cần Thơ đã xuống giống dứt điểm vụ lúa thu đông 2018 với diện tích 73.485ha, đạt 134% kế hoạch, cao hơn 464ha so với vụ thu đông 2017. Dự kiến đến cuối tháng 8-2018, nông dân sẽ thu hoạch lúa thu đông xuống giống sớm và đến giữa tháng 9-2018 sẽ thu hoạch rộ. Vụ lúa thu đông năm nay, dịch hại thấp hơn năm trước, chủ yếu là bệnh đạo ôn, rầy nâu, muỗi hành, chuột, sâu cuốn lá… Tổng diện tích nhiễm dịch hại là 666ha, tăng 364ha so với tuần qua (đầu tháng 8-2018) và thấp hơn 1.597ha so với cùng kỳ vụ thu đông 2017. Dịch bệnh xuất hiện với mật độ thấp, do ngành nông nghiệp và nông dân đã tích cực phòng trị từ đầu vụ.

Lúa thu đông 2018 tại huyện Vĩnh Thạnh phát triển tốt, được bảo vệ bởi hệ thống đê bao, an toàn khi nước lũ về sớm. Ảnh: HÀ VĂN
Lúa thu đông 2018 tại huyện Vĩnh Thạnh phát triển tốt, được bảo vệ bởi hệ thống đê bao, an toàn khi nước lũ về sớm. Ảnh: HÀ VĂN

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, nhận định: “Trước tình hình vỡ đập thủy điện ở Lào, nước lũ sẽ về sớm, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, triều cường, đồng thời tập trung kiểm tra đê bao, cống, đập nhằm kịp thời thông báo cho nông dân biết để chủ động ứng phó, phòng ngừa các tình huống xấu có thể xảy ra; có kế hoạch sản xuất đảm bảo an toàn cho lúa và rau màu tại các vùng trũng, vùng ngoài đê bao thường xuyên bị ảnh hưởng của ngập úng…”.

Vĩnh Thạnh là huyện đầu nguồn của TP Cần Thơ và là địa phương có mực nước lũ về cao nhất so với các quận, huyện khác. Hằng năm, khi mùa nước lũ về, nông dân mở đồng đón lũ, hứng lấy phù sa,  dội rửa mầm bệnh, tránh ngộ độc hữu cơ gây hại cho vụ lúa sau. Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Diện tích lúa thu đông 2018 của huyện chủ yếu nằm trong hệ thống đê bao. Để đảm bảo “ăn chắc” vụ này, huyện đã tập trung phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu, gia cố đê bao, với khối lượng thực hiện nạo vét 52.600m3, đạt 100,77% kế hoạch, kinh phí thực hiện 959,6 triệu đồng; đầu tư 3 công trình nạo vét kết hợp sửa bờ và xây dựng 7 cống hở phục vụ tưới tiêu, với kinh phí 4,590 tỉ đồng từ vốn ngân sách nhà nước... Nhìn chung, trà lúa tại địa phương đang phát triển tốt, ít dịch hại. Hiện ngành nông nghiệp huyện cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên thăm đồng, hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc lúa, bảo vệ đê bao phòng tránh lũ...”.

Vụ lúa thu đông năm nay, toàn huyện Vĩnh Thạnh xuống giống trên 20.000ha. Theo bà con nông dân ở huyện Vĩnh Thạnh, đến thời điểm này nước lên ruộng đã cao so với năm trước. Hiện bà con đang tăng cường bảo vệ đê bao, phòng tránh sạt lở, gây thiệt hại lúa.

Phòng tránh

  Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa xuất hiện nhiều kèm giông và lốc xoáy, mực nước nội đồng có chiều hướng dâng cao do thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường, các địa phương cần kiểm tra và gia cố đê bao cho những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng lũ sớm, chủ động tiêu nước chống úng để bảo vệ lúa thu đông, hoa màu và vườn cây ăn trái… Đặc biệt, các địa phương thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ đã nêu trên”.  

Theo Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước lũ cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu ngày 10-8 đạt mức 3,537m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,93m. Hiện nước lũ tiếp tục lên cao, các địa phương cần đề phòng, bảo vệ đê bao, ruộng lúa, vườn cây ăn trái…

Để bảo vệ lúa thu đông 2018, đề phòng thiệt hại do ngập lụt cuối vụ, hạn chế lây lan và gây hại của các đối tượng dịch hại, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ yêu cầu ngành nông nghiệp các quận, huyện và bà con nông dân tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống đê bao, tăng cường gia cố, tôn cao các đê bao, bờ bao thấp, yếu, có nguy cơ xảy ra tràn, sạt lở; đánh giá cụ thể khả năng chống chịu khi bị ảnh hưởng của ngập lũ để có phương án bố trí sản xuất phù hợp. Đối với vùng chuẩn bị xuống giống mới tại 2 xã Thạnh Lợi và Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh) có khoảng 350 ha chuẩn bị tiếp tục xuống giống, ngành nông nghiệp địa phương cần có biện pháp chỉ đạo ngưng xuống giống vì đây là vùng có khả năng bị ảnh hưởng lũ vào cuối vụ.

Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ cũng yêu cầu các sở ngành chức năng, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, UBND các quận, huyện cần lưu ý và thực hiện các việc như: tiếp tục gia cố đê bao, thực hiện bơm tát rút nước để đảm bảo sản xuất an toàn vụ lúa thu đông 2018; quan tâm chỉ đạo và khuyến cáo các bậc cha mẹ tăng cường quản lý con em, không để xảy ra tai nạn té sông đuối nước; kiểm tra và chấn chỉnh sai phạm của các bến đò ngang, đò dọc... Đặc biệt, thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp quan tâm thực hiện công tác PCTT-TKCN tại đơn vị, địa bàn quản lý. Nhất là quan tâm đến tình hình học tập, đến trường của học sinh vùng sâu, vùng bị ngập sâu để tổ chức đưa rước con em đến trường, tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra; hỗ trợ khắc phục khó khăn cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn bị thiệt hại thiên tai; tổ chức điểm giữ trẻ mùa lũ tại các quận, huyện đầu nguồn; kiểm tra và kịp thời khắc phục các tuyến đường giao thông bị hư hỏng do lũ, triều cường; tổ chức trực ban 24/24 giờ trong các đợt triều cường, lũ, bão để theo dõi, nắm bắt tình hình thiên tai nhằm ứng cứu kịp thời khi sự cố xấu xảy ra...

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết