31/05/2008 - 09:12

An toàn để trẻ em sống và phát triển

Đó là chủ đề trong Tháng Hành động vì trẻ em năm 2008 (từ 15-5 đến 30-6-2008). Tuy nhiên, nhiều người không khỏi đau lòng khi các phương tiện truyền thông liên tiếp đưa tin về học sinh bị chết đuối vào những ngày qua: hôm 27-5, ở thành phố Sóc Trăng, 3 học sinh chết đuối khi đi tắm kênh nội đồng; trước đó là các vụ chết đuối của 8 học sinh lớp 5, lớp 7, lớp 9 ở Hà Tĩnh vào các ngày 23 và 25-5. Tính chung, từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 5 có 37 em tử vong vì chết đuối (theo VnExpress ngày 26-5).

Thống kê ban đầu của Cục Phòng, chống thiên tai cho thấy trung bình hàng năm mỗi tỉnh có từ 7-25 em bị chết đuối, đặc biệt có tỉnh số trẻ em chết đuối rất cao (80 em/năm). Còn theo Bộ Y tế, trung bình mỗi ngày ở nước ta có khoảng 10 trẻ em (từ 0-19 tuổi) bị chết đuối, cao gấp 10 lần so với các nước phát triển và vẫn đang có xu hướng tăng. Số trẻ tử vong do chết đuối trong hai năm 2005-2006 trên toàn quốc hơn 7.200 em. Chết đuối được xếp “thứ hai” với tỷ suất 22,6%, chỉ sau tai nạn giao thông là 26,7% trong việc cướp đi tính mạng của trẻ em.

Đây là một tín hiệu đáng báo động về tình trạng mất an toàn đối với trẻ em đang gia tăng-nhất là trong thời điểm học sinh đang bước vào mùa nghỉ hè, ít chịu sự quản lý của nhà trường. Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh, vì mải lo làm việc, công tác ít có điều kiện quan tâm chăm sóc các trẻ nhỏ.

Trước tình hình trên, nhấn mạnh đến tính cấp bách của việc bảo vệ trẻ em an toàn, ngày 23-5 vừa qua, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB& XH) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp tổ chức lễ phát động chiến dịch Phòng, chống đuối nước (chết đuối) trẻ em 2008. Điều này cho thấy các ngành hữu quan đã thể hiện một quyết tâm mạnh mẽ hơn, bức thiết hơn nhằm kêu gọi các ngành, các cấp, các địa phương, gia đình, nhà trường và xã hội tăng cường các hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Theo các quan chức của Bộ LĐ-TB& XH, bên cạnh việc nâng cao nhận thức về trách nhiệm của xã hội trong việc phòng chống xâm hại, ngược đãi và bạo hành trẻ em, vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay là cần tăng cường công tác truyền thông phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng chống chết đuối cho trẻ em trong dịp hè.

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế Quyền Trẻ em vào năm 1990. Việc bảo vệ quyền trẻ em được giáo dục, được sống và phát triển... được nhiều tổ chức quốc tế quan tâm. Đại diện của UNICEF tại Việt Nam gần đây cũng đã khuyến cáo, chết đuối là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tử vong ở trẻ em Việt Nam. Việc rào ao, hồ, làm nắp đậy giếng nước chắc chắn, lu nước trong gia đình... là những công việc quan trọng cần thực hiện ngay. Việt Nam cũng nên thúc đẩy chương trình học bơi cho trẻ em. Các chuyên gia còn lưu ý, nguyên nhân xảy ra các tai nạn chết đuối xuất phát từ môi trường không an toàn, các cơ quan chức năng chưa thực thi tốt nhiệm vụ, nhận thức của người dân về bảo vệ trẻ em còn hạn chế, người lớn chưa giám sát trẻ chặt chẽ và nhiều trẻ không biết bơi. Ngoài ra, ở nhiều địa phương, một số bậc phụ huynh coi việc trẻ em đi tắm ở sông, suối, ao hồ là một hoạt động vui chơi trong dịp hè nên đã để nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Được biết, Bộ LĐ-TB & XH đã có công văn gởi UBND các tỉnh thành về việc phối hợp triển khai chương trình phổ cập bơi, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Theo đó, tuyên truyền xây dựng “Ngôi nhà an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, đảm bảo an toàn khi đi qua vùng sông nước và trong mùa lũ; đẩy mạnh trách nhiệm của từng gia đình trong việc quan tâm, quản lý, cho trẻ tham gia vào các lớp học bơi.

ĐBSCL với mạng lưới kênh rạch chằng chịt luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây trẻ em chết đuối khi đi tắm sông, ao, hồ..., nhất là trong mùa lũ. Trong khi đó, tại TP Cần Thơ cũng như nhiều tỉnh ở ĐBSCL, các điểm vui chơi dành cho trẻ em trong dịp hè chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn các điểm học bơi trong nội ô thành phố cũng không nhiều. Làm sao để quản lý tốt trẻ em, học sinh trong dịp hè là “bài toán” rất cần được xã hội chung tay làm ngay!

Để hưởng ứng tích cực các hoạt động được Bộ LĐ-TB& XH đề ra trong việc phòng chống chết đuối ở trẻ em, thiết nghĩ chính quyền địa phương cùng các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, cơ quan đặc trách công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, các doanh nghiệp... cần chủ động hợp tác, liên kết tạo ra môi trường vui chơi an toàn cho trẻ em bằng nhiều hình thức đa dạng, mở nhiều lớp học bơi để các em tham gia. Để hạn chế tối đa tai nạn chết đuối xảy ra, trước hết chính các bậc cha mẹ phải hết sức nâng cao ý thức quản lý, chăm sóc con em mình, nhất là trong những tháng hè, trong mùa lũ. Tổ chức dạy bơi cho trẻ là một biện pháp giúp trẻ chủ động thoát hiểm khi gặp những sự cố không may...

TÂN TÂN

Chia sẻ bài viết