27/01/2011 - 21:21

Ăn Tết xa quê

Sau một năm xa quê, sinh viên nào cũng muốn sum họp cùng người thân trong ba ngày Tết. Tuy nhiên, đa phần do hoàn cảnh khó khăn, phải tranh thủ làm thêm để có tiền trang trải việc học, nên một số sinh viên đành ăn Tết xa nhà...

Đàm Thị Mơ, sinh viên Lớp sư phạm Địa lý K.35, Trường Đại học Cần Thơ, quê ở tỉnh Hải Dương, cho biết đây là năm thứ hai Mơ ăn Tết xa nhà. Cha mất sớm, một mình mẹ làm quần quật với 4 sào ruộng do ông bà nội cho để nuôi hai chị em Mơ khôn lớn. Khó khăn càng chồng chất khi Mơ vào đại học vì gia đình không thể chu cấp hằng tháng. Để có tiền trang trải, ngoài giờ học, Mơ nhận dạy kèm với mức lương 1,1 triệu đồng/ tháng. Sau Tết năm nay, lớp của Mơ sẽ có một chuyến đi thực tế ngoài trường nên Mơ ở lại phụ bán quán cơm để kiếm tiền làm lộ phí. Mơ tâm sự: “ Hồi ở quê, Tết nào mấy mẹ con cũng đi chùa rồi về nhà nội chơi. Không về quê ăn Tết em buồn và nhớ mẹ lắm nhưng hoàn cảnh khó khăn thế này chắc là xong 4 năm đại học em mới về quê”. Giọng Mơ đượm buồn, đôi mắt đăm chiêu nhìn về phía hành lang ký túc xá. Một tuần nữa dãy B2 này có thể chỉ còn một mình Mơ ở lại...

Không khí vui tươi trong tiệc tất niên tại nhà trọ Kim Oanh (hẻm 232 đường 30-4). 

Lương Ngọc Phi, sinh viên lớp Sư phạm Vật lý-Công nghệ K.35, Đại học Cần Thơ, năm nay cũng không có điều kiện về quê ở Vũng Tàu để ăn Tết. Ba mẹ Phi ở quê hằng ngày đi bán vé số kiếm sống, gia cảnh rất khó khăn. Để có tiền ăn học, ban đêm Phi đi dạy kèm, ban ngày thì phụ bán tạp hóa trong ký túc xá. Tết năm rồi Phi phụ bán dưa hấu trên đường Lý Tự Trọng với tiền công 100.000 đồng/ngày. Từ mùng 1 Tết thì phụ bán cà phê cho đến khi nhập học trở lại. Phi cho biết: “Em tự lập từ nhỏ nên cũng quen rồi. Đi làm, gặp trò chuyện với khách hàng cũng vui, về ký túc xá thì có mấy anh bảo vệ bầu bạn nên cũng đỡ buồn trong ba ngày Tết. Em chỉ thấy ray rứt là Tết không về quê thăm hỏi sức khỏe của ba mẹ, thầy cô!”. “Kế hoạch” Tết năm nay của Phi cũng dày kín: Phụ bán dưa hấu tới giao thừa, sau đó phụ bán nem nướng... để dành dụm tiền qua Tết chi tiêu.

Quách Văn Diễn, sinh viên lớp Luật Tư pháp 2 K.36, Đại học Cần Thơ, thì cho biết: “ Gia đình không đến nỗi thiếu thốn lắm nhưng nghĩ đến ba má cao tuổi rồi mà cứ vất vả lo cho em, em thấy thương ba má quá. Tết năm nay em quyết ở lại làm thêm để kiếm tiền trang trải phần nào chi phí học tập. Phòng em còn một anh nữa cũng ở lại làm thêm nên chắc không buồn như những bạn khác!”. Diễn đang liên hệ với trung tâm giới thiệu việc làm để tìm công việc phù hợp đến ngày mùng 4 tết. Sau đó, em mới về quê chơi vài ngày trước khi trường bắt đầu nhập học lại. N.V.T (quê Cà Mau) đang luyện thi vào Đại học Y Dược Cần Thơ cũng quyết định Tết này ở lại chỗ trọ đi làm thêm và cố gắng ôn luyện để vào đại học. Tết năm rồi, T. phụ việc ở một nhà hàng dưới bến Ninh Kiều, nên năm nay em không phải lo lắng chuyện tìm việc cuối năm. T. tâm sự: “Tết chỉ còn một mình em ở nhà trọ cũng tủi thân lắm. Giao thừa năm nào mẹ em cũng điện lên động viên nên em càng phải cố gắng!”.

Thấu hiểu hoàn cảnh của những học sinh-sinh viên phải ăn Tết xa quê, nhiều chủ nhà trọ thường tổ chức tiệc tất niên tại nhà trọ. Bác Phạm Thị Oanh, chủ nhà trọ Kim Oanh (hẻm 232 đường 30-4), cho biết: “Mỗi năm bác đều tổ chức liên hoan cuối năm nhằm tạo không khí vui vẻ, gắn bó giữa các cháu sinh viên với nhau, cũng nhằm an ủi, động viên các cháu không có điều kiện về quê ăn Tết cùng gia đình!”. Hơn 10 năm nay, Phòng Công tác Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ vẫn đều đặn tổ chức vui Tết cho những sinh viên không về quê. Trước Tết khoảng một tháng, các thầy cô đã thông báo cho các bạn làm đơn xin ở lại ký túc xá. Thầy Vũ Viết Châu, Phó Trưởng phòng Công tác Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “ Hằng năm có khá nhiều sinh viên ở lại ký túc xá trường. Có em bận làm luận văn, đồ án nhưng cũng có em vì kinh tế khó khăn nên tranh thủ kiếm tiền trong những ngày nghỉ Tết. Vì thế, năm nào chúng tôi cũng tổ chức một buổi liên hoan tất niên vào đêm 30 Tết và tặng mỗi em một phần quà trị giá 200.000 đồng, với mong muốn chia sẻ, động viên các em vượt qua khó khăn để học hành thật tốt!”

Bài, ảnh: VĂN TRUNG

Chia sẻ bài viết