15/10/2010 - 21:52

Ngày lương thực thế giới 16-10

An ninh lương thực nhìn từ vựa lúa ĐBSCL

Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) khuyến cáo, với tình trạng đất canh tác nông nghiệp giảm như hiện nay, trong tương lai sản xuất lương thực phải tăng 75% mới có thể cung cấp đủ lương thực cho 9 tỉ người vào năm 2050. Do vậy, chủ đề chính nhân kỷ niệm 30 năm ngày Lương thực Thế giới (16/10/1980 - 16/10/2010) FAO chọn là “Chung tay chống đói nghèo” được thực hiện ở mọi quốc gia, cấp khu vực và quốc tế. Mục tiêu, đến năm 2015 số người bị thiếu đói trên toàn thế giới sẽ giảm xuống còn một nửa. Trong cuộc chiến chống đói nghèo thế giới, vai trò của vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)- Việt Nam rất quan trọng.

Vai trò của vựa lúa

ĐBCSL với diện tích tự nhiên gần 4 triệu ha, trong dó khoảng 1,7 triệu ha trồng lúa. Năm 1990, ĐBSCL sản xuất được 11 triệu tấn lúa, năm 1999, sản lượng này tăng lên xấp xỉ 17 triệu tấn (diện tích gieo trồng khoảng 3,9 triệu ha/năm). Năm 2009, sản lượng này tăng lên 20,6 triệu tấn cũng với diện tích 3,9 triệu ha/năm. Có thể nói, các nhà khoa học Việt Nam đã có những công trình nghiên cứu các bộ giống chống chịu phèn, mặn, giống ngắn ngày cùng với sự tiến bộ vượt bậc của nông dân trong canh tác đã gia tăng sản lượng lúa toàn vùng. ĐBSCL không chỉ đảm bảo vai trò an ninh lương thực quốc gia (chiếm 57% sản lượng lúa và trên 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước) mà còn là “bát cơm châu Á” với vị trí thứ 2 về xuất khẩu trên thế giới.

 Gạo Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí trên thị trường thế giới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng, dù gặp rất nhiều khó khăn như: hạn hán, thiên tai, dịch bệnh, giá xăng dầu, phân bón thế giới tăng liên tục tác động đến sản xuất nông nghiệp nhưng sản lượng lương thực đã đáp ứng cơ bản nhu cầu lương thực, thực phẩm trong nước và cho xuất khẩu. Dự kiến tổng sản lượng lúa cả nước năm 2010 đạt 39,2 triệu tấn, sau khi cân đối nhu cầu tiêu dùng, dự trữ lương thực trong nước khoảng 27,6 triệu tấn, vẫn đủ khả năng xuất khẩu 6,4 triệu tấn gạo. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến thượng tuần tháng 10-2010, các doanh nghiệp đã xuất khẩu 5,44 triệu tấn, giá trị 2,3 tỉ USD. VFA cũng vừa nâng giá sàn xuất khẩu gạo 25% tấm thêm 10 USD lên mức 445 USD/tấn, gạo 5% giữ nguyên mức 475 USD/tấn. Hiện giá gạo Việt Nam đang tiến sát gạo Thái Lan, chứng tỏ sự cạnh tranh trên thị trường của gạo Việt Nam đang gia tăng.

Từ năm 2005, xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường ASEAN đã vượt qua Thái Lan và hiện chiếm 59,9% thị phần khu vực Đông Nam Á, so với 39,6% của Thái Lan do làm tốt chính sách tăng sản lượng và tiếp thị rõ ràng. Theo nguồn tin của FAO, xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2010 có khả năng đạt 10 triệu tấn, Việt Nam khoảng 6-7 triệu tấn. Còn theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu thương mại quốc tế (CITS) thuộc Trường Đại học Thai Chamber of Commerce (Thái Lan), xuất khẩu gạo Việt Nam dự kiến sẽ tăng 25% và đạt trung bình 7,5 triệu tấn/năm trong thời gian tới; trong khi Thái Lan sẽ giảm 15% so với năm 2010 và đạt khoảng 8,6 triệu tấn/năm. Mặc dù diện tích canh tác lúa trong 5 năm gần đây của cả nước có xu hướng giảm, nhưng sản lượng vẫn liên tục gia tăng, chứng tỏ sự cạnh tranh của ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng cao trên thị trường thế giới.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: “Hiện nay, vấn đề an ninh lương thực và giải quyết tình trạng thiếu đói trên thế giới ngày càng cấp bách ở các quốc gia. Mấy năm qua, được sự chỉ đạo đúng đắn của Bộ NN&PTNT, sản lượng lúa gạo ngày một gia tăng. Theo mục tiêu đề ra của ngành nông nghiệp, đến năm 2015 sản lượng lúa cả nước sẽ đạt 40 triệu tấn. Nhưng năm 2010, sản lượng lúa đã tiến sát con số 40 triệu tấn là tín hiệu tích cực và đáng mừng. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, do vậy rất cần giải pháp đồng bộ cho hiện tại và tương lai, mới có thể đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, thế giới”. Tiến sĩ Bảnh cho rằng, các nước châu Phi, rất cần các cơ quan chức năng quốc gia, tổ chức thế giới cùng gánh vác cho cuộc chiến chống đói nghèo. Còn tại Việt Nam, 4- 5 năm nay, sản xuất nông nghiệp luôn trúng mùa, sản lượng lúa năm sau cao hơn năm trước khoảng 1 triệu tấn, nhưng trong hiện tại và tương lai, sản xuất này không thuận lợi như trước nữa. Do tình trạng xâm nhập mặn, khô hạn sẽ ngày một tăng, tác động đến năng suất và sản lượng, nếu không có giải pháp từ bây giờ. Vai trò an ninh lương thực của vùng ĐBSCL cho cả nước và thế giới sẽ bị tác động rất lớn.

Và cuộc chiến chống đói nghèo

Theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, sản xuất lúa đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Đặc biệt năm nay, lũ nhỏ, nếu tình trạng này kéo dài, lượng phù sa bồi đắp cho vùng ĐBSCL sẽ giảm. Viện lúa đã đưa ra nhiều bộ giống chống chịu sâu bệnh, mặn, hạn... nhưng nếu lượng màu mỡ của đất giảm sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất lúa và về lâu dài, rất cần giải pháp canh tác phù hợp. Đặc biệt vụ đông xuân 2010- 2011, do đỉnh lũ thấp, giá lúa lại đang ở mức cao, nông dân có khả năng xuống giống sớm để tranh thủ thời cơ. Nhưng hệ hụy là lũ nhỏ, sẽ gây khô hạn đầu vụ, do vậy, các địa phương vùng ĐBSCL phải tuân thủ lịch thời vụ do Bộ NN&PTNT khuyến cáo, gieo sạ đồng loạt, né rầy, chống hạn mặn mới đảm bảo năng suất. Vùng ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mà còn cho cả thế giới. Trong khi vụ lúa đông xuân là vụ lúa quyết định sản lượng cả năm, nếu thắng lợi vụ đông xuân thì vai trò an ninh lương thực cho quốc gia và mang về ngoại tệ từ xuất khẩu mới đảm bảo.

Năm 2009, theo đại diện của Tổ chức FAO, số người thiếu đói năm 2009 đã đạt ngưỡng 1 tỉ người, cao nhất từ trước đến nay. Vấn nạn này được lý giải do thiên tai dịch bệnh hoành hành và khủng hoảng tài chính khiến giá lương thực thế giới tăng vọt. FAO khuyến cáo, trong tương lai sản xuất lương thực phải tăng 75% mới có thể cung cấp đủ lương thực cho 9 tỉ người vào năm 2050. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm 2010, tổng cung gạo thế giới ước đạt 562,66 triệu tấn, tăng 5,11 triệu tấn (0,92%) so với năm 2009, tổng cầu gạo thế giới vào khoảng 472,36 triệu tấn, tăng 5,51 triệu tấn (1,18%) so với 2009. Tổng lượng gạo xuất khẩu thế giới năm 2010 đạt 29,756 triệu tấn tăng 0,61 triệu tấn (2,09%) so với 2009. Theo báo cáo này, tình hình cung- cầu gạo thế giới vẫn rất khả quan, dù thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Thêm vào đó, trong 6 tháng đầu năm, giá gạo thế giới gần như chạm đáy, xuất khẩu trì trệ, do một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ cũng tăng dự trữ gạo trong năm nay để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đồng thời, một số nước nhập khẩu cũng tăng cường đầu tư mở rộng diện tích canh tác lúa nước, lúa mì nhằm tăng khả năng tự chủ lương thực quốc gia. Đây là những động thái tích cực của thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết