20/08/2017 - 17:32

An ninh lương thực nhìn từ góc độ thích ứng với biến đổi khí hậu 

Trong khuôn khổ “Tuần lễ An ninh lương thực (ANLT) và Đối thoại chính sách cao cấp về ANLT và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)” diễn ra tại TP Cần Thơ, Hội thảo “Xây dựng hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thích ứng - Tiếp cận liên ngành sử dụng thông tin khí hậu phục vụ an ninh lương thực bền vững” đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC. 

Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp đến 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Trong ảnh: Vận chuyển lúa từ vùng nguyên liệu về nhà máy. Ảnh: MINH HUYỀN

Với sự chủ trì của Trung tâm Khí hậu APEC (PPSTI), hội thảo đã thu thập thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và tổng hợp các kiến nghị chính sách liên quan đến vấn đề đảm bảo an ninh lương thực của các nền kinh tế thành viên APEC.

Thách thức biến đổi khí hậu và tăng dân số

Khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, khẳng định: “Năm APEC 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Trong đó tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH là một trong những ưu tiên. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương cung ứng 55% sản lượng nông sản của thế giới. Lẽ đó, việc đảm bảo an ninh lương thực là mục tiêu quan trọng trong giai đoạn từ nay đến năm 2050. An ninh lương thực gắn với nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giúp các nền kinh tế APEC ứng phó hiệu quả hơn các tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu”.

Tuyên bố về an ninh lương thực của APEC vào các năm 2010, 2012, 2014 và 2016 luôn nhấn mạnh sự cần thiết giảm thất thoát và lãng phí lương thực để hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững và đảm bảo an ninh lương thực của các nền kinh tế APEC. Một trong những mục tiêu của Lộ trình an ninh lương thực mà APEC hướng tới năm 2020 là giảm 10% thất thoát và lãng phí lương thực so với mức thất thoát năm 2011-2012.

Trong nhiều thập kỷ qua, việc đảm bảo an ninh lương thực và giảm đói nghèo vẫn đang gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt ở các nước đang phát triển. APEC bao gồm các nền kinh tế có nền nông nghiệp phát triển và đang phát triển, là khu vực có điều kiện thuận lợi để hình thành chuỗi liên kết và chuỗi giá trị sản xuất vùng và khu vực.

Tuy nhiên, sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực, công nghệ và thị trường đang tạo ra các rào cản đối với việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất vùng và khu vực.

Ông Hong-Sang Jung, Giám đốc điều hành Trung tâm Khí hậu APEC, chia sẻ: Biến đổi khí hậu đã và đang tác động đến an ninh lương thực và cuộc sống của người dân trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế của khu vực. Do đó, cần phải đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh BĐKH để thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế APEC. Cần ứng dụng thông tin nghiên cứu để giảm thiểu những tổn thương ảnh hưởng đến an ninh lương thực trong ngắn hạn và dài hạn.

Chú trọng phát triển nông nghiệp thông minh

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: Sản xuất nông nghiệp rất “nhạy cảm” với thời tiết. TP Cần Thơ nói riêng và các tỉnh, thành của Việt Nam đang nỗ lực xây dựng và phát triển nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững theo chuỗi giá trị quy mô lớn và tăng trưởng xanh. Đồng thời chú trọng xây dựng hệ thống kết nối, tiêu thụ sản phẩm an toàn, chất lượng gắn với bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tình trạng đất nông nghiệp suy giảm cả về diện tích lẫn độ phì nhiêu, nguồn nước cho nông nghiệp trở nên khan hiếm hơn và đặc biệt là tác động tiêu cực của BĐKH ngày càng gay gắt là những thách thức lớn cho việc đảm bảo an ninh lương thực cho khoảng 7,5 tỉ người trên thế giới. Việc tổng hợp và thu thập thông tin về khí hậu sẽ giúp các cơ quan nghiên cứu về phân tích cũng như dự báo những tác động của thời tiết và khí hậu đến hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Các chuyên gia đến từ Hàn Quốc đề xuất cần có sự tham gia của tư nhân để xây dựng những trang trại thông minh trang bị hệ thống các thiết bị cảnh báo về biến đổi khí hậu để hỗ trợ cho quá trình canh tác. Trang trại này sẽ được điều khiển bằng điện thoại thông minh nhằm điều chỉnh mực nước, lượng nước tưới tiêu, phân bón… trong suốt quá trình canh tác.

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực của Việt Nam với 3 trụ cột chính là lúa gạo, thủy sản và trái cây. 
Trong ảnh: Thu hoạch chuối xuất khẩu tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. 

Theo Giáo sư Kyeong Hwan Lee (Trường Đại học Quốc gia Chonnam-Hàn Quốc, dân số thế giới dự báo sẽ tăng lên 9,6 tỉ người vào năm 2050 và nhu cầu về lương thực ước tính sẽ tăng hơn 70%. Để đảm bảo an ninh lương thực đòi hỏi phải xây dựng hệ thống sản xuất nông nghiệp thông minh dựa trên các thông tin về khí hậu, mùa vụ và đồng ruộng. Sử dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ số vào sản xuất. Các chuyên gia có thể chụp ảnh đồng ruộng thông qua vệ tinh và sử dụng ảnh vệ tinh để phân tích từ khâu làm đất, gieo sạ, phân tích từng giai đoạn phát triển của cây trồng, tính toán năng suất và dự báo các tình huống liên quan đến quá trình canh tác.

Tiến sĩ Trần Đại Nghĩa Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Kinh tế Tài nguyên và môi trường (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ NN&PTNT Việt Nam), chia sẻ: Việt Nam có hơn 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD/năm. Tiếp cận chuỗi giá trị ở Việt Nam cho thấy, diện tích canh tác của người dân có quy mô nhỏ, nếu không tập hợp lại sẽ không tạo thành chuỗi sản xuất hàng hóa lớn. Cách tiếp cận theo chuỗi giá trị là làm thế nào để tận dụng tối đa từng khâu, từng công đoạn trong chuỗi để vừa nâng cao khả năng thích ứng của cả chuỗi, đồng thời vẫn đảm bảo sinh kế và thu nhập cho các thành tố trong chuỗi.

 Nhiều đại biểu cho rằng, các nền kinh tế APEC phải xây dựng hệ thống sản xuất và cung ứng thực phẩm thông minh để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu gắn với tăng trưởng bền vững. Trong bối cảnh dân số gia tăng, để giảm nghèo đói và thúc đẩy phát triển bền vững cũng đặt ra yêu cầu phải cắt giảm lãng phí thực phẩm; chú trọng tiêu thụ sản phẩm vùng miền sẵn có. Thúc đẩy đa dạng về nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững gắn đảm bảo cân bằng trong phân phối lương thực trên thế giới.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết