02/08/2017 - 10:57

Ấn, Nhật bắt tay đối phó OBOR của Trung Quốc

Trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng chính trị và kinh tế ở khu vực Âu-Á và châu Phi thông qua sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (OBOR), Ấn Độ và Nhật Bản hợp tác phát triển một dự án chung được xem là “Con đường Tơ lụa” khác.

Chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc tổ chức diễn đàn quốc tế OBOR tại Thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại cuộc họp của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) ở bang Gujarat đã khởi động một sáng kiến gọi là Hành lang Tăng trưởng Á-Phi (AAGC), vốn được định hình trong cuộc gặp giữa ông và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi tháng 11-2016 và được Tokyo cam kết hỗ trợ 200 tỉ USD, nhằm chống lại tham vọng quốc tế của Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) tiếp người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi tại Tokyo hồi tháng 11-2016. Ảnh: AljazeeraThủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) tiếp người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi tại Tokyo hồi tháng 11-2016. Ảnh: Aljazeera

Mục tiêu của AAGC là nhằm hội nhập tốt hơn các nền kinh tế của Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á với châu Đại dương và châu Phi, tăng cường phát triển và kết nối giữa châu Á và châu Phi. Ý tưởng này là nhằm tạo ra một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng mở và tự do bằng cách khám phá lại các tuyến đường biển cổ đại và hình thành các hành lang biển mới.

Theo tạp chí Forbes, một trong những mục tiêu chính của AAGC là làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi, nơi được cho sẽ là mặt trận phát triển tiếp theo khi mà nền kinh tế của nhiều nước tại đây đang tăng trưởng ở mức từ 7-10%/năm, từ đó Ấn Độ và Nhật Bản mới có thể có tiếng nói lớn hơn. Từ lâu, Trung Quốc đã hoạt động rất tích cực tại khu vực này, với kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng khoảng 20 %/năm kể từ năm 2000 và đạt mức 188 tỉ USD vào năm 2015. Hiện có khoảng 10.000 doanh nghiệp Trung Quốc đang làm ăn tại lục địa đen.

Như vậy, AAGC được đưa ra là nhằm đối phó với OBOR? “AAGC và OBOR là hoàn toàn khác nhau. Trước khi có OBOR, Ấn Độ và Nhật Bản đã làm việc riêng lẻ ở châu Phi và đã bàn luận với nhau về châu Phi. Cả hai nước đều cảm thấy rằng bằng cách tăng cường hợp tác với châu Phi, hai nước mới có thể giúp đỡ lẫn nhau và châu Phi. Chúng tôi đang phát triển AAGC theo cách riêng và với tốc độ riêng của chúng tôi” - Rajiv Bhatia, cựu cao ủy Ấn Độ tại Nam Phi và Kenya, phân trần.

Ngoài dự án chung với Nhật Bản nói trên, hiện Ấn Độ đang hợp tác với  Nga và Iran phát triển Hành lang Giao thông Bắc-Nam - tuyến đường đa phương tiện nối bờ biển phía Tây Ấn Độ với thành phố St Petersburg của Nga. New Delhi ngoài ra còn có chính sách Liên kết Trung Á, chính sách Hành động hướng Đông, một loạt các dự án đường bộ và đường sắt mới mở rộng khắp Nam Á và Đông Nam Á, cũng như các dự án phát triển cảng biển tại Chabahar (Iran), Paira (Bangladesh) và Trincomalee (Sri Lanka).

Trong khi đó, Nhật Bản trong nhiều thập kỷ qua đảm trách nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực Âu-Á, xây dựng đường sá, hệ thống tàu điện ngầm và cảng biển trên khắp khu vực thông qua sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và gần đây hơn là Sáng kiến ​​Cơ sở hạ tầng của Nhật Bản.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết