22/04/2018 - 09:15

Ấn Độ với vấn nạn học sinh trượt đại học tự sát 

Trên khắp Ấn Độ, hàng ngàn học sinh đang đổ đến thành phố Kota để luyện thi với hy vọng có thể được trúng tuyển vào một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu nước này. Và đối với một số người, áp lực để đạt được thành công là quá lớn.

Học sinh Ấn Độ tham gia một lớp luyện thi đại học ở Kota. Ảnh: Wired

Đa phần học sinh Ấn Độ đều muốn trở thành sinh viên của một trong những viện công nghệ có uy tín của Ấn Độ (IIT), viện y tế hay các trường kinh doanh. Họ mơ ước trở thành những kỹ sư, nha sĩ hoặc bác sĩ. Nhưng với chỉ 23 IIT tại một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới trong khi các trường đại học y khoa và nha khoa lại quá tải, sự cạnh trạnh vào các IIT càng trở nên gay gắt. Do đó, để chuẩn bị cho giấc mơ trở thành sinh viên, học sinh từ khắp Ấn Độ đổ xô về thành phố Kota – nơi được mệnh danh là “lò luyện thi” của Ấn Độ, chịu cảnh sống xa nhà nhiều tháng thậm chí nhiều năm để “dùi mài kinh sử” với hy vọng sớm ngày vinh quang. Tại Kota, học sinh thường ghi danh luyện thi tại các lò luyện thi dân lập. Trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, các em tham gia luyện thi tại đây phải sống một mình trong các phòng trọ tồi tàn, bị nhồi nhét trong các lớp luyện thi với hy vọng có được tương lai tươi sáng.

Tuy nhiên, hầu hết học sinh đến Kota luyện thi đều nhận về kết quả không như mong đợi. Và đối với một số người, việc trượt đại học có thể gây ảnh hưởng tâm lý, thậm chí khiến họ tự tử. Trong những năm gần đây, Kota đã chứng kiến một loạt các vụ học sinh tự tử sau khi trượt đại học. Chỉ trong khoảng thời gian từ đầu năm 2014 đến tháng 11-2017, 45 học sinh luyện thi ở Kota đã tự sát. Còn từ đầu năm 2018 cho đến nay, ít nhất 3 học sinh khác đã tự kết liễu đời mình. Trong đó, một số cái chết là kết quả của việc treo cổ trên quạt trần. Song, phương pháp tự tử này không chỉ phổ biến ở Kota. Theo số liệu thống kê của Cục tội phạm quốc gia Ấn Độ hồi năm 2015, treo cổ chiếm 45,6% tổng số vụ tự tử ở nước này.

Do đó, nhiều giải pháp chống học sinh tự tử đã được đưa ra. Trong đó, đáng ghi nhận là sáng kiến chế tạo chiếc quạt trần thông minh của kỹ sư Sharad Ashani. Theo tờ Wired, Ashani đã tạo ra một chiếc quạt thông minh sau cái chết của người mẫu Ấn Độ Nafisa Joseph trong 2004. “Người ta thường dùng quạt trần để tự tử. Vì vậy, tôi phát minh ra một ống quạt chống tự tử. Ống quạt này được kèm theo một cơ chế. Khi một trọng lượng hơn 20kg gắn vào quạt, lò xo của nó sẽ tháo ra, cơ thể người treo trên quạt từ từ được hạ xuống đất một cách an toàn” – Ashani nói. Đến nay, Ashani đã thành công trong việc thuyết phục Hiệp hội nhà trọ Kota, với khoảng 2.000 nhà trọ trên khắp thành phố này, lắp đặt quạt thông minh do anh sáng chế. Hiện, Ashani đang tìm kiếm sự hỗ trợ của một tổ chức phi chính phủ để anh có thể mở rộng kế hoạch phát triển quạt thông minh của mình.

Chiếc quạt thông minh do Ashani chế tạo không phải là công nghệ duy nhất được sử dụng cứu mạng sống học sinh. Trước tình trạng học sinh tự tử ở mức báo động, giới chức Kota đã cho lắp đặt máy quét sinh trắc học ở các nhà trọ cũng như thiết lập một đường dây nóng để những học sinh hay lo lắng gọi vào. “Khoảng 500-600 nhà trọ đã được lắp đặt máy sinh trắc học. Khi học sinh ra và vào nhà trọ, một tin nhắn sẽ được gửi đến cha mẹ của chúng. Điều này rất tốt cho cả học sinh và phụ huynh. Cha mẹ học sinh từ đó cũng bớt lo lắng hơn” - Manish Jain thuộc Hiệp hội nhà trọ Kota cho biết.

TRÍ VĂN (Theo Wired)

Chia sẻ bài viết