15/03/2018 - 07:42

Ấn Độ phát triển năng lượng tái tạo 

Dưới thời Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã nhanh chóng chuyển sang phát triển năng lượng tái tạo. Vào năm 2014, thời điểm ông Modi nhậm chức, Ấn Độ chỉ sản xuất 3 GW điện Mặt trời nhưng đến cuối năm 2017, con số đó đã là 20 GW, theo số liệu thống kê của công ty tư vấn năng lượng Bridge.

Ấn Độ dự định sản xuất tổng cộng 100 GW điện Mặt trời vào năm 2022 – một mục tiêu từng được coi là quá tham vọng, nhưng giới chuyên gia cho rằng New Delhi có thể đạt được khi mà tiến độ sản xuất điện Mặt trời của nước này đang diễn ra một cách nhanh chóng. Theo đó, chỉ riêng trong năm 2017, Ấn Độ đã sản xuất gấp đôi lượng điện Mặt trời, từ 10 GW lên 20 GW. “Ấn Độ sẽ duy trì và thúc đẩy đà tăng trưởng này. Ấn Độ sẽ trở thành nhà sản xuất điện Mặt trời lớn thứ hai thế giới trong vòng 1 hoặc 2 năm tới” - Tim Buckley, chuyên gia tại Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng (IEEFA), nhận định.

Thủ tướng Ấn Độ Modi và Tổng thống Pháp Macron (hàng trên) tại Hội nghị ISA hôm 11-3. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Ấn Độ Modi và Tổng thống Pháp Macron (hàng trên) tại Hội nghị ISA hôm 11-3. Ảnh: Reuters

Theo một nghiên cứu của IEEFA, Ấn Độ trong năm 2017 đã qua mặt Nhật Bản để trở thành nhà sản xuất điện Mặt trời lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Giờ đây, thời điểm bắt đầu hợp tác với Pháp về phát triển điện Mặt trời, Ấn Độ tận dụng nguồn lực cũng như kiến thức về điện Mặt trời của mình để giúp các quốc gia khác hiện thực hóa tham vọng của họ. Theo đó, Thủ tướng Modi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 11-3 đã chủ trì Hội nghị Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế (ISA) tại Thủ đô New Delhi nhằm xây dựng một mạng lưới để giúp các nước vùng nhiệt đới tăng cường sử dụng điện Mặt trời. Thủ tướng Modi tiết lộ, Ấn Độ sẽ  hỗ trợ tài chính nhằm giúp triển khai 27 dự án quang năng tại các nước khác.  Trong khi đó, nhà lãnh đạo Pháp cho biết Paris cam kết chi 700 triệu euro (tương đương 861 triệu USD) cho liên minh này.

Việc phát triển điện Mặt trời của Ấn Độ một phần được thúc đẩy bởi chi phí sản xuất loại năng lượng này đang giảm dần. Theo Kanika Chawla, lãnh đạo cao cấp của Hội đồng năng lượng, môi trường và nước (CEEW) ở New Delhi, giá thành một đơn vị điện Mặt trời hiện là 2,5 rupee, tương đương các nguồn năng lượng truyền thống. Bà Chawla cho hay, sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của Ấn Độ mà không cần phải đóng cửa các nhà máy điện hoạt động bằng than là một mô hình mới cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, hiện  ¾ năng lượng tiêu thụ ở Ấn Độ vẫn có nguồn gốc từ than đá và dự kiến sẽ giảm xuống dưới 50% vào năm 2040. Hiện Chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc áp đặt mức thuế 70% đối với việc nhập khẩu điện Mặt trời để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. 

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết