30/04/2010 - 20:59

Ấn Độ nghiên cứu người hơn 70 năm không ăn uống

Mọi sinh hoạt của cụ Jani đang được các bác sĩ Ấn Độ giám sát chặt chẽ. Ảnh: Telegraph

Với việc nghiên cứu toàn diện cụ già “hơn 7 thập niên qua không ăn uống gì”, các bác sĩ quân y Ấn Độ đang hy vọng có thể tìm ra bí quyết giúp con người vượt qua được những điều kiện sống cực kỳ khắc nghiệt.

Từ hôm 22-4 đến nay, nhóm 35 bác sĩ và chuyên gia của Tổ chức phát triển và Nghiên cứu quốc phòng (DRDO) thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ không rời mắt khỏi cụ Prahalad Jani, đang bị cách ly ở một bệnh viên tư thuộc thành phố Ahmedabad, miền Tây nước này. Để theo dõi toàn bộ sinh hoạt của “bệnh nhân” 82 tuổi này, báo chí Ấn Độ cho biết DRDO đã lắp 2 camera quan sát trong phòng và một camera di động dõi theo Jani mỗi khi cụ rời khỏi phòng. Căn phòng cũng được bố trí để ánh nắng không thể lọt vào. Và theo yêu cầu của cụ Jani, toilet trong phòng cũng được khóa lại.

Trong quá trình nghiên cứu dự kiến kéo dài 15-20 ngày, cụ già đầu tóc bạc phơ này sẽ được chụp ảnh cộng hưởng từ (MRI), đo điện não đồ, điện tâm đồ, xét nghiệm máu, đồng thời tiếp nhận một loạt nghiên cứu, xét nghiệm về tâm thần kinh. Theo bác sĩ G.Ilavazahagan, trưởng nhóm nghiên cứu, trong 8 ngày qua, cụ Jani không hề ăn uống gì và cũng không có nhu cầu “giải quyết bầu tâm sự”. Tuy nhiên, cụ vẫn trông khỏe khoắn và cơ thể chưa có dấu hiệu suy kiệt do đói hay mất nước. Trong những ngày còn lại, Ilavazahagan và các đồng nghiệp hy vọng sẽ thấy ở cơ thể cụ Jani tình trạng thoái hóa cơ, mất nước trầm trọng, sụt cân, kiệt sức và suy đa phủ tạng. “Chúng tôi muốn biết nguồn năng lượng nào đã hỗ trợ sự sống của cụ ấy. Jani nói cụ thiền định để tiếp nhận nguồn năng lượng nuôi sống cơ thể mình. Binh lính chúng tôi không có điều kiện ngồi thiền hàng giờ, nhưng chúng tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn về cơ thể của cụ già này”, bác sĩ Ilavazahagan.

Được biết, báo chí cũng như các bác sĩ Ấn Độ không biết nhiều về cụ già thân hình trơ xương này ngoài thông tin “cụ sinh ra và lớn lên ở huyện Mehsana thuộc bang Gujarat, bỏ nhà đi từ năm 7 tuổi và chủ yếu sống lang thang trong rừng”. Theo bác sĩ Ilavazahagan, cụ Jani nói với ông ngoài việc thiền, cầu nguyện, sở dĩ cụ sống khỏe tới ngày hôm nay là nhờ có một cái lỗ ở vòm miệng (?!). Các nhà nghiên cứu nói cụ Jani còn gia đình và người thân nhưng theo các nhân viên bệnh viện nơi cụ đang được nghiên cứu thì không có ai đến thăm cụ trong những ngày qua.

Các bác sĩ cho rằng nếu kết quả nghiên cứu đúng như những gì cụ Jani nói thì đó sẽ là bước đột phá của y học hiện đại. “Qua quá trình theo dõi cụ Jani, chúng tôi hy vọng có thể tìm ra giải pháp giúp kéo dài sự sống của nạn nhân trong các thảm họa thiên tai, khu vực đồi núi hiểm trở, hành trình lênh đênh trên biển hoặc trong những môi trường sống khắc nghiệt như ngoài chiến trường hoặc trên vũ trụ. Chúng tôi hy vọng có thể chỉ dẫn mọi người các kỹ năng sinh tồn trong điều kiện khan hiếm thực phẩm và thức uống”, bác sĩ Ilavazahagan bày tỏ.

Trước nay, những gì cụ Jani nói về khả năng nhịn đói nhịn khát của mình bị nhiều người cho là “trò lừa con nít”. Tuy nhiên, có một bác sĩ đã đứng ra làm chứng cho cụ già không có nhu cầu ăn uống trong suốt 74 năm này. Năm 2003, bác sĩ Sudhir Shad (cũng là thành viên nhóm nghiên cứu của DRDO) và các đồng nghiệp từng thực hiện một cuộc thử nghiệm kéo dài 10 ngày đối với cụ Jani. Kết quả thử nghiệm được mô tả chi tiết trên website www.neuro.org của bác sĩ Shad. Lần thử nghiệm đó, cụ Jani tiếp nhận 10 cuộc kiểm tra và xét nghiệm khác nhau từ hệ tim mạch cho đến tâm thần kinh, và kết quả cho thấy cơ thể cụ có khả năng chống chịu tốt với tình trạng đói khát kéo dài. Theo bác sĩ Shad, cụ Jani đã không ăn uống gì suốt 10 ngày đó và nước tiểu sau khi hình thành ở bọng đái dường như đã được cơ thể cụ hấp thu trở lại. Tuy nhiên, tình trạng sụt cân trước khi thử nghiệm kết thúc đã khiến nhiều người hoài nghi về tính xác thực của những gì cụ nói về khả năng siêu nhiên của cơ thể.

Theo bác sĩ Ilavazahagan, sau khi quá trình theo dõi cụ Jani kết thúc, ông và đồng nghiệp sẽ tiến hành phân tích các dữ liệu, dự kiến mất ít nhất 2 tháng. “Trước mắt, dữ liệu sẽ được giữ kín. Khi nào có kết quả, chúng tôi sẽ công bố”, bác sĩ Vasana Reddy, phát ngôn viên của DRDO cho biết.

LONG CHÂU
(Theo AFP, Telegraph, India Express, Daily News)

Theo các nhà khoa học, hầu hết chúng ta không thể “qua khỏi” 3-5 ngày nếu cơ thể thiếu nước, cũng như không thể sống nổi quá 50 ngày khi không ăn. Tuy nhiên, kỷ lục nhịn đói được ghi nhận là 74 ngày.


Chia sẻ bài viết