01/06/2018 - 07:23

Ấn Độ - Indonesia bắt tay đối phó Trung Quốc 

Trước khi tham dự  Hội nghị cấp cao an ninh châu Á (hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La) tại Singapore, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thực hiện chuyến công du 2 nước  Đông Nam Á khác gồm Indonesia và Malaysia. Động thái này của ông Modi không chỉ là bước triển khai chính sách "Hành động hướng Đông" mà còn nhằm nâng tầm vị thế của Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trước tham vọng bành trướng lãnh hải của Trung Quốc. 

Tổng thống Indonesia Widodo (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Modi tại cuộc họp báo chung hôm 30-5. Ảnh: AP
Tổng thống Indonesia Widodo (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Modi tại cuộc họp báo chung hôm 30-5. Ảnh: AP

Sau cuộc hội đàm hôm 30-5 tại Jakarta, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Indonesia Joko Widodo  đã đồng ý xây dựng một hải cảng ở Sabang, vị trí chiến lược trên đảo Sumatra và ngay lối vào eo biển Malacca. Động thái này được đưa ra vào thời điểm Trung Quốc đang ráo riết mở rộng lãnh hải của mình tại khu vực.

Chia sẻ tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương    

Theo Reuters, hai nước cũng đã đồng ý thúc đẩy hợp tác quốc phòng và hàng hải, đồng thời thống nhất điều chỉnh chính sách hàng hải quốc gia của mình, gồm chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ và chính sách Trục hàng hải toàn cầu của Indonesia. Lãnh đạo hai bên đồng thời công bố văn kiện “Chia sẻ tầm nhìn hợp tác hàng hải Ấn Độ-Indonesia tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” như là lộ trình hợp tác kinh tế, quốc phòng và văn hóa giữa hai nước. Theo Indiatimes, đây là lần đầu tiên Ấn Độ “chia sẻ tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” với một quốc gia thành viên ASEAN. Tại cuộc họp báo chung hôm 30-5, lãnh đạo hai nước  nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc mang lại sự tự do, cởi mở, minh bạch, bình thường, hòa bình và thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, phát triển bền vững, hoạt động thương mại cởi mở, tự do, công bằng, đôi bên cùng có lợi được tôn trọng”. Tuyên bố này nhằm phản đối cái gọi là “đường lưỡi bò” nuốt trọn Biển Đông của Trung Quốc. 

Hindustan Times cho hay, lãnh đạo Ấn Độ và Indonesia cũng đã ký kết 15 biên bản ghi nhớ, chủ yếu trong các lĩnh vực như quốc phòng, hợp tác khoa học và công nghệ, đường sắt và y tế. Ông Modi còn tuyên bố miễn thị thực trong vòng 30 ngày đối với công dân Indonesia và mời họ đến Ấn Độ để trải nghiệm “Ấn Độ mới”. Lãnh đạo hai nước cho biết Ấn Độ và Indonesia đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện. Thủ tướng Modi nhấn mạnh, quan hệ đối tác Ấn Độ-ASEAN chính là chìa khóa đảm bảo hòa bình không chỉ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà còn tại nhiều khu vực khác. 

Hôm qua, Thủ tướng Modi đã có chặng dừng chân ngắn ở Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Tại đây, ông đã gặp tân Thủ tướng Mahathir Mohamad để luận bàn các giải pháp tăng cường quan hệ song phương. Giới chức Ấn Độ nói rằng Malaysia là đối tác chiến lược và là một ưu tiên trong chính sách “Hành động hướng Đông” của Thủ tướng Modi. Chuyến thăm Malaysia của ông Modi được kỳ vọng mở ra cơ hội hợp tác mới giữa hai nước trong bối cảnh chính quyền Mahathir muốn cân bằng lại quan hệ với Trung Quốc. 

Đến Singapore vào hôm nay 1-6, Thủ tướng Modi mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác  trên một số lĩnh vực như công nghệ tài chính, phát triển kỹ năng, quy hoạch đô thị và trí tuệ nhân tạo. Sau đó, ông sẽ có bài phát biểu tại lễ khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 17. Trong đó, ông sẽ trình bày quan điểm của New Delhi về các vấn đề mà khu vực châu Á đang đối mặt.

Ấn Độ và Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương  của Mỹ

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, quân đội Mỹ ngày 30-5 đã đổi tên Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) thành Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một động thái mang tính biểu tượng cao nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của  khu vực Ấn Độ Dương đối với Mỹ. 

Phát biểu tại buổi lễ bàn giao chức Tư lệnh PACOM cho Đô đốc Philip Davidson từ Đô đốc Harry Harris, người được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh: “Quan hệ với các đồng minh và đối tác của chúng ta ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đã chứng tỏ có ý nghĩa quyết định đối với việc duy trì sự ổn định khu vực. Để công nhận sự kết nối ngày càng tăng giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, hôm nay, chúng ta đổi tên Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ thành Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. 

PACOM, với biên chế khoảng 375.000 nhân viên quân sự và dân sự, đảm trách mọi hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương mở rộng, bao gồm cả Ấn Độ. Việc đổi tên PACOM mang ý nghĩa công nhận sự liên quan về quân sự của Ấn Độ với Mỹ ngày càng tăng, chứ không đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ tăng cường thêm binh lực tới khu vực trên vào thời điểm này. Năm 2016, Mỹ và Ấn Độ đã ký thỏa thuận về việc sử dụng lãnh thổ, các căn cứ hải quân và không quân của nhau để phục vụ công tác sửa chữa và cung ứng hậu cần. 

Ngoài ra, Mỹ cũng muốn thâm nhập thị trường quốc phòng rộng lớn của Ấn Độ. Hiện Washington là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ 2 cho New Delhi, với tổng giá trị các hợp đồng mua bán quốc phòng trong thập kỷ qua lên tới gần 15 tỉ USD. 

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết