20/07/2018 - 08:40

Ấn Độ đưa môn “hạnh phúc” vào trường học 

Ngoài những môn học truyền thống như toán, khoa học và ngôn ngữ, CNN cho biết giới chức giáo dục Ấn Độ đang giới thiệu môn học mới là “hạnh phúc”, nhằm truyền đạt trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence - EI) thông qua thiền định, kể chuyện và các hoạt động tập trung vào nhu cầu tinh thần và cảm xúc của học sinh.

Giáo viên và học sinh trong một buổi huấn luyện về “hạnh phúc”  tại New Delhi hôm 12-7. Ảnh: CNN

Người đứng đầu Ủy ban quốc gia phụ trách thiết kế chương trình giảng dạy “hạnh phúc” - Rajesh Kumar cho biết, chương trình này phân loại học sinh ở 3 nhóm tuổi từ mẫu giáo đến lớp 2, từ lớp 3 - 4 và từ lớp 6 - 8. Để tránh gây thêm gánh nặng học tập cho các em, lớp học “hạnh phúc” không đòi hỏi chấm điểm, không dùng sách giáo khoa, hay buộc phải làm bài kiểm tra hoặc bài tập về nhà. Thay vào đó, các kỹ năng EI sẽ giúp học sinh giảm căng thẳng tinh thần, lo lắng và biết cách xử trí trước bất kỳ tình trạng buồn phiền nào.

Tuần trước, các buổi tập huấn dành cho khoảng 21.000 giáo viên và nhà quản lý giáo dục đã được tổ chức ở Thủ đô New Delhi. Tại đó, các giảng viên đã thay phiên nhau giải thích cho những người tham dự về điều gì là “hạnh phúc” và “không hạnh phúc”, cũng như cách làm thế nào để truyền đạt lại nó cho học sinh.

Cô Apre - một giáo viên tiểu học - cho rằng môn học “hạnh phúc” đặc biệt có lợi cho học sinh đến từ những gia đình có kinh tế khó khăn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 11% trẻ em Ấn Độ từ 13-15 tuổi bị phân tâm và khó tập trung khi làm bài tập và công việc thường ngày. Hơn nữa, tỷ lệ tự sát trong thanh thiếu niên từ 15-29 tuổi hồi năm 2012 đứng ở mức 35,5/100.000 người. Đây là tỷ lệ tự sát cao nhất mà WHO ghi nhận ở khu vực. Bên cạnh đó, cứ 4 trẻ em Ấn Độ từ 13-15 tuổi thì có một em đối mặt với trầm cảm.

ĐÔNG PHONG

Chia sẻ bài viết