17/09/2018 - 07:36

Ấm lòng với dĩa cơm 1.000 đồng 

Gần 1 tháng qua, đều đặn 2 buổi trưa - chiều (trừ ngày Chủ nhật), quán cơm chay thiện nguyện 1.000 đồng trong khuôn viên Hội Từ thiện TP Cần Thơ (số 100, đường Trần Việt Châu, quận Ninh Kiều) luôn đông khách. Cậu bán vé số, chú xe ôm, sinh viên nghèo… có bữa cơm no lòng chỉ với 1.000 đồng. Điều tưởng khó tin nhưng có thật.


Thực khách ngon miệng bên dĩa cơm 1.000 đồng. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

11 giờ trưa, quán cơm đông khách, đủ mọi lứa tuổi, ăn ngon miệng bên dĩa cơm đầy màu sắc: có rau, món kho, món chiên, canh… và nước uống miễn phí. Dĩa cơm ấy chỉ bán với giá 1.000 đồng. Dù bán với giá tượng trưng nhưng nhân viên của quán đều là những người làm thiện nguyện, phục vụ tận tình, vui vẻ và chuyên nghiệp. Quán cơm đầy ắp tiếng cười, sự sẻ chia và mọi người như gần nhau hơn qua những tấm lòng thiện nguyện.

Chú Nguyễn Thanh Hải, làm nghề chạy xe ôm, kể: Chạy xe giờ ít khách lắm nên đời sống khó khăn hơn. Lúc trước phải tốn ít nhất 30.000 đồng cho 2 bữa cơm, giờ biết quán cơm này rồi thì chỉ tốn có 2.000 đồng. Số tiền còn lại có thể dành lo cho gia đình. Còn chú Trần Quang Hiển, một người bán đồ điện tử lề đường, đạp xe đạp từ đường Ngô Văn Sở đến quán cơm để ăn, nói: “Có quán cơm này tụi tôi đỡ hết sức. Khỏi phải lo mấy chục ngàn tiền cơm mỗi ngày”. Em Châu Long, một tân sinh viên từ Đầm Dơi, Cà Mau lên Cần Thơ học, thì chia sẻ rằng, ở quê, cứ nghĩ thành phố cái gì cũng đắt đỏ, tốn kém không ngờ lại có quán cơm đặc biệt này. “Chỉ có 1.000 đồng nhưng cơm bao no, đồ ăn đầy đủ”, Châu Long kể.

Ông Phạm Hùng Dũng, Chủ tịch Hội Từ thiện thành phố, cho biết: Ngay khi Hội có ý định mở quán cơm này thì nhận được sự ủng hộ và giúp sức của nhiều đơn vị, nhà hảo tâm, phải kể đến như Câu lạc bộ Bất động sản KC Cần Thơ và các cá nhân: Nguyễn Văn Sơn, Hồ Quốc Việt, Lê Phương Đông… Rau, củ, quả thì phần lớn được các tiểu thương chợ Tân An hỗ trợ; gạo cũng được mạnh thường quân tặng. “Theo ước tính, mỗi suất ăn bù khoảng 5.000 đồng, mỗi tháng cần 6 triệu đồng để bù lỗ và duy trì quán cơm, đó là chưa kể công phục vụ thiện nguyện của anh em”, ông Dũng cho biết. Giải thích về việc tên quán cơm 1.000 đồng, ông Dũng nói rằng, với cố gắng của Hội, hoàn toàn có thể miễn phí cho bà con nhưng quán lấy 1.000 đồng tượng trưng để bà con khỏi mặc cảm, “lăn tăn” khi đến ăn.


Bà Út - Nguyễn Thị Bạch Tuyết, 80 tuổi, vẫn nhiệt tình góp sức cho quán cơm thiện nguyện 1.000 đồng. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Điều ấm lòng ở quán cơm này là sự chung lòng của những tấm lòng thiện nguyện. Như cụ bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (80 tuổi, thường gọi là bà Út) từ Sài Gòn xuống Cần Thơ để phục vụ cho quán cơm từ chuyện nấu nướng đến sơ chế thức ăn. Hay anh Hồ Quốc Việt, một đầu bếp trẻ vẫn thường đến quán hỗ trợ việc nấu nướng. Còn có cô Ba, một nhân viên ngành y tế về hưu, tỉ mẫn từng chút cho bếp ăn này... Tất cả đều làm không công, với mong muốn thực khách có bữa cơm ngon miệng, người nghèo đỡ gánh nặng “áo cơm”. Bà Út - Nguyễn Thị Bạch Tuyết nói: “Bà tâm nguyện gắn bó với quán cơm này hoài vì thấy ý nghĩa quá, chừng nào làm hết nổi thì thôi”.

Một chuyện hay khác ở quán cơm thiện nguyện 1.000 đồng này là ý thức của thực khách rất tốt. Nhiều người ăn no rồi tự dọn, lau bàn sạch sẽ, dù chẳng có quy định nào buộc họ làm vậy. Quy định dĩa cơm 1.000 đồng không phải trả trực tiếp mà bỏ vào thùng thiện nguyện. Theo Hội Từ thiện thành phố, mỗi khi khui thùng, có rất ít tờ 1.000 đồng, chủ yếu là 2.000 đồng, có khi có tờ 10.000 đồng, 50.000 đồng, thậm chí đến 500.000 đồng. Đó hẳn là những “vị khách đặc biệt”, cảm động trước ý nghĩa mà quán cơm thiện nguyện này mang lại nên đã “của ít lòng nhiều”.

Giữa nhịp sống đô thị sôi động, quán cơm thiện nguyện 1.000 đồng của Hội Từ thiện TP Cần Thơ như một minh chứng cho lối sống hào hiệp, nghĩa tình của người Cần Thơ.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết