11/09/2018 - 21:26

Al-Qaeda đang mạnh hơn? 

17 năm sau ngày gieo rắc nỗi kinh hoàng cho nước Mỹ, tiềm lực của tổ chức khủng bố al-Qaeda hiện được đánh giá có thể lớn hơn trước.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Rita Katz, Giám đốc cơ quan tình báo SITE chuyên giám sát các trang web thánh chiến, cho rằng điều mà giới chức Mỹ chưa nắm được là al-Qaeda còn hơn cả một tổ chức. “Đây là một ý tưởng, mà nó không thể bị hủy diệt bởi những vũ khí tinh vi, hạ sát các thủ lĩnh và đánh bom trại huấn luyện của chúng”- bà Katz chia sẻ. Nhóm Hồi giáo cực đoan này đang tập hợp lực lượng chiến đấu hùng hậu nhất. Theo ước tính, chỉ riêng ở Syria và Yemen có thể có hơn 20.000 tay súng. Al-Qaeda còn phát triển các chi nhánh trên khắp Bắc Phi và nhiều vùng ở châu Á trong khi vẫn còn mạnh ở khu vực biên giới Afghanistan-Pakistan. Không chỉ vậy, chúng cũng đã thay đổi chiến thuật. Thay vì tiến hành các vụ tấn công gây chú ý, hành quyết công khai man rợ và tuyên truyền khéo léo như cách làm của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS, vốn tách khỏi al-Qaeda và nay quay sang đối đầu), al-Qaeda hiện nay theo đuổi giải pháp mềm mỏng hơn, bằng cách len lỏi và giành sự ủng hộ của những người Hồi giáo dòng Sunni bên trong các quốc gia bị chiến tranh tàn phá.

 Ảnh: Financial Express

Trong số những quốc gia quan trọng tại Trung Đông, giới phân tích cho rằng al-Qaeda sẽ hồi sinh ở Iraq, sau thời gian dài bị lu mờ trước IS. Khi al-Qaeda trỗi dậy năm 2007, Mỹ cùng lực lượng dân quân người Sunni thân Chính phủ Iraq đã đánh bại tổ chức này. Nhưng đến năm 2010, al-Qaeda được cho “cơ bản vẫn giống như trước”. Các cuộc nổi dậy ở quốc gia láng giềng Syria trong năm sau đó đã dành cho các tay súng al-Qaeda thời gian “nghỉ xả hơi” cần thiết.

Nếu Iraq là nơi khai sinh al-Qaeda, thì Yemen lại là “địa bàn” hoạt động tích cực của chúng, thậm chí trước khi cho máy bay lao vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York (Mỹ) vào ngày 11-9-2001 (ảnh), khiến gần 3.000 người chết. Sau sự kiện này, Washington thực hiện nhiều vụ tấn công nhằm vào những tên đầu sỏ của al-Qaeda, bao gồm không kích bằng máy bay không người lái. Nhưng đến đầu năm 2009, al-Qaeda trên bán đảo A-rập (AQAP) nổi lên và sớm được coi là chân rết nguy hiểm nhất của al-Qaeda. Từ đó đến nay, Mỹ thực hiện khoảng 360 cuộc không kích AQAP. Cuối năm 2014, đến lượt phiến quân Houthi trỗi dậy và chiếm giữ Thủ đô Sana. Trong tình thế hỗn loạn này, AQAP giành quyền kiểm soát thành phố Mukalla vốn có cảng lớn thứ 3 của Yemen. Nơi đây trở thành trung tâm trong cái gọi là lãnh thổ của al-Qaeda. 

Vào năm 2012, tổ chức Shabab ở Somalia tuyên bố là nhánh mới của al-Qaeda. Sự thay đổi này thu hút số lượng lớn tay súng nước ngoài. Đến tháng 9-2014, một cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh Ahmed Abdi Godane của Shabab. Tuy nhiên, tàn quân của chúng lùi về những vùng nông thôn, với số lượng ước tính 4.000-6.000 tên. Lực lượng này gây ra nhiều vụ tấn công kiểu du kích nhằm vào các lực lượng của Liên minh châu Phi và dân thường cũng như những nơi khác ở Đông Phi. Còn ở Syria thời điểm cuối năm 2011, hai vụ đánh bom liên tiếp bằng xe hơi ở Thủ đô Damacus, khiến 44 người chết, đã đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên của Al Nusra Front, một nhánh khác của al-Qaeda. Tuy nhiên, Al Nusra sau đó công khai cắt đứt quan hệ với al-Qaeda. Nhóm mới hiện có tên là Tổ chức Giải phóng Syria với quân số ước tính 10.000-15.000 tên, bao gồm nhiều tay súng nước ngoài. 

Kể từ sau vụ 11-9, chủ nghĩa khủng bố phát triển và vươn vòi khắp nơi. Năm ngoái xảy ra 10.900 vụ tấn công khủng bố trên toàn thế giới, nhiều gấp 5 lần so với 2001. Các nhóm cực đoan cũng đã tạo chỗ đứng ở 19 quốc gia trên khắp Trung Đông, Sừng châu Phi và vùng Sahel. Chúng kiểm soát lãnh thổ tại 10 nước, trong đó “nhà nước” IS là ví dụ rõ nhất. Mỹ bị kéo vào cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu và tốn đến 5,6 ngàn tỉ USD kể từ vụ 11-9.

THANH BÌNH (Theo LA Times, USA Today)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Al-QaedaSITE