01/10/2016 - 15:14

Ai là người đầu tiên tìm ra Đà Lạt?

Tác giả Đăng Huỳnh, trong bài viết "Nhà thơ Nguyễn Thông và tấm lòng với cố hương" đăng trên Báo Cần Thơ số ra ngày 3-9-2016, có nêu: "Lâu nay, một bộ phận giới nghiên cứu cho rằng, bác sĩ Yersin là người tìm ra Đà Lạt đầu tiên. Tuy nhiên cũng có nhiều nhà nghiên cứu uy tín, mà đi đầu là học giả Ngạc Xuyên- Ca Văn Thỉnh, khẳng định nhà thơ Nguyễn Thông mới là người tìm ra Đà Lạt, cao nguyên La Ngư, Bà Dần (Lâm Đồng). Bằng chứng mà các học giả đưa ra khá thuyết phục bởi tài liệu của Pháp thuật lại, Yersin tìm đến Đà Lạt bằng bản đồ của người Việt và khi đến đó thì đã có người Việt sinh sống, có tổ chức hẳn hoi. Trong khi trước đó, trong những trước tác của mình, nhà thơ Nguyễn Thông đã có miêu tả cảnh vật, địa hình, khí hậu của Đà Lạt xưa".

Bài viết sau đây xin được bổ sung thêm tư liệu cho vấn đề trên.

Khi 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ rơi vào tay Pháp (1867), cụ Nguyễn Thông (1827-1884) tìm đến Bình Thuận để lánh nạn theo phong trào "tỵ địa" của các chí sĩ thời bấy giờ. Tại đây, năm 1877 triều đình cử ông giữ chức Doanh điền sứ. Với nhiệm vụ này, ông để ý đến vùng đất hoang cao nguyên bạt ngàn dọc biên giới Việt Nam- Campuchia từ Gia Định, Biên Hòa đến Bình Thuận, Khánh Hòa, mà ông gọi "Sơn quốc". Nguyễn Thông xúc tiến thám hiểm Nam Tây nguyên và tìm ra một vùng của Lâm Đồng. Trong sớ "Xin lập đồn điền khai khẩn vùng thượng du", cụ Nguyễn Thông có trình bày công cuộc thám hiểm Sơn quốc, có đoạn liên quan vùng Di Linh ngày nay như sau:

"Vào ngày 21-5 có người rất am hiểu đường sá và phong tục dân Man là bọn Nguyễn Văn Trị, Sỹ Văn Long, Dương Long Hợp cùng viên Suất đội Hoàng Phú đi trước đến sông Dã Dương xem xét tình thế. Ngày 22-6, bọn Nguyễn Văn Trị về tường trình: Bọn họ thừa lệnh khởi hành, trên đường đến sách Man Mêpu thì Hoàng Phú mang bệnh trở về. Bọn họ có 3 người từ Mêpu đi về phía Bắc qua các sách Man. Đến sách Man Côn Hiền thì đi về phía Tây Bắc qua các sách Man. Ngày 29-5 đến sông Tô Sa thì gặp mưa, nước lũ lớn không thuyền nào có thể qua sông, bèn quay lại phía Nam. Ngày mồng 8 tháng 6 thì đến sông Đạ Đờng, rộng khoảng năm sáu mươi trượng, nước đục ngầu có đảo dài. Người Man gọi nước là "đạ", lớn là "đờng". Cũng như người Việt nói "sông lớn". Đạ Đờng người Việt gọi là sông Dã Dương, hạ lưu sông lớn Thần Quy. Từ sách (thôn xóm) Man Mêpu đi đến dòng sông Tô Sạ dọc đường phần nhiều là núi cao. Từ Côn Hiên đến sông Đạ Đờng đều là đất bằng, địa thế rộng rãi khoảng khoát, có thể khám xét để lập đồn điền khẩn hoang".

 Gian thờ nhà thơ Nguyễn Thông trong khuôn viên Di tích Trường Dục Thanh, tỉnh Bình Thuận.
Ảnh: DUY KHÔI

Tấu của ông cũng khẳng định: Tuy Sơn quốc "Hổ đói ở khắp nơi. Góc rừng khỉ kêu réo", nhưng "Quanh năm có khí hậu mùa thu", đồng thời với cảnh vật "Không có bãi xa truông rậm nguy hiểm, không bị đầm lớn sông dài chia cắt. Từ xưa đến nay bờ cõi hoang vu, trời đất dành cho ta một kho tàng vô tận". Hay nói một cách khác, vùng đất này là nơi rất giàu có.

Khi sớ được tâu lên, vua Tự Đức đồng ý cho Nguyễn Thông khai thác "Sơn quốc". Nhưng sau đó thực dân Pháp ở Nam Kỳ phản đối, buộc vua Tự Đức phải hủy bỏ công trình này (năm 1877).

Cho đến năm 1897, khi công cuộc đàn áp các phong trào yêu nước bình định được thực dân Pháp coi như đã tạm ổn, ngày 23-7-1897, Toàn quyền Paul Doumer chỉ thị các viên Thống sứ, Khâm sứ yêu cầu phải nghiên cứu, tìm kiếm những địa điểm tốt để thiết lập khu nghỉ mát và khu an dưỡng cho bọn thực dân. Theo chỉ thị này, những địa điểm đó phải ở một độ cao cách mặt biển tối thiểu 1.200 mét, khí hậu tốt, có nguồn nước ngọt dồi dào, đất đai có thể trồng trọt được và đường giao thông thuận tiện, dễ đặt.

Khu mộ nhà thơ Nguyễn Thông ở phường Phú Hải, TP Phan Thiết,
tỉnh Bình Thuận. Ảnh: DUY KHÔI 

Theo yêu cầu của nhà cầm quyền Pháp, một người Thụy Sĩ quốc tịch Pháp là bác sĩ Yersin sau 3 năm vất vả, đã thám hiểm Tây nguyên và lên được cao nguyên Langbiang.

Như vậy, kể từ ngày Nguyễn Thông thám hiểm cao nguyên Lâm Viên (Langbiang), khám phá nơi "Quanh năm có khí hậu mùa thu", phải đến 16 năm sau, bác sĩ Yersin mới công bố đã tìm ra Dalat (Đà Lạt) vào ngày 21-6-1893 (theo hồi ký đăng trên Revue Indochine- tạp chí Đông Dương, năm 1942), để rồi sau đó chính phủ Pháp lần lượt cử hai đoàn khảo sát lên Langbiang. Đoàn thứ nhất do Đại úy Thouard cầm đầu năm 1897, đã báo cáo: Muốn phát triển Đà Lạt thành nơi nghỉ dưỡng có thể thiết lập con đường thẳng từ Sài Gòn dọc theo thung lũng sông Đồng Nai để lên Langbiang. Qua mấy câu đầu của một bài học thuộc lòng trong sách giáo khoa xưa ta thấy cái có thể ấy đã sớm trở thành sự thật:

Sài Gòn Đà Lạt bao xa?

Ba trăm cây số đường qua núi rừng.

Biên Hòa cảnh lạ mắt trông,

Xa xa thẳng tắp mấy rừng cao su...

Đoàn thứ hai do đại úy Guinet dẫn đầu năm 1899 với nhiệm vụ vừa khảo sát vừa thiết lập con đường không trải đá dài 120km từ cửa Nại (cách Phan Rang 7km qua Xomgon, Đơn Dương, Đà Lạt) đến Dankia.

Điều đáng chú ý là trong lần khảo sát thứ hai này có bác sĩ Etienne Tardiff. Tardiff đã dày công nghiên cứu về đất đai khí hậu, thảo mộc cũng như các điều kiện cần thiết khác cho một thành phố nghỉ dưỡng ở hai điểm Dankia và Đà Lạt. Sau đó ông làm bản phúc trình cho Toàn quyền Doumer, phân tích kỹ các mặt thuận lợi của Đà Lạt hơn Dankia như: vệ sinh, đất đai, độ cao, nước, không khí, thảo mộc và giao thông.

Phân vân trước hai ý kiến của Yersin (chọn Dankia) và Tardiff (chọn Đà Lạt). Toàn quyền Doumer quyết định đích thân xem xét hai địa điểm trên vào năm 1899.

Sau cuộc thám hiểm này, Doumer theo đề nghị Tardiff đã chọn Đà Lạt thay cho Dankia làm nơi nghỉ dưỡng. Thế là công cuộc xây dựng thành phố bắt đầu từ năm 1899. Trước hết họ mở rộng con đường mòn để cho các loại xe có thể ra vào, đi lại. Năm sau họ cho làm một con đường từ Phan Rang đi Lâm Viên rộng hơn, với độ dốc ít hơn và độ cong lớn hơn để làm cơ sở cho việc đặt đường xe lửa tiếp sau đó. Từ ấy họ xây dựng thêm nhiều phương tiện phục vụ cho việc nghỉ mát, an dưỡng.

Nếu sơ thời Đà Lạt chỉ bao gồm thung lũng và các ngọn đồi quanh dòng suối (vùng Hồ Xuân Hương- khu Hòa Bình ngày nay), thì đầu năm 1900 bác sĩ Tardiff lập đề án xây dựng thành phố nghỉ dưỡng này bao gồm các thung lũng núi đồi với diện tích gần 67km2, sau mở rộng gần 300km2, rồi 470km2 như ngày nay, có chi nhánh sông Đồng Nai chảy qua.

Tìm hiểu về danh xưng Đà Lạt, không ít người sống cố cựu ở địa phương cho rằng, cũng như một số các thành phố lớn ở châu Âu, từ những năm đầu thế kỷ XX, trong số những người Pháp đến Đà Lạt sớm nhất đã tự chọn cho Đà Lạt một câu châm ngôn viết bằng chữ La tinh không chỉ mang ý nghĩa khá hay, lại phù hợp với khí hậu, cảnh quan của thành phố trẻ trung này: Dat Alliis Laetitinum Alliis Temperriem (cho người này niềm vui, người kia sự mát lành). Chữ đầu của năm từ trên ghép lại thành DALAT. Khá thú vị nhưng khi tiếp xúc, lại nghe các cụ giảng giải cũng rất đáng ghi nhận: Đà Lạt có gốc từ Dàlàc, phát âm theo tiếng dân tộc là Đaq Lạch. Đaq là nước, suối, sông; Lạch là tên một bộ tộc người thiểu số đã chọn các khu rừng thưa trên cao nguyên Langbiang hay Lâm Viên, để cư trú. Vậy Đà Lạt là nước, là quê hương của người Lạt (Lạch). Ông Cunhac, viên công sứ đầu tiên của thành phố cũng hiểu khái niệm Đà Lạt như vậy. Baudrit đã phỏng vấn Cunhac về Đà Lạt, và đã được ông trả lời như sau: Ở hồ nước mà dòng suối nhỏ của bộ tộc Lát chảy qua, người ta gọi là Dalạt. Theo tiếng Thượng Da hay Dak nghĩa là "nước".

Sau năm 1956 do sắc lệnh 143/NV ngày 22-10-1956 đổi tên các tỉnh miền Nam, Ngô Đình Diệm muốn tên các tỉnh và thành phố có ý nghĩa theo tiếng Hán Việt, nên trong tinh thần đó, hai tiếng Đà Lạt được giảng: Đà biến âm từ Đa là nhiều; Lạc là niềm vui. Vậy Đà Lạt là thành phố của niềm vui, cũng phù hợp với ý nghĩa cách giải thích ban đầu.

Với những tư liệu và dữ kiện vừa bổ sung, cho thấy vấn đề "Người tìm ra Đà Lạt" đã được giải quyết theo chiều hướng đúng đắn của các nhà nghiên cứu uy tín, mà đi đầu là học giả Ngạc Xuyên - Ca Văn Thỉnh. Các nhà nghiên cứu khẳng định: Đà Lạt được người Pháp tìm ra nhờ có sự hướng dẫn của "Những người rất am hiểu đường sá và phong tục dân Man". Nên mới có những nghiên cứu cho rằng nhà thơ Nguyễn Thông là người đầu tiên tìm ra Đà Lạt.

Nguyễn Hữu Hiệp

Tài liệu tham khảo

- Cao Tự Thanh- Đoàn Lê Giang, Tác phẩm Nguyễn Thông, Sở VHTT Long An in năm 1984.
- Trương Phúc An- Nguyễn Diệp, Đà Lạt trăm năm, 1996.
- Nhiều tác giả, Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858-1918). Nxb. Giáo dục, 2006.

Chia sẻ bài viết