25/03/2018 - 14:37

AI giải quyết vấn đề thiếu hụt bác sĩ của Trung Quốc 

Giới bác sĩ cũng như các công ty công nghệ Trung Quốc đang phát triển những công cụ nhằm tự động hóa các công việc y tế thông thường, theo tờ MIT Technology Review.

Bác sĩ Wu đọc bản chụp X quang phổi bằng một chương trình dựa trên công nghệ AI. Ảnh: MIT Technology Review

Tại một bệnh viện ở Thủ đô Bắc Kinh, bác sĩ chụp X quang Chongchong Wu đưa bản chụp X quang phổi vào một chương trình máy tính trông giống như phần mềm chỉnh sửa ảnh nổi tiếng Photoshop. Chương trình này sau đó quét bản chụp, đánh dấu những điểm khả nghi bằng màu đỏ. Bác sĩ Wu cho biết, chương trình có thể giúp giảm áp lực công việc khi mà mỗi ngày cô phải đọc một lượng lớn ảnh chụp X quang.

Chương trình dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được cô Wu sử dụng, do một công ty khởi nghiệp ở Bắc Kinh có tên PereDoc phát triển, đã được cài đặt tại hơn 20 bệnh viện ở Trung Quốc. Đây chỉ là một phần trong nỗ lực đưa AI vào chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc. Theo công ty tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh Yiou Intelligence, hiện 131 công ty đang có kế hoạch ứng dụng AI trong ngành chăm sóc sức khỏe.

Từ lâu, Chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi áp dụng công nghệ trên nhằm hỗ trợ quá trình chẩn đoán bệnh trên máy tính. Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDC) dự đoán rằng thị trường dành cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng AI ở Trung Quốc sẽ đạt doanh số 5,9 tỉ nhân dân tệ (tương đương 930 triệu USD) vào năm 2022. Hiện thị trường này cũng đang được các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc để mắt đến khi mà cả hai hãng thương mại điện tử Alibaba và Tencent đều có các đơn vị nghiên cứu phát triển các công cụ chẩn đoán dựa trên công nghệ AI.

AI cũng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác. Peijun Lv, một nhà phẫu thuật thẩm mỹ ở Bắc Kinh, hiện đang hợp tác với Đại học Thanh Hoa để phát triển một chương trình AI có thể thiết kế răng giả. Theo ông Lv, chương trình này có thể đóng vai trò như là các bác sĩ có kinh nghiệm. Dự kiến, nó sẽ được chạy thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay. Trong khi đó, Peng Liu, bác sĩ ung thư bạch huyết ở Bắc Kinh, hiện đang bắt tay các chuyên gia tại Đại học Thanh Hoa để phát triển một thuật toán học máy có thể sử dụng dữ liệu siêu âm để phát hiện các cục máu đông do điều trị ung thư bạch huyết mang lại.

Giới chuyên gia cho rằng chính cách người dân Trung Quốc nhận thức về AI có thể làm cho công nghệ này phát triển mạnh trong lĩnh vực y tế trong bối cảnh hầu hết các bác sĩ Trung Quốc dường như muốn tự động hóa các công việc lặp đi lặp lại của mình. Tuy nhiên, sử dụng AI trong y tế cũng sẽ đi kèm nhiều thách thức, chẳng hạn như ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những sai lầm mà các thuật toán mang lại.

Hiện ở Trung Quốc chỉ có 1,5 bác sĩ/1.000 dân, so với con số 2,5 bác sĩ/1.000 dân ở Mỹ.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết