20/07/2010 - 21:59

Afghanistan tự bảo đảm an ninh vào năm 2014 ?

Tổng thống Afghanistan Karzai (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Clinton cùng các quan chức tại hội nghị ở Kabul. Ảnh: BBC

Hôm qua 20-7, đại diện của hơn 60 nước và các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, đã tham dự hội nghị quốc tế về Afghanistan tại Thủ đô Kabul. Đây là hội nghị lớn nhất trong hơn 3 thập niên qua diễn ra tại Afghanistan.

Trọng tâm trong chương trình nghị sự là việc chuyển giao quyền kiểm soát an ninh ở tất cả 34 tỉnh của Afghanistan cho chính quyền Kabul vào cuối năm 2014, hơn 3 năm sau khi Mỹ bắt đầu rút quân theo cam kết của Tổng thống Barack Obama. Các quan chức Mỹ cho rằng quân đội Afghanistan đã có tiến bộ đáng kể từ khi NATO điều chỉnh chương trình huấn luyện ở đây hồi năm ngoái. Kabul cũng thông báo tại hội nghị rằng nước này đặt mục tiêu mở rộng quy mô lực lượng vũ trang lên hơn 170.000 binh sĩ và 134.000 cảnh sát vào tháng 10-2011.

Trong thông cáo chung, Chính phủ Afghanistan và cộng đồng quốc tế nhất trí lộ trình chuyển giao quyền kiểm soát an ninh ở tất cả 34 tỉnh cho lực lượng an ninh sở tại. Một nhà ngoại giao Anh cho biết việc chuyển giao có thể bắt đầu vào đầu năm tới và hội nghị NATO vào tháng 10 tới sẽ quyết định khu vực nào được chuyển giao ngay. Thông cáo chung không đề cập tới quân số nước ngoài ở lại Afghanistan trong giai đoạn chuyển giao, nhưng liên quân dường như sẽ giữ lại một lượng đáng kể binh sĩ để giúp huấn luyện lực lượng an ninh Afghanistan và can thiệp nếu Kabul không thể kiểm soát tình hình trước sự tấn công của Taliban. Hiện liên quân đang triển khai gần 150.000 binh sĩ tại Afghanistan.

Về vấn đề viện trợ, các quan chức Afghanistan muốn Mỹ và các nhà tài trợ quốc tế để Kabul có tiếng nói lớn hơn trong hàng tỉ USD tiền viện trợ và quỹ tái thiết, vốn được đổ vào nước này kể từ khi bắt đầu cuộc chiến cách đây 9 năm. Lâu nay, Afghanistan luôn phàn nàn rằng Mỹ và các nhà tài trợ lãng phí tiền viện trợ thông qua việc thuê các nhà thầu quốc tế và theo đuổi những chương trình phát triển mà nước này không cần hoặc không đủ sức duy trì. Từ khi Mỹ chỉ huy cuộc tấn công lật đổ chế độ Taliban năm 2001, 77% trong số 29 tỉ USD tiền viện trợ quốc tế cho Afghanistan được đổ vào các dự án không thông qua (hoặc rất nhỏ) các kênh phân phối của Kabul. Tại cuộc họp ở Anh hồi tháng 1-2010, các nước tài trợ nhất trí tăng vốn viện trợ phát triển được phân phối thông qua Chính phủ Afghanistan từ 10% hiện nay lên 25% trong 2 năm. Hôm qua, ông Karzai đã yêu cầu cộng đồng quốc tế tiếp tục điều chỉnh tăng tỷ lệ này. Đáp lại, Kabul cam kết cải thiện hệ thống quản lý tài chính, tăng thu thuế, cũng như chống tham nhũng.

Hội nghị quốc tế về Afghanistan diễn ra vào thời điểm dư luận Mỹ và châu Âu tỏ ra hết kiên nhẫn với cuộc chiến, trong khi Taliban trỗi dậy ngày càng mạnh. Ngày 19-7, thêm 6 cảnh sát Afghanistan và 2 binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong các vụ tấn công của Taliban. Taliban cũng bác bỏ bất kỳ đề nghị đàm phán hòa bình nào và tuyên bố họ sẽ chiến đấu cho tới khi tất cả người nước ngoài rời khỏi Afghanistan. Do vậy, không phải vô lý khi có người nghi ngờ các lực lượng Afghanistan sẽ đủ khả năng bảo đảm an ninh trên toàn quốc trong vòng 4 năm nữa.

N. KIỆT (Theo AP, WSJ, NYT)

Trong đoạn băng ghi âm dài 13 phút phát trên Internet hôm 19-7, giáo sĩ Hồi giáo mang hai quốc tịch Mỹ-Yemen Anwar al-Awlaki cảnh báo Yemen sẽ trở thành Afghanistan của Tổng thống Obama. “Nếu George Bush được nhớ đến như là tổng thống đã khiến nước Mỹ sa lầy ở Afghansitan và Iraq, thì có vẻ như Obama muốn được nhớ như là tổng thống khiến nước Mỹ mắc kẹt ở Yemen”, al-Awlaki nói. Phát biểu trên được đưa ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ đưa al-Awlaki vào danh sách những kẻ hỗ trợ khủng bố.


Tổng thống Afghanistan Karzai (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Clinton cùng các quan chức tại hội nghị ở Kabul. Ảnh: BBC

Chia sẻ bài viết