23/01/2018 - 10:42

82% tài sản mới của thế giới về tay nhà giàu 

Báo cáo công bố ngày 22-1 của tổ chức phi lợi nhuận Oxfam cho thấy 1% người giàu nhất thế giới nắm giữ 82% tổng tài sản được tạo ra trong năm 2017, trong khi tài sản của 50% người nghèo nhất (3,7 tỉ người) không tăng chút nào.

Công nhân dệt may tại Thủ đô Dhaka, Bangladesh. Ảnh: themalaysianinsight

Công nhân dệt may tại Thủ đô Dhaka, Bangladesh. Ảnh: themalaysianinsight

Báo cáo của Oxfam sử dụng dữ liệu của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse để so sánh thu nhập của các cổ đông lớn và ban giám đốc với các công nhân bình thường. Qua đó, tổ chức có trụ sở tại Anh nhận thấy lãnh đạo của một trong 5 thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới chỉ cần 4 ngày làm việc để kiếm được số tài sản cả đời của một công nhân dệt may ở Bangladesh. Báo cáo còn phát hiện tài sản của các tỉ phú đô la đã tăng nhanh gấp 6 lần so với của những công nhân kể từ năm 2010, trong đó cứ 2 ngày trong giai đoạn từ tháng 3-2016 đến tháng 3-2017 lại có thêm một tỉ phú mới. Năm ngoái, số lượng tỉ phú của thế giới đã vượt con số 2.000 người.

Dù vậy trong tuyên bố, Giám đốc điều hành Oxfam Winnie Byanyima cho biết sự bùng nổ tỉ phú không phải là dấu hiệu của nền kinh tế tăng trưởng, mà là biểu hiện của hệ thống kinh tế thất bại. Lỗi ở đây thuộc về tình trạng trốn thuế, việc các doanh nghiệp gia tăng ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng chính sách, làm xói mòn quyền lợi của người lao động và cắt giảm chi phí diễn ra trên toàn cầu. “Những người làm ra quần áo, lắp ráp điện thoại và tạo ra lương thực cho chúng ta đang bị bóc lột sức lao động để đảm bảo chuỗi cung ứng sản phẩm giá rẻ đều đặn và tăng lợi nhuận cho các tập đoàn và nhà đầu tư tỉ phú”- Byanyima nhận định. Oxfam còn nhấn mạnh tình trạng lao động nữ “luôn thu nhập ít hơn nam” và thường có công việc với mức lương thấp và ít đảm bảo nhất. Có đến 9/10 tỉ phú trên thế giới là nam giới.

Theo đó, để ngăn chặn sự bất bình đẳng ngày càng cao, Oxfam kêu gọi chính phủ các nước hạn chế chi trả thù lao cho các cổ đông lớn và ban giám đốc, đẩy mạnh các chính sách thu hẹp khoảng cách về mức chi trả lương giữa hai giới, trấn áp nạn trốn thuế và tăng ngân sách cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Báo cáo trên được công bố trước thềm Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 48 diễn ra trong tuần này tại Davos, Thụy Sĩ.

THANH BÌNH (Theo AFP, BBC)

Chia sẻ bài viết