12/08/2018 - 15:22

8 nguyên nhân bất ngờ gây nôn mửa và cách xử trí 

Theo các chuyên gia sức khỏe, có nhiều nguyên nhân gây nôn mửa, chẳng hạn như ăn quá no, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, say tàu xe, mang thai giai đoạn sớm... Nhưng ít ai biết tình trạng này còn xuất phát từ những nguyên nhân khó ngờ tới, chẳng hạn như:

Dấu hiệu của bệnh đau nửa đầu

Cơ chế gây nên chứng đau nửa đầu chưa được làm rõ, song bệnh thường có các triệu chứng như nhạy cảm quá mức với ánh sáng và âm thanh kèm theo cảm giác buồn nôn, ói mửa. Có nhiều giả thuyết về việc đau nửa đầu gây buồn nôn, song các chuyên gia tin rằng hóa chất trong não serotonin là một nguyên nhân. Theo đó, serotonin truyền tín hiệu để mở rộng mạch máu não, nhưng đôi khi kích hoạt luôn phần não xử lý cảm giác buồn nôn và ói mửa. Theo bác sĩ Christine Lee tại Bệnh viện Cleveland (Mỹ), một giả thuyết khác là đau nửa đầu ảnh hưởng đến phần não có liên quan đến nhiễu loạn tai trong, nên cũng gây chóng mặt và buồn nôn.

Giải pháp: Phòng tránh các tác nhân phổ biến gây đau nửa đầu, như căng thẳng tinh thần (stress) do cảm xúc, ánh sáng chói, mùi hương mạnh, thiếu ngủ và bỏ bữa ăn.

Lo âu

Bác sĩ Jayme Hoch tại Bệnh viện Mayo cho biết, lo âu làm tăng kích hoạt hệ thần kinh tự chủ (còn gọi là hệ thần kinh thực vật), đặc biệt là phản ứng “đánh hay tránh” - tức là đương đầu hay lảng tránh áp lực đang đối mặt. Khi điều đó xảy ra, lưu lượng máu đổ dồn về cơ bắp nhiều hơn thay vì vào các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa, từ đó gây nôn ói. Các hoóc-môn gây stress như cortisol, epinephrine và những hoóc-môn khác cũng đổ dồn vào máu, làm tăng co thắt dạ dày cũng tạo ra cảm giác buồn nôn.

Giải pháp: Tìm cách chế ngự các yếu tố có thể dẫn đến lo lắng, chẳng hạn như áp dụng các kỹ thuật tự thư giãn, tìm người trò chuyện để giải tỏa căng thẳng, tập thể dục hoặc chọn các hình thức giải trí yêu thích.

Bị mất nước

Mất nước xảy ra khi cơ thể không đủ nước để thực hiện các quá trình bình thường, nghĩa là các triệu chứng sẽ vượt ra ngoài cảm giác siêu khát. Khi đó, cơ thể sẽ ưu tiên dẫn chất lỏng ít ỏi còn lại và máu đến các cơ quan được xem là quan trọng nhất gồm não và tim. Điều này có thể làm giảm lưu lượng máu đến các bộ phận thuộc hệ tiêu hóa, gây buồn nôn và đau bụng.

Giải pháp: Bổ sung đủ nước là giải pháp then chốt. Tuy nhu cầu mỗi người mỗi khác, song phần lớn người trưởng thành cần uống 2,6-3,5 lít nước/ngày, bao gồm từ mọi nguồn thực phẩm như trà, cà phê, nước lọc, canh, súp cũng như các loại rau quả mọng nước như dưa leo, cà chua, dưa hấu...

Hạ đường huyết

Thông thường, các hoóc-môn cơ thể hoạt động để kiểm soát nồng độ đường trong máu. Nhưng nếu đường huyết bắt đầu giảm quá thấp, một số hoóc-môn nhất định như glucagon và epinephrine sẽ tăng đột biến để giúp cơ thể sản xuất nhiều glucose hơn. Điều này khiến dạ dày phải chứng kiến một sự tăng vọt về các tín hiệu có thể tạo ra cảm giác buồn nôn.

Giải pháp: Để giữ đường huyết ổn định, bạn cần tiêu thụ những thức ăn có chỉ số đường huyết thực phẩm (GI) thấp - bao gồm các loại trái cây, rau củ không tinh bột, đậu và yến mạch. Chứng hạ đường huyết còn có thể được ngăn ngừa bằng cách dùng nhiều bữa nhỏ trong ngày (cách nhau 3-4 tiếng). Lưu ý là cần kiểm soát khẩu phần ăn, trong đó có dùng kết hợp đạm nạc, chất béo tốt và chất bột-đường có GI thấp.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

GERD có thể gây nôn ói, do axít trong dạ dày trào lên và đi vào thực quản dưới – đoạn nối giữa miệng và dạ dày. Lượng axít này có thể làm tổn thương lớp niêm mạc thực quản, khiến bạn cảm thấy buồn nôn.

Giải pháp: Tránh ăn uống quá nhiều, không hút thuốc hoặc dùng nhiều thức uống chứa caffeine và cồn, hạn chế thực phẩm nhiều gia vị, dầu mỡ hoặc có tính axít. Việc đứng thẳng người trong ít nhất 30 phút sau khi ăn cũng có lợi.

Loét đường tiêu hóa

Nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh này là do nhiễm phải vi khuẩn H.pylori. Khi đó, axít thâm nhập sâu vào niêm mạc dạ dày và gây ra lở loét, dẫn tới tình trạng đau bụng, đầy hơi, ợ nóng và buồn nôn.

Giải pháp: Bác sĩ thường kê thuốc kháng sinh hoặc thuốc hạn chế dạ dày sản xuất axít nhằm hỗ trợ chữa lành vết loét. Bệnh nhân cũng cần tránh dùng các loại thuốc kháng viêm không steroid và có steroid do chúng có thể làm tăng tình trạng loét, đồng thời không uống rượu, hút thuốc và thực phẩm nhiều gia vị để tránh làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh. Để ngăn bệnh tái phát, cần giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn H.pylori.

Dị ứng theo mùa

Không chỉ làm chảy nước mắt, ngứa họng và hắt hơi liên tục, dị ứng theo mùa còn gây ra “hội chứng chảy dịch mũi sau” - nghĩa là lượng chất nhầy dư thừa trong mũi sẽ chảy xuống phía sau cổ họng thay vì ra đường mũi. Ngoài làm ngứa cổ họng hoặc gây ho, lượng chất nhầy đó khi chảy xuống thực quản vào dạ dày còn dẫn tới  nôn mửa.

Giải pháp: Tránh xa bất kỳ tác nhân gây ra dị ứng, cũng như hỏi ý kiến bác sĩ để dùng thuốc nếu cần thiết.

Uống thuốc khi bụng đói

Nôn mửa là tác dụng phụ phổ biến của nhiều loại thuốc khác nhau, bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp, thuốc tránh thai, thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh…Do ruột “xử lý” thực phẩm bằng cách giải phóng axít tiêu hóa, nên khi uống thuốc trước khi ăn thì lượng axít đó vẫn được giải phóng gây kích thích hoặc buồn nôn.

Giải pháp: Thử dùng thuốc sau khi ăn. Còn nếu thuốc là tác nhân chính gây nôn ói, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng ở liều lượng thấp hơn.

AN NHIÊN (Theo Prevention)

Chia sẻ bài viết