08/10/2007 - 13:04

Kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại Ninh Bình, Thanh Hóa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Tập trung lo cho dân đủ lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh

* Tiếp tục triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp cứu giúp đồng bào vùng lũ

Ngày 7-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đi kiểm tra việc khắc phục hậu quả cơn bão số 5 tại tỉnh Ninh Bình. Đây một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 5 gây ra, đặc biệt là các xã vùng chậm lũ và vùng phân lũ ở huyện Nho Quan, Gia Viễn.

Sau khi thị sát thực tế, thăm hỏi, động viên bà con nhân dân vùng lũ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình về công tác khắc phục hậu quả cơn bão này. Thủ tướng nêu rõ: Trong những ngày qua, Tổng Bí thư, Chính phủ và các ban, ngành Trung ương hết sức quan tâm đến công tác dự báo, phòng chống cơn bão số 5, nhất là các tỉnh bị lũ do bão gây ra. Trung ương Đảng, Chính phủ liên tục có công văn cũng như các công điện khẩn yêu cầu cụ thể cho các cấp và các địa phương triển khai khẩn cấp công tác phòng chống lụt bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Thủ tướng biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành ở Trung ương, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Ninh Bình, nhất là lực lượng quân đội và công an đã cùng với địa phương chỉ đạo quyết liệt, di dời hàng chục ngàn dân ở nơi ngập nước đến nơi an toàn đã hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân ở 2 huyện vùng lũ; chăm lo đời sống và hỗ trợ nhân dân vùng lụt trong những ngày khó khăn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm hỏi đồng bào di dời lên mặt đê ở tạm tránh lũ ở xã Gia Tường, huyện Nho Quan (Ninh Bình). Ảnh: Đức Tám - TTXVN.

Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Ninh Bình tiếp tục tập trung chăm lo tốt đời sống nhân dân, nhất là số hộ sơ tán di dời lên ở trên các tuyến đê phải đảm bảo đủ lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh... dứt khoát không để người dân phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” và thiếu lương thực do ảnh hưởng của cơn bão số 5. Riêng đối với các hộ di dời lên nhà ở của mình trên tầng cao, Ninh Bình cũng phải xây dựng kế hoạch cụ thể chăm lo tốt nhất đời sống cho các hộ này, phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Thủ tướng đề nghị tỉnh huy động các lực lượng tập trung sửa chữa nhà cửa cho nhân dân, dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa đường giao thông và các trường học sớm đưa học sinh trở lại trường học và ổn định cuộc sống cho nhân dân vùng lũ. Đặc biệt Quân khu III hướng dẫn nhân dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, khám chữa bệnh, tu sửa nhà cửa... gắn bó và chia sẻ với bà con vùng lũ; Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải hỗ trợ các địa phương theo qui định hiện hành; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương xây dựng qui hoạch đầu tư ổn định vùng chậm lũ, vùng phân lũ, các đập tràn... đảm bảo an toàn cho các vùng hay bị lũ lụt xảy ra.

Giải đáp các kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng đồng ý hỗ trợ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng 19 xã thuộc huyện Nho Quan và Gia Viễn là các xã nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ, thường xuyên từ 3-5 năm lại bị ảnh hưởng xả lũ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp đầu tư dự án xử lý đột xuất đê tả Hoàng Long với số vốn 50 tỉ đồng và một số dự án khác... Theo báo cáo của tỉnh Ninh Bình, do ảnh hưởng cơn bão số 5 đã gây ngập lụt lớn trên địa bàn tỉnh làm một học sinh bị mất tích, 12.600 hộ ở huyện Nho Quan và 4.560 hộ huyện Gia Viễn bị ngập, ngập 3.178 ha cây vụ đông, 1.128 ha nuôi trồng thủy sản mất trắng, hệ thống lưới điện bị cắt hoàn toàn, 935 km đường giao thông nông thôn bị ngập và hư hỏng, đê tả Hoàng Long bị sạt trên 100m... ước thiệt hại khoảng 200 tỉ đồng.

Sau buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các bộ ngành đã đi thị sát vùng ngập lụt giáp ranh giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa.

* Cuộc họp thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương sáng 7-10 tại Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát nhận định: Mưa lũ còn diễn biến phức tạp vì vậy người dân và các cấp chính quyền không được chủ quan, cần sơ tán các hộ dân ở khu vực ngập sâu đến nơi an toàn, tổ chức tuần tra canh gác đê theo cấp báo động, kiểm soát hạn chế tàu chạy trên sông để tránh sóng vỗ ảnh hưởng đến an toàn của đê, cử lãnh đạo thường trực trên các tuyến đê để xử lý kịp thời khi có sự cố.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 7 giờ ngày 7-10 cả nước đã có 61 người chết và mất tích do mưa lũ (37 người chết và 24 người mất tích). Ngoài ra, mưa lũ còn làm cho gần 6.000 ngôi nhà bị đổ, sập. Số nhà bị ngập, hư hỏng là: 48.023 nhà, trụ sở cơ quan, công trình công cộng bị hư hại: 213 cái, hơn 100.000 diện tích lúa và hoa màu bị ngập và hư hại.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi thị sát tình hình lũ lụt của các tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa để có các biện pháp chỉ đạo kịp thời. Các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đang trực tiếp xuống các tỉnh: Thanh Hóa, Ninh Bình, Sơn La, Nghệ An để nắm tình hình và cùng với địa phương tổ chức xử lý các sự cố, khắc phục hậu quả mưa lũ. Bộ Quốc phòng đã huy động 3.148 cán bộ, chiến sĩ (Quân khu 1, 2, 3, 4; Quân đoàn 1, Bộ đội biên phòng); 26 xuồng cao tốc, 87 xe ô tô, 02 xe đặc chủng giúp địa phương sơ tán dân ra khỏi vùng lũ, lụt nguy hiểm. Quân chủng Phòng không – Không quân đã tổ chức 2 chuyến bay chở hàng cứu trợ cho vùng bị ngập tại Thanh Hóa gồm 8 tấn mì tôm, lương khô, nước uống và thuốc chữa bệnh. Quân chủng Hải quân đã điều động tàu Vạn Hoa đi cứu hộ 5 tàu cá của dân bị hỏng máy tại Cửa Hới, Sầm Sơn, Thanh Hóa và đã kéo về Thanh Hóa an toàn. Bộ đội Biên phòng đã điều động 462 cán bộ chiến sĩ/75 tàu, xuồng, ô tô giúp dân chống lũ, tổ chức 2 tổ công tác với 13 cán bộ chiến sĩ xuyên rừng vào ứng cứu nhân dân xã Nậm Giải - Quế Phong, Nghệ An bị cô lập. Cục Cứu hộ - Cứu nạn đã điều động 11 xuồng máy cho tỉnh Thanh Hóa để tổ chức cứu hộ dân trong vùng bị ngập lụt theo đề nghị của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Thanh Hóa.

THIỆN THUẬT - TUẤN CƯỜNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết