09/06/2015 - 21:28

7 lý do cơn giận làm tổn hại sức khỏe và cách kiểm soát

Theo các chuyên gia, tức giận đôi khi có lợi cho bạn nếu tâm trạng này nhanh chóng được kiểm soát và bộc lộ theo cách lành mạnh. Thực tế là cơn giận giúp vài người suy nghĩ có lý trí hơn. Ngược lại, xử lý cơn giận theo cách tiêu cực – bằng cách nén giữ nó trong lòng quá lâu hoặc bộc phát thành một cơn thịnh nộ – có thể sẽ “tàn phá” cơ thể bạn. Nếu bạn là người dễ mất bình tĩnh thì đây là 7 lý do bạn cần kiểm soát cơn giận để tránh tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần:

1. Ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch

Theo bác sĩ Chris Aiken, giảng viên khoa tâm thần học tại Trường Y thuộc Đại học Wake Forest (Mỹ), hầu hết các tổn hại thể chất do tức giận đều nhằm vào sức khỏe tim. Một nghiên cứu cho thấy người dễ nổi giận có gấp đôi nguy cơ bị bệnh mạch vành so với người ít hờn giận. Cụ thể là trong vòng 2 giờ sau khi bộc phát cơn giận, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tăng gấp 2 lần.

Ngoài ra, bác sĩ Aiken còn cho biết việc kìm nén cơn giận (không bộc lộ trực tiếp hoặc giữ trong lòng quá lâu) cũng liên quan tới bệnh tim. Trái lại, thể hiện cơn giận mang tính chất xây dựng, bằng cách nói trực tiếp với đối phương và tìm cách giải quyết vấn đề – chính là cách thể hiện cảm xúc rất đỗi bình thường và lành mạnh.

2. Tăng nguy cơ đột quị

  Ảnh: Getty Images

Nghiên cứu khoa học cho thấy người vừa trải qua cơn giận dữ tăng gấp 3 lần nguy cơ đột quị (do xuất hiện cục máu đông làm tắc mạch hoặc xuất huyết não) trong 2 giờ sau đó. Riêng với những người đã bị chứng phình động mạch não, rủi ro bị đứt mạch sẽ cao gấp 6 lần sau khi bộc phát cơn giận.

3. Suy yếu hệ miễn dịch

Nếu bạn thường xuyên nổi giận thì bạn cũng dễ mắc bệnh hơn. Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học tại Đại học Harvard (Mỹ) phát hiện rằng ở những người khỏe mạnh, chỉ cần nhớ lại một tình huống giận dữ bất kỳ trong quá khứ cũng đủ khiến cho hàm lượng kháng thể immunoglobulin A – hàng rào phòng vệ đầu tiên của tế bào trước các loại vi-rút hay vi khuẩn gây bệnh – giảm sút trong 6 giờ sau đó.

4. Làm trầm trọng thêm cảm giác lo lắng

Nếu bạn là người hay lo lắng thì hãy nhớ rằng cảm giác lo lắng và tức giận luôn song hành với nhau. Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Liệu pháp hành vi nhận thức năm 2012, các nhà khoa học phát hiện tức giận làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh rối loạn lo âu lan tỏa (GAD- tức tình trạng lo lắng quá mức và không thể kiểm soát ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày). Không chỉ khiến cho mức độ bực tức tăng cao, thái độ thù địch còn làm nặng thêm các triệu chứng GAD.

5. Có liên quan tới chứng trầm cảm

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa chứng trầm cảm với các hành vi gây hấn và cơn giận - đặc biệt là ở nam giới. Bác sĩ Aiken cho biết ở bệnh trầm cảm, đối tượng giận dữ thụ động (ngẫm nghĩ đến chuyện bực tức nhưng không thể hiện ra ngoài bằng hành động) khá là phổ biến.

6. Thái độ thù địch làm tổn thương phổi

Nếu bạn là người hay giận dữ và giữ thái độ thù địch với người khác, bạn có nguy cơ tổn thương phổi dù không có thói quen hút thuốc lá. Trong nghiên cứu kéo dài hơn 8 năm trên 670 người đàn ông, các nhà khoa học tại Đại học Harvard đã sử dụng phương pháp chấm điểm để đánh giá mức độ tức giận và sự thay đổi ở chức năng phổi của những người tham gia. Kết quả cho thấy những người có mức độ thù địch cao nhất là những người có chức năng phổi hoạt động kém nhất - yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về hô hấp. Theo lý giải của nhóm nghiên cứu, sự gia tăng hàm lượng các hoóc-môn gây stress (liên quan đến cảm giác tức giận) đã gây ra tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp.

7. Giảm tuổi thọ

“Stress có mối liên hệ rất chặt chẽ với sức khỏe tổng thể. Nếu bạn bị căng thẳng tinh thần và giận dữ, tuổi thọ của bạn sẽ rút ngắn”- Tiến sĩ Mary Fristad, giáo sư tâm thần học và tâm lý học tại Đại học bang Ohio (Mỹ), cho biết. Một nghiên cứu kéo dài 17 năm phát hiện rằng những cặp vợ chồng luôn kìm nén cơn giận có tuổi thọ thấp hơn so với những cặp sẵn sàng bày tỏ với nhau.

Lời khuyên dành cho người dễ tức giận

Bác sĩ Aiken khuyên người dễ tức giận cần học cách kiểm soát cơn giận theo hướng tích cực. Đầu tiên, họ cần xác định những điều có thể khiến bản thân tức giận và tập cách thể hiện phản ứng trước một tình huống dễ gây phẫn nộ. Luyện tập thể thao cũng giúp ích cho người hay nổi giận. “Những hoạt động như thế sẽ lấp đầy tâm trí chúng ta và kéo sự tập trung về giây phút hiện tại, do đó, sẽ không còn chỗ dành cho sự tức giận khi bạn đang chơi thể thao”- Aiken nói. Còn theo Tiến sĩ Fristad, nếu cảm thấy bản thân khó thể hiện cảm xúc tiêu cực, hãy đến gặp bác sĩ tâm lý để tư vấn. “Học cách bày tỏ cơn giận một cách thích đáng cũng là cách thể hiện cơn giận lành mạnh. Hãy nói trực tiếp với đối phương điều khiến bạn giận cũng như bạn đang muốn gì”- ông đề nghị.

AN NHIÊN (Theo Everyday Health)

Chia sẻ bài viết