10/09/2012 - 20:58

TRƯỜNG CAO ĐẲNG KINH TẾ-KỸ THUẬT CẦN THƠ

55 năm hình thành và phát triển

Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Cần Thơ. Ảnh: Mỹ Tú

Năm mươi lăm năm, quãng thời gian không dài so với lịch sử xây dựng và phát triển ngành giáo dục, song với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ thì đó là một chặng đường dài với nhiều thành tích vẻ vang nhưng cũng không kém những khó khăn, thử thách. Từ những ngày đầu thành lập, trải qua nhiều giai đoạn phát triển và trưởng thành, nhà trường luôn phấn đấu để đạt được các mục tiêu đào tạo, đảm bảo chất lượng giáo dục, tạo được niềm tin trong nhân dân, sự tin cậy của các cấp ủy đảng và chính quyền.

Những chặng đường phát triển

Năm 1957, chính quyền Sài Gòn đã cho xây dựng 4 trường Nông-Lâm-Súc ở miền Nam Việt Nam. Trong đó, ngày 25-9-1957, Bộ Cải tiến Nông thôn ban hành Nghị định số 311-BCN/NĐ về việc thành lập Trường Canh Nông Thực hành Cần Thơ và sau đó được cải danh thành Trường Nông-Lâm-Súc Cần Thơ. Trường đào tạo đa ngành nông nghiệp như: Canh Nông, Công Thôn, Mục Súc, Ngư Nghiệp, Túc Mễ, Cây ăn trái và học văn hóa phổ thông với tổng số học viên học tập tại trường từ năm 1957 đến năm 1975 là trên 3.000 người. Số lượng học viên của các lớp trung cấp, sơ cấp và bồi dưỡng các ngành bình quân mỗi năm khoảng 200 học viên.

Đất nước thống nhất, trường được tiếp quản và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật nông nghiệp cho tỉnh Hậu Giang và vùng ĐBSCL với tên gọi Trường Trung học Nông nghiệp Hậu Giang, trực thuộc Sở Nông nghiệp Hậu Giang. Thời gian này, đội ngũ cán bộ công nhân viên chức (CBCNVC) của trường có khoảng 100 người, trong đó có khoảng 65 giáo viên cơ hữu. Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Chinh, Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Cần Thơ là một trong những cán bộ lâu năm của trường. Trở thành giáo viên bộ môn trồng trọt của Trường từ năm 1980, khi cơ sở vật chất của trường vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng với thầy, đó cũng là quãng thời gian để lại nhiều ấn tượng khó quên. Thầy tâm sự: “Ngày xưa, cán bộ giáo viên và HSSV của trường còn ít, trường còn nghèo nhưng đã rất quan tâm đến cuộc sống của giáo viên, học sinh. Tuy nhà tập thể tranh, tre tạm bợ nhưng thầy trò rất gắn bó, thường xuyên giúp đỡ nhau như cùng một gia đình. Những dịp tham gia hướng dẫn học sinh thực tập tại trại thực hành ở khu nông trường Sông Hậu ngày nay, mấy thầy trò cùng học tập, nghiên cứu rồi cùng đi câu cá, cắt lúa, làm cỏ... Bây giờ, trường đã có nhiều đổi khác, số lượng giảng viên, HSSV đông hơn nhiều, cơ sở vật chất của trường cũng khang trang hơn, phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy, học tập”.

Từ năm 1980 đến năm 1994, trường có thêm 3 lần đổi tên và sáp nhập là Trường Nghiệp vụ Kinh tế Hậu Giang, Trường Trung học Kinh tế Hậu Giang rồi thành Trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ. Trải qua hơn 10 năm hoạt động trong giai đoạn đất nước có nhiều đổi mới (từ năm 1994-2004), Trường đã xây dựng bộ máy tổ chức rất hoàn chỉnh. Trường đào tạo đa ngành: Tài chính, Kế toán, Tin học, Công nghệ Chế biến thủy sản, Nuôi trồng thủy sản, Quản lý đất đai, Trồng trọt và Chăn nuôi - Thú y, với tổng số khoảng 720 học viên tốt nghiệp/năm. Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, năm 2004, trường tiếp tục được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ trực thuộc UBND TP Cần Thơ.

Khẳng định chất lượng đào tạo

Theo thống kê, đến đầu năm 2012, trường có 182 CBCNVC, trong đó có 140 giảng viên cơ hữu với 94 giảng viên có trình độ trên đại học (chiếm tỷ lệ 67,14%), trong đó có 4 tiến sĩ và 8 nghiên cứu sinh (chiếm tỷ lệ 8,57%). Trường đã chuẩn hóa mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo của 10 ngành giáo dục ở trình độ Cao đẳng và 12 ngành giáo dục ở trình độ Trung cấp chuyên nghiệp về lĩnh vực kinh tế và kỹ thuật nông nghiệp. Năm 2012, trường đạt số lượng học sinh sinh viên (HSSV) đông nhất qua các năm với trên 6.000 HS-SV. Tỷ lệ HSSV khá, giỏi đạt 61,42% tăng 20,44% so với năm 2008. Với đội ngũ cán bộ giảng viên có tâm, có tầm, đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường quan tâm định hướng phát triển hiệu quả công tác nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) và hợp tác đào tạo. Bên cạnh đó, với tổng diện tích 12,3 ha, trường sử dụng gần 1,7 ha cho hệ thống kiến trúc hạ tầng - trang thiết bị kỹ thuật phục vụ đào tạo, phần còn lại dành cho việc đầu tư phục vụ công tác nghiên cứu, chuyển giao, thực hành, ứng dụng KHKT. Hiện nay, trường đang triển khai nghiên cứu 04 đề tài cấp thành phố, với tổng kinh phí trên 2 tỉ đồng, trong đó có 02 đề tài đã được chuyển giao. Mới đây, trường còn được Thành ủy Cần Thơ tin tưởng, giao thực hiện đề tài Nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở TP Cần Thơ giai đoạn hiện nay.

Để tạo điều kiện việc làm tốt nhất cho HSSV sau tốt nghiệp, Ban Xúc tiến việc làm của trường thường xuyên liên hệ tìm kiếm thông tin việc làm tại các công ty, xí nghiệp, nhà máy. Ngoài ra, trường còn phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố tổ chức hội chợ việc làm tại trường, phục vụ HSSV. Hiện nay, trường được một số công ty tín nhiệm, thỏa thuận cam kết nhận hết HSSV của trường học một số ngành về nông nghiệp, thủy sản sau tốt nghiệp. Trong đó có Công ty Bảo vệ thực vật An Giang thỏa thuận nhận sinh viên tốt nghiệp ngành Bảo vệ thực vật từ năm 2011-2015. Có lẽ nhờ vậy, tỷ lệ HSSV tìm được việc làm của trường rất ấn tượng, đạt trên 85%.

Nhà giáo Ưu tú - Tiến sĩ Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Cần Thơ, cho biết: “Có thể nói, sau 55 năm hình thành và phát triển, với sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu của đội ngũ cán bộ, giảng viên, đã giúp trường hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng giáo dục”. Nhờ sự quyết tâm này, năm học tới, trường chắc chắn sẽ thực hiện tốt mục tiêu “tiếp tục đổi mới quản lý, nâng cao thương hiệu, chất lượng đào tạo và đời sống tập thể” và chuẩn bị tốt mọi điều kiện đảm bảo các tiêu chuẩn trở thành trường Đại học Kinh tế - Luật Cần Thơ trong thời gian sắp tới.

ANH SƠN

Chia sẻ bài viết