18/05/2018 - 07:34

5 giải pháp công nghệ giúp ăn uống an toàn và lành mạnh 

Khi các thiết bị số ngày càng “thông minh”, chúng ta không chỉ biết cụ thể giá trị dinh dưỡng từng loại thực phẩm, thức ăn chứa thành phần gây dị ứng hay không, mà còn dễ dàng xác định chúng có bị nhiễm bẩn hoặc”hết đát” hay chưa.

Cảm biến Ovie báo thực phẩm hết hạn

Ảnh: Breadware
Ảnh: Breadware

Bộ thiết bị Smarterware do công ty khởi nghiệp Ovie ở Chicago (Mỹ) phát triển, giúp hạn chế tình trạng lãng phí thực phẩm. Smarterware gồm một hộp có nắp, một kẹp và một dây đai đều có chức năng theo dõi thực phẩm và nhắc người dùng nên ưu tiên sử dụng trước khi chúng hư hỏng, thông qua màu sắc hiển thị: màu xanh (còn tươi ngon), vàng (nên dùng ngay) và đỏ (đã hư).

Khi kết nối với trợ lý ảo Alexa của Amazon trong hệ thống nhà thông minh, bộ cảm biến của Ovie còn đề xuất thực đơn hợp lý dựa trên nguyên liệu sẵn có bằng cách gởi tin nhắn đến điện thoại thông minh của người dùng.

Màng polymer cảnh báo thực phẩm nhiễm khuẩn

Sentinel Wrap về cơ bản là một miếng dán làm bằng polymer trong suốt không độc hại và có thể kết hợp vào các bao bì hoặc dụng cụ đóng gói thực phẩm. Nhờ tích hợp chip phân tử ADN chứa mẫu thăm dò, màng Sentinel Wrap đã được các nhà khoa học Đại học McMaster (Canada) thử nghiệm thành công với khả năng cảnh báo thức ăn (thịt, trứng, sữa, trái cây...) đã bị nhiễm khuẩn hay chưa. Từ ứng dụng trên điện thoại thông minh, người dùng có thể “đọc” tín hiệu huỳnh quang để xác định chất lượng thực phẩm bên trong hộp đựng mà không cần khui sản phẩm. Về lâu dài, các nhà khoa học hy vọng có thể mở rộng ứng dụng trong lĩnh vực y tế như dùng để bọc dụng cụ phẫu thuật hoặc kết hợp vào băng gạc để cảnh báo vết thương nhiễm trùng.

Dĩa “hi-tech” tư vấn dinh dưỡng

Ảnh: Gadgets & Wearables
Ảnh: Gadgets & Wearables

Nếu đang băn khoăn tìm cách cải thiện chế độ ăn uống hàng ngày, dĩa thông minh Smart Plate có thể là lựa chọn dành cho bạn. Chỉ cần đặt thức ăn lên dĩa, chụp ảnh bằng điện thoại thông minh và chờ phần mềm phân tích trong vài giây. Kết quả sẽ cung cấp đầy đủ thông tin chất dinh dưỡng (đạm, chất bột đường, chất béo) và vi chất dinh dưỡng (chất xơ, đường, muối). Nó cũng có thể “nhắc nhở” chúng ta khi lượng thực phẩm tiêu thụ quá mức cho phép.

Ứng dụng này còn đồng bộ với các thiết bị đeo trên người giúp kết hợp chế độ ăn uống và tập luyện một cách hợp lý.

Bình đựng nước bổ sung khoáng chất

Ảnh: motivrunning
Ảnh: motivrunning

Thắng giải sáng tạo tại Hội chợ hàng điện tử tiêu dùng (CES) 2018, LifeFuels được thiết kế nhằm hỗ trợ việc uống nước một cách khoa học, tùy vào từng hoạt động và ở mỗi thời điểm khác nhau trong ngày.

Bình có hai phần: thân trên chứa nước và thân dưới chứa 3 ống đựng chất dinh dưỡng cần thiết. Từ ứng dụng trên điện thoại thông minh, người dùng có thể tự pha chế nước uống, bổ sung khoáng chất hoặc hương vị thích hợp tùy theo nhu cầu. Ứng dụng còn có chức năng theo dõi lượng nước tiêu thụ và đồng bộ hóa với các thiết bị như đồng hồ thông minh của Apple, Fitbit và Garmin, giúp nâng cao hoạt động rèn luyện sức khỏe.

Thiết bị dò dị ứng thực phẩm Nima

Ảnh: Pinterest
Ảnh: Pinterest

Thao tác sử dụng rất đơn giản, người dùng chỉ cần cho một lượng nhỏ thức ăn (dạng rắn hoặc lỏng) vào ống nghiệm dùng một lần, sau đó cho vào thiết bị Nima và chờ trong vài phút. Kết quả phân tích sẽ cho biết liệu trong thực phẩm mà người dùng sắp tiêu thụ có chứa các chất gây dị ứng phổ biến là gluten (trong lúa mì), đường lactose (trong sữa), đậu phộng... hay không, nếu không thì hình mặt cười sẽ xuất hiện trên thiết bị. Nima cũng có khả năng kết nối với một ứng dụng di động qua Bluetooth nên người dùng có thể chia sẻ thông tin vừa kiểm tra với cộng đồng những người dễ bị dị ứng thực phẩm.

ĐƯỜNG THẤT (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết