11/07/2018 - 16:36

5 cách “thụ tinh trong ống nghiệm” làm thay đổi thế giới 

Tháng 7 này, Louise Brown (ảnh) - “em bé đầu trên thế giới ra đời nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IFV)” - sẽ mừng sinh nhật tuổi 40. Thành tựu của phương pháp hỗ trợ sinh sản này đến nay không chỉ là “cứu cánh” cho các cặp vợ chồng hiếm muộn mà còn tạo ra nhiều đột phá quan trọng trong lĩnh vực y khoa.

Ảnh: expatwoman

IVF: từ bị chỉ trích đến bình thường hóa

“Em bé ống nghiệm” Louise Brown sinh ngày 25-7-1978 tại Manchester (Anh) và trưởng thành khỏe mạnh. Tháng 12-2006, cô cũng đã hạ sinh một bé trai theo cách hoàn toàn tự nhiên. Ngoài Brown, đến nay đã có hơn 6 triệu em bé ra đời nhờ IVF và tại nhiều nước, tỷ lệ trẻ chào đời bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản này là khoảng 3-6%.

Nhưng ít ai biết cách đây hàng thập kỷ, “cha đẻ” của IVF là cố Giáo sư Robert Edwards và Tiến sĩ Patrick Steptoe đã vấp phải sự phản đối và chỉ trích dữ dội từ các nhà sinh vật học, bác sĩ và những người đoạt giải Nobel. Công trình nghiên cứu của họ bị coi là “vô giá trị” về mặt khoa học, không cần thiết và có vấn đề về đạo đức. Tuy nhiên, sự ra đời của Louise Brown đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của công chúng và Giáo sư Edwards đã được trao giải Nobel Y học năm 2010. Ngày nay, thế giới nhìn nhận “em bé ống nghiệm” cũng phát triển bình thường như mọi trẻ khác.

Nâng cao hiểu biết về sự sinh sản ở người

Với việc tạo ra nhiều trứng được thụ tinh nhân tạo, những “phôi dư thừa” có thể được phép sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học. Tuy khái niệm “phôi dư thừa” vấp phải một số ý kiến phản đối về mặt đạo đức, nhưng nghiên cứu về nó không chỉ cải thiện kỹ thuật IVF mà còn giúp y học hiểu rõ hơn nguyên nhân dẫn đến sẩy thai hoặc sự tiến triển của các dị tật bẩm sinh.

Theo Giáo sư y học sinh sản Alison Murdoch tại Đại học Newcastle, nghiên cứu về phôi người đã thay đổi những hiểu biết cơ bản của chúng ta về di truyền học sinh học tế bào, qua đó mở mang kiến thức về khả năng sinh sản ở người, từ điều trị lâm sàng vô sinh cho tới ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe khác.

Mở đường cho nghiên cứu tế bào gốc, dẫn đầu là Anh

Lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc từ phôi người bắt đầu được chú ý với thành công tách tế bào gốc phôi người (HESCs) lần đầu tiên vào năm 1998. Theo đó, các tế bào gốc từ phôi có khả năng phát triển thành bất kỳ loại mô nào trong cơ thể như tế bào tim, cơ, thần kinh... nên được coi là nền tảng của lĩnh vực y học tái tạo, hứa hẹn chữa khỏi những căn bệnh nan y, thậm chí khôi phục những sinh vật đã tuyệt chủng. Nhưng xét về mặt đạo đức - xã hội, kỹ thuật này vấp phải rào cản từ nhiều phía.

Dù vậy, ngành khoa học về HESCs đến nay đã ghi nhận được những tiến bộ vượt trội và Anh được coi là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này. Tháng 12-2016, cơ quan quản lý sinh sản ở Anh đã ra quyết định lịch sử khi chấp thuận “sử dụng một cách thận trọng” các kỹ thuật tạo ra em bé từ ADN của 3 người nhằm ngăn chặn nguy cơ di truyền những bệnh di truyền nguy hiểm cho con cái. Năm 2017, các nhà khoa học Đại học Newcastle cho biết họ đã chính thức được cấp phép sử dụng ADN của 3 người để tạo ra 1 em bé. Anh cũng đã sửa luật, cho phép các nhà khoa học chỉnh sửa cấu trúc di truyền của trứng hoặc phôi thai trước khi cấy vào cơ thể người mẹ, trở thành nước đầu tiên trên thế giới chấp nhận kỹ thuật này về mặt luật pháp.

Khả năng sàng lọc di truyền

Năm 1990, hai chuyên gia sinh sản người Anh Robert Winston và Alan Handyside cho biết họ đã phân tích và xác định giới tính của phôi, giúp tăng khả năng sàng lọc một căn bệnh nguy hiểm về giới. Điều này đã thuyết phục những người theo chủ nghĩa hoài nghi tin rằng nghiên cứu phôi quả thực thúc đẩy sự phát triển y học.

Đơn cử, phương pháp chẩn đoán di truyền tiền cấy phôi (PGD) đã giúp phát hiện sớm dị tật thai nhi. Đến nay, Cơ quan Quản lý Thụ tinh nhân tạo và Phôi thai (HFEA) của Anh đã cho phép dùng PGD sàng lọc khoảng 400 căn bệnh nghiêm trọng liên quan đến các gien riêng rẽ, mà qua đó, phôi thai mang các biến thể gien gây bệnh sẽ không được nuôi cấy, giúp loại bỏ nguy cơ cha mẹ di truyền bệnh cho con cái.

Thay đổi quan niệm về thụ tinh ở người

Không chỉ nâng cao hiểu biết về sự sinh sản ở người, IVF còn thay đổi khái niệm truyền thống về cấu trúc gia đình. Việc hiến trứng và mang thai hộ, trữ đông phôi cùng những kỹ thuật như thay thế ty thể, chỉnh sửa gien đang làm thay đổi tất cả quan điểm truyền thống của chúng ta về quan hệ sinh học, quan hệ họ hàng và xóa bỏ những hạn chế về thời gian, không gian, giới tính cũng như di truyền học đối với sự sinh sản ở người.

Nhìn chung, IVF mang lại nhiều tiến bộ trong hỗ trợ sinh sản song lĩnh vực nghiên cứu phôi vẫn là đề tài gây nhiều tranh cãi. Nếu trước đây chỉ có các chức sắc tôn giáo phản đối nghiên cứu phôi, thì ngày nay, những người chống phá thai cũng cho rằng phôi thai là “một con người”. Do đó, giới chuyên gia nhận định bất kể y học đã đạt những bước tiến rõ ràng, nghiên cứu phôi thai vẫn sẽ bị hạn chế bởi vấn đề đạo đức.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết