04/04/2018 - 16:02

5 cách kiểm soát triệu chứng bệnh gút không cần thuốc 

Chế độ ăn chứa nhiều thịt đỏ, thực phẩm béo và thức uống có cồn là một phần nguyên nhân dẫn đến bệnh gút - một rối loạn về chuyển hóa liên quan đến việc tăng sản xuất hoặc giảm đào thải axít uric trong cơ thể. Dạng viêm khớp này thường gây sưng, đau dữ dội các khớp ở ngón chân cái và cũng xảy ra ở mắt cá, ngón tay, cổ tay, đầu gối hoặc khuỷu tay... Ngoài điều trị thuốc và tích cực cải thiện lối sống, các chuyên gia khẳng định người bệnh có thể kiểm soát triệu chứng gút bằng 5 cách dễ thực hiện tại nhà sau đây:

Ưu tiên tiêu thụ nhóm thực phẩm có lợi giúp bệnh nhân gút kiểm soát bệnh tình. Ảnh: Rador

Ăn trái anh đào. Trong một thử nghiệm từng công bố trên Tạp chí Viêm khớp và Thấp khớp, nhóm bệnh nhân gút có ăn trái anh đào trong 2 ngày đã ít biểu hiện các triệu chứng hơn so với nhóm không ăn. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng quả anh đào chứa chất anthocyanin - phân tử mang lại màu đỏ tự nhiên và có đặc tính kháng viêm, nên cũng giúp hạn chế triệu chứng bệnh.

Uống nhiều nước. Theo Elizabeth Volkmann - bác sĩ chuyên khoa thấp khớp tại Trung tâm Y tế Đại học California, Los Angeles (Mỹ), uống thêm nước giúp thận nhanh chóng đào thải lượng axít uric dư thừa qua nước tiểu, nên cũng giúp cân bằng lại nồng độ axít uric. Theo khuyến cáo từ Hội đồng Thực phẩm và dinh dưỡng Mỹ, phụ nữ nên uống tối thiểu 2,6 lít nước/ngày và nam giới là 3,6 lít nước/ngày.

Ưu tiên chế phẩm từ sữa ít béo. Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y khoa New England (NEJM) cho thấy, một số loại thực phẩm có khả năng làm giảm các triệu chứng của bệnh gút, đứng đầu danh sách đó là sữa ít béo. Cụ thể, các nhà nghiên cứu phát hiện những người tiêu thụ chế phẩm từ sữa ít béo hoặc sữa chua từ 2 lần/tuần trở lên đã giảm tới 48% nguy cơ mắc bệnh gút.

Bổ sung men vi sinh vào chế độ ăn uống. Nghiên cứu khoa học đã chứng tỏ men vi sinh probiotic có thể giúp cải thiện bệnh tình cho những người bị gút. Đơn cử, một nghiên cứu đăng trên Tạp chí PLOS One cho thấy các chủng men vi sinh gồm Lactobacillus plantarum, Lactobacillus brevis và Lactobacillus rhamnosus có thể giúp hệ tiêu hóa phân hủy và loại bỏ chất purin hiệu quả hơn. Tác động đó giúp làm giảm nồng độ axít uric trong cơ thể - tức cũng giảm nguy cơ bị gút hoặc triệu chứng của bệnh.

Dung nạp vitamin C. Vitamin C lâu nay được xem là một phương thuốc trị bệnh gút tiềm năng và đã được chứng minh là làm giảm lượng axít uric trong cơ thể. Đơn cử, một nghiên cứu từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho thấy việc bổ sung vitamin C 500 mg/ngày trong 2 tháng đã làm giảm đáng kể nồng độ axít uric của bệnh nhân. Tuy được xem là an toàn đối với đa số mọi người, song bệnh nhân cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung vitamin C.

AN NHIÊN (Theo Prevention)

Chia sẻ bài viết